Thứ năm tuần 6 thường niên
Đức Giêsu là ai vậy?
(Mc
8,27-33)
1. Khi đi đến làng Xêsarê Philipphê, Đức Giêsu hỏi các tông
đồ xem dân chúng cho Ngài là ai. Các ông thưa dễ dàng : người ta cho Ngài là
Gioan Tẩy Giả, là Êlia hay một tiên tri nào đó. Nhưng khi Ngài hỏi chính các
ông cho Ngài là ai, thì Phêrô đã nhanh nhảu tuyên xưng :”Thầy là Đức Kitô”. Ông Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô, lời
tuyên xưng này rất đúng. Nhưng người ta có thể hiểu sai về sứ mệnh chân chính của
Ngài. Họ hiểu sứ mệnh cứu độ của Đức Giêsu theo nghĩa chính trị : giải phóng đất
nước, dành lại tự do cho dân tộc. Vì thế, ngay sau khi ông Phêrô tuyên tín,
Ngài liền báo cho họ con đường Thương Khó và Phục sinh của Ngài.
2. Đức Giêsu là ai ?
Đó là một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giêsu còn ở dưới thế,
mà còn được đặt ra ngay trong thời đại chúng ta. Câu hỏi đã được đặt ra không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận
nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh
hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.
Trong đời mỗi người, hữu thần hay vô thần, sẽ có lần trực
diện với câu hỏi : Giêsu Kitô, ông là ai ? Trên bàn viết của Lênin, thủy tổ cộng
sản, được lưu giữ như một bảo tàng nhỏ từ khi ông nằm xuống ngày 21/01/1924,
người ta thấy bên cạnh cặp kiếng, có một cuốn sách... nói về Chúa Giêsu.
3. Theo dư luận quần
chúng.
Đức Giêsu hỏi các môn đệ :”Người ta nói Thầy là ai” ? Các ông đáp liền :”Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại
cho là một tiên tri nào đó” (Mc 8,28).
Ngày xưa, nhiều người Do thái cho rằng Giêsu cũng chỉ là một
người nào đó như các tiên tri, như Êlia, như Gioan hay như bất cứ một tiên tri
nào khác. Mà theo họ nghĩ thì tiên tri là những người tuy rao giảng một giáo
thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ lùng hơn người, nhiều khi cũng quấy rầy
cuộc sống an bình của họ. Bởi thế khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không
ngại giết các tiên tri : họ lùng bắt Êlia, họ đã bỏ tù Giêrêmia, họ đã chém đầu
Gioan Tẩy Giả... Đức Giêsu đối với họ thì cũng chỉ có thế thôi.
4. Theo ý kiến các môn
đệ.
Đức Giêsu lại hỏi các ông :”Còn anh em, anh em bỏ Thầy là ai”? Ông Phêrô đã nhanh nhảu trả lời ngay
:”Thầy là Đức Kitô” (Mc 8,29).
Tước vị “Christos”, “Messiah” trong tiếng Hêbrơ có một ý
nghĩa rất mạnh như một biến cố bùng nổ ở Israel : Đó là Đấng được Thiên Chúa xức
dầu. Đó là Đấng được mọi người mong đợi để đến “hoàn tất lịch sử”. Đấng các
tiên tri đã báo trước, Đấng sẽ cho con người một ý nghĩa.
Tuy tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, có lẽ Phêrô vẫn quan niệm
như người Do thái về một Đức Kitô vinh quang. Người Do thái chỉ muốn Đức Kitô
làm vua như Maisen, như Đavít. Như Maisen, Đức Kitô sẽ chiến thắng muôn dân,
làm cho nước Do thái trở nên hùng cường, thịnh vượng hơn thời Salômôn.
5. Theo tiết lộ của Đức
Giêsu.
Sau khi nghe Phêrô nói lên sự thật :”Thầy là Đức Kitô”, thì Đức Giêsu xác định rõ hơn thế nào là Kitô
theo quan niệm của Thiên Chúa. Đức Giêsu không ngần ngại minh định tư cách Kitô
của mình, đó là một Đấng Kitô theo hình ảnh
của người tôi tớ Giavê như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Ngài sẽ
không là Đấng Kitô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha
như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Giavê và ngày càng được mạc khải
rõ hơn nơi Người Con yêu dấu của Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế
hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra phải được các môn đệ đón nhận với cảm thông
và chia sẻ.
Phêrô đã đại diện các tông đồ để tuyên xưng :”Thầy là Đức Kitô”, nhưng chỉ tiếc liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ
theo cách thức Thiên Chúa, nhưng đã theo cách thức nhân loại. Phêrô phản đối
thái độ vâng phục của Đức Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi
tư cách Kitô (Mỗi ngày một tin vui).
6. Truyện :
Tôn giáo của ông Lavallière Lepaux.
Lavallière Lepaux là một nhân viên Thượng hội đồng quốc gia
Pháp, ghét đạo Công giáo. Ông lập một đạo mới gồm những triết thuyết và có vẻ
khoa học. Ông cho cán bộ chữ nghĩa đi tuyên truyền khắp nước Pháp, nhưng rất ít
người theo.
Một hôm ông nói với một ông bạn tên là Barras :
- Tôi không hiểu tại sao, tôn giáo của tôi là một công
trình triết lý và khoa học, cán bộ của tôi là người có học, có huấn luyện, mà
không được mấy người theo. Còn ông Giêsu dùng mấy người chài lưới thất học, mà
cả thế giới theo ông ?
Ông Barras trả lời :
- Thưa đồng chí, nếu đồng chí muốn thiên hạ theo đạo mình,
thì đồng chí để cho người ta đóng đinh đồng chí ngày thứ sáu, rồi sáng ngày chủ
nhật, đồng chí cố sống lại đi.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt