Thứ ba tuần 5 thường niên
Chúa khuyên đừng vụ
hình thức
(Mc
7,1-13)
1. Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và
những người biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Đối với người Do Thái,
việc rửa tay, rửa chén đĩa, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh,
mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể
hiệp thông với Thiên Chúa là Đấng Thánh. Đây là điều tốt, nhưng người biệt phái
đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu
dựa trên những hình thức bên ngoài. Điều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn,
chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của
truyền thống với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.
2. Thực hành lề luật không có nghĩa là chỉ thi hành những
nghi thức bên ngoài và coi đó là xong nhiệm vụ. Những hình thức bên ngoài là cần
thiết, nhưng chúng chỉ là những yếu tố bổ sung và phụ thuộc, mà cái cần thiết
nhất là tấm lòng. Hay nói cách khác, cần nhất là cái động lực thúc đẩy chúng ta
làm : nếu động lực tốt thì việc làm sẽ tốt, nếu động lực xấu thì việc làm sẽ xấu.
Nếu việc làm mà thiếu động lực tốt thì việc làm chỉ là giả tạo và người làm việc
ấy chỉ là giả hình :”Dân này thờ kính Ta
bằng môi miệng, mà lòng chúng thì xa Ta” (Is 29,13).
3. “Dân này kính Ta bằng
miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7,6).
Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy, ngày nay người
ta sống giả dối với nhau rất nhiều. Cái gì ngày này người ta cũng có thể làm giả
được. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả,
lông mi giả, hoa giả trái cây giả, gạo giả... Gần đây chúng ta còn được nghe rất
nhiều thứ giả khác : bẳng giả, chứng chỉ giả, tiến sĩ giả... Những thứ ấy còn
đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm quả, hoa nến, nhang, đèn giả. Mức
độ “giả” rất tinh vi nên nhiều khi cái
giả xem ra còn đẹp hơn những cái thật, khó mà phân biệt được. Ở đây, Chúa Giêsu
chỉ mới nói đến “Giả hình”. Ngày nay, còn một thứ giả tệ hơn. Đó là “Giả nhân giả nghĩa”. “Giả hình” mà còn
đáng trách thì giả nhân giả nghĩa còn đáng trách hơn chừng nào.
4. Chúa Giêsu khiển trách những người biệt phái và luật sĩ
thờ phượng Chúa trên đầu môi chót lưỡi, còn tấm lòng lại xa cách Người. Họ chăm
chăm tuân giữ các truyền thống xa xưa, còn điều răn yêu thương là cốt lõi cũa Lời
Chúa dạy thì họ lại không tuân giữ. Chúa
Giêsu cũng đả kích các nhà thông luật Do thái vì họ quá tôn trọng hình thức bề
ngoài, qua đó, Người mời gọi chúng ta hãy sống thật với lương tâm của mình. Để
sống đạo tốt, chúng ta cần chu toàn các lề luật của Giáo hội, nhưng đồng thời
còn phải sống tình mến với Chúa và mọi
người.
5. Những người giả hình này đáng người ta tặng cho cái nhãn
hiệu “Tốt mã dẻ cùi”. Chim dẻ cùi là một giống chim đẹp, mỏ đỏ,
đuôi dài, lông mã, lông đuôi sặc sỡ ngũ sắc, coi giống chim phượng. Người ta đã
gọi là phượng hoàng Nam (phượng hoàng của nước Nam) hay phượng hoàng đất. Nhưng
chim dẻ cùi phải cái tật hay ăn cứt chó, cứt lợn. Người ta đã có câu :
Dẻ cùi tốt mã dài đuôi,
Hay ăn cứt chó, ai nuôi dẻ cùi.
Dẻ cùi tiếng hót lại không hay, vì vậy dẻ cùi tuy đẹp mã thật,
nhưng người ta không quí mà lại khinh. Người ta thường dùng câu “Tốt mã dẻ cùi”
để chế riễu người bề ngoài đẹp đẽ sáng sủa, ăn vận diêm dúa mà bụng dạ bẩn thỉu không tốt mà lại vô tài
(Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 198).
6. Ngày nay thật đáng lo ngại là cho sự khủng hoảng đạo lý
nơi nhiều gia đình. Có những người con chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng
cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu
mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo
đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi có những
đứa con coi vật chất là trên hết, đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con, sẵn sàng
gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão mà quên
rằng bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, và cầu
nguyện xin lễ cho các ngài khi đã qua đời.
7. Truyện : Sư
máy.
Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/08/1993 đã ghi lại một sáng
kiến mới lạ ở Nhật, đó là “sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì
vị tu hành thực thụ : đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương
mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi giơ lên, một tay thì
gõ mõ, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại
Nhật.
Sáng kiến này đưa ra nhằm đáp ứng cho ơn gọi sư sãi ngày
càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả
bài báo ghi nhận : những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ có một điều chúng
không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt