Thứ sáu tuần 4 thường niên
Thánh Gioan bị trảm
quyết
(Mc
6,14-29)
1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marô thuật lại cho
chúng ta cuộc tử nạn của thánh Gioan Tẩy Giả.
Khi ấy, danh tiếng Chúa Giêsu lẫy lừng vì những lời giảng và hành động
thật uy quyền đã đến tai Hêrôđê khiến ông ta sống bất an, lương tâm cắn rứt và
nghĩ rằng chính Gioan Tẩy Giả tiếp tục sống trong Đức Giêsu. Những ray rứt của
kẻ giết người lại nổi lên trong con người ông và lên án chính ông. Đây chính là
tâm trạng của những kẻ gây ra những điều gian ác. Tâm hồn họ đã đánh mất sự hiện
diện của Thiên Chúa. Tiếng lương tâm cắn rứt chính là dấu chỉ Thiên Chúa vẫn
luôn mời gọi họ hối cải.
2. Gioan Tẩy Giả không phải là ánh sáng, nhưng chỉ đến làm
chứng cho ánh sáng. Dù biết rằng mình sẽ phải chấp nhận cái bi đát nhất của cuộc
đời, Gioan vẫn nói lên tiếng nói bất khuất của vị tiên tri. Mọi tiên tri đều phải trả giá cho lời minh chứng
của mình. Gioan Tẩy Giả đã sống anh dũng, can trường với lời nói của mình. Cái
đầu phải trả giá là giá nặng nề và đáng nguyền rủa nhất của vị tiên tri sau cái
chết đóng đinh nơi thập giá đối với ngưới Do thái lúc đó. Gioan Tẩy giả đã tự
xóa mình để cho Đấng Cứu độ lớn lên trong lịch sử nhân loại. Lời chứng và cái
chết của Ngài, đã nói lên sự thật muôn đời là Gioan đã hoàn toàn đáp trả lời mời
gọi của Thiên Chúa :”Ngài không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các vua chúa. Ngài
đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý.
3. Còn vua Hêrôđê, ông là hình ảnh của những con người yếu
đuối, hướng chiều theo tội lỗi. Sở dĩ ông tống ngục ông Gioan Tẩy Giả là cũng
vì nghe lời Hêrôđiađê xúi giục, chứ riêng ông thì ông nể sợ Gioan Tẩy Giả vì biết
Gioan là người công chính thánh thiện. Marcô viết :”Ông che chở Người. Khi nghe
ông nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại thích nghe”. Hêrôđê chính là mẫu
người yếu đuối, buông theo sự dễ dãi đến khi muốn trở lại thì đã quá trễ, không
thể làm lại được nữa.
Hêrôđê để cho mình bị thú vui nhục dục che khuất, loạn
luân, rơi vào cái bẫy “mỹ nhân kế” của mẹ con bà Hêrôđiađê bầy ra, rồi lỡ miệng
thề thốt trong cơn say, cuối cùng để bảo vệ danh dự, ông đã phạm vào tội ác giết
người vô tội. Cũng vậy, xã hội ngày hôm nay, và cách riêng mỗi người chúng ta,
giữa những cám dỗ thế tục, những thú vui nơi các cuộc ăn chơi – tụ điểm múa nhảy, rồi kéo theo những hệ lụy sau đó không còn kiểm
soát được. Rồi một khi, ai đó dám cảnh tỉnh chúng ta, thì thay vì quay đầu sửa
lỗi, lại tìm cách ám hại người nhắc nhở mình, thậm chí sẵn sàng ám hại người
khác để bịt đầu mối và bảo vệ danh dự của mình.
4. Còn bà Hêrôđiađê từng là vợ của tiểu vương Hêrôđê
Philipphê (cũng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả), do bị thánh Gioan Tẩy
Giả can ngăn, làm ảnh hưởng đến chuyện tư tình của mình với Hêrôđê Antipas, nuôi
lòng thù hận và đã bầy ra trò mỹ nhân kế của cô con gái rồi dùng bàn tay tình
nhân để hãm hại người công chính. Bà là mẫu gương sống theo sự dữ. Đã pạm tội
loạn luân, lấy em chồng của mình thì chớ, lại còn căm thù ông Gioan và muốn giết
ông...
Giữa xã hội hôm nay cũng thế, nhiều người không ngại dùng
nhiều thủ đoạn thậm chí còn tàn độc hơn cả Hêrôđiađê để trả thù những ai dám cản trở những cuộc tình mờ ám
hay những việc làm sai trái của mình.
5. Gioan Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng
chết cho công lý. Trong ý nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua
đi nhưng tinh thần ngài vẫn còn sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách
nào đó, ngài cũng sống trong chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu.
Từ 2000 năm qua, Giáo hội vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần Gioan
Tẩy Giả, của các Tông đồ, của các thánh Tử đạo, đã sống mãi trong Giáo hội và
trở thành dây liên kết mọi Kitô hữu. Điều này luôn được Giáo hội thể hiện qua cử
chỉ hôn kính hài cốt của các thánh được đặt trên bàn thờ.
Tập san Giáo hội Á châu do hội Thừa sai Paris xuất bản
tháng 12/1995, có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục : “ Chúng tôi đã cất giữ
hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội chúng tôi. Chúng tôi tin rằng
hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là dấu chỉ mà chúng tôi không bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi
dây liên kết Giáo hội mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi
không thể cất khỏi sợi dây liên kết hữu hình ấy. Đây là một dấu chỉ nối kết
chúng tôi trực tiếp với Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô ?
Chúng tôi cất giữ hài cốt này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết
hợp với Người mãi mãi”(Mỗi ngày một tin vui).
6. Truyện : Một học sinh can đảm.
Suy niệm gương thánh Gioan Tẩy Giả : tôi có can đảm và sống
Lời Chúa bất chấp mọi khó khăn, mất mát không ?
Một học sinh Nhật là Kitô hữu duy nhất trong ngôi trường có 150 học sinh. Trước mỗi
bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh đến tố
cáo với thầy giáo là em có “hành vi ma thuật”. Nghe thấy thế, thầy cho gọi em
lên đứng giữa lớp, hỏi xem em đã làm gì. Em thẳng thắn nói rằng em chỉ cám ơn
Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước mắt
ràn rụa nói : “Này con, ta cũng là Kitô hữu, nhưng ta không can đảm tỏ ra cho mọi
người biết. Giờ thì cảm ơn Chúa, ta đã biết là Kitô hữu, mình phải làm gì” (Góp
mặt).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt