Thứ năm tuần 7 thường niên
Tránh dịp tội và
gương xấu
(Mc
9,41-50)
1. Trong đoạn Tin Mừng này, Marcô gom chung những giáo huấn
mà có lẽ ngày xưa Đức Giêsu đã dạy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, do đó ta
không thấy được mối liên hệ mạch lạc giữa các ý tưởng.
Tất cả có 3 giáo huấn :
- Ai giúp đỡ môn đệ Chúa thì sẽ được Chúa thưởng, dù sự
giúp đỡ đó rất nhỏ.
- Sự tai hại trầm trọng của việc làm gương xấu gây vấp phạm
cho “những kẻ bé mọn”.
- Các môn đệ Chúa phải có “muối” trong mình (Nhóm CGKPV giải
thích là “sự từ bỏ”) và phải sống hòa thuận với nhau.
Hôm nay chúng ta chỉ chú trọng triển khai bài giáo huấn thứ
hai của Đức Giêsu.
2. Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay :”Nếu tay con làm cớ cho con sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt tay mà được
vào cõi trường sinh, còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục”. Điều Chúa
muốn nhấn mạnh ở đây là cần phải sẵn sàng hy sinh những gì gần gũi thân thiết
nhất, hơn là phạm tội mất lòng Chúa. Như thế, việc chặt chân, chặt tay, móc mắt
không thể hiểu theo nghĩa đen được. Chúa không có ý bảo chúng ta hủy bỏ một phần
thân thể, nhưng qua cách nói ấy, Ngài có ý nói rằng Nước Trời đáng cho chúng ta
hy sinh tất cả để chiếm hữu, cho dù phải đau đớn như việc chặt chân chặt tay.
Điều này đòi hỏi chúng ta phải hy sinh cho thế gian, xác thịt
và ma quỉ; đồng thời phải biết duy trì, bảo vệ và phát triển phẩm giá làm con
cái Chúa, sống trong ơn nghĩa Chúa.
3. Xét ra Lời Chúa hôm nay cũng không xa thực tế lắm. Có
người chỉ vì lòng tham của cải chứ không phải vì Nước Trời mà đã dám hy sinh một
phần thân thể. Họ dám hy sinh cái nhỏ để chiếm được cái lớn.
Đó là ông O’Neil, nhà thám hiểm đã tìm ra đất Ái Nhĩ Lan.
Khi nhóm thám hiểm đến gần phần đất mới, vị thuyền trưởng tuyên bố :”Hễ ai chạm
tay trước hết vào phần đất trên bờ thì người ấy làm chủ phần đất ấy”. Ông
O’Neil quyết tâm chiếm cho bằng được. Ông chèo một chiếc thuyền nhỏ vào bờ. Nhận
thấy có kẻ khác vượt lên trên mình, ông quyết định lấy rìu chặt đứt cánh tay
trái và liệng vào bờ, chạm đất trước hết, thắng cuộc.
Nhà thám hiểm cụt một tay để được một nước thế gian, thì trong
việc chiếm lấy Nước Trời, Chúa dạy chúng ta cũng phải sẵn sàng hy sinh tất cả
những gì thân thiết và quí mến nhất.
4. Chúa cũng răn đe rất nghiêm ngặt những ai gây gương mù
gương xấu “Thà buộc cối xay vào cổ người ấy
mà ném xuống biển còn hơn”. Lời răn đe rất thẳng thắn và quyết liệt. Thớt cối
xay nặng như thế mà kéo dìm một tội nhân dưới nước thì không thể nào ngóc đầu
lên được : ý nói đến sự xấu xa, ghê tởm, nặng nề của tội làm gương xấu.
Trong bức thư của Lentulo, tổng trấn Do thái gửi cho hoàng
đế Tiberiô, để diễn tả chân dung Chúa Kitô, có câu này :”Khi ông (Chúa Kitô) quở
trách sửa phạt, thật cả là một sự ghê sợ; nhưng khi khuyên bảo dạy dỗ ông lại rất
hòa nhã đằm thắm, làm cho thiên hạ tin phục say mê”.
Truyện
: Trên một chuyến xe lửa, cha Bernard
Vogan gặp một hành khách ăn nói rất ư tự do và thô tục. Ông ta nói những chuyện
đồi bại, lấy làm thích thú và cười khoái trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta
để ông ta im lặng đều không hiệu quả. Xe đến ga, người hành khách ấy xuống.
Cha Vogan thò đầu ra cửa xe gọi theo :”Này ông, ông còn quên cái gì đây này”.
Người đó vội lên toa, nhìn quanh và hỏi :”Quên cái gì đâu” ? Cha Vogan nói với
giọng tử tế nhưng cứng rắn :”Ông để lại một ấn tượng xấu cho hành khách trong toa”. Người ấy xấu hổ đi
xuống ngay.
5. Phải tránh dịp
nguy hiểm đưa đến tội.
Kinh thánh nói :”Ai
thích sự nguy hiểm sẽ rơi vào sự nguy hiểm đó” (Gv 3,27) : chơi với lửa có
ngày sẽ bỏng, chơi với dao có ngày đứt tay, chơi với bùn có ngày lấm áo... Đó
là kinh nghiệm ngàn đời của dân gian.
Chống lại chước cám dỗ là tốt, việc phải làm, nhưng cũng
không nên gây ra dịp thuận tiện để cho
cám dỗ ập tới. Tại sao không cố mà tránh cơ hội gây ra cám dỗ để khỏi bị mắc bẫy
?
Chim ham mồi sa lưới
Cá
ham thính mắc câu,
Con
người phải nghĩ cho sâu,
Đừng
ham danh lợi, sắc hầu sa cơ.
Tài
danh là cạm giữa trời,
Hồng
nhan là bả những người tài hoa.
Truyện : Thuê tài xế lái xe.
Có
một người giầu có rất yêu mến mẹ già. Một hôm ông muốn đi thuê một người tài xế
chở bà mẹ già đi chơi mỗi buổi chiều. Có ba người đến xin chân tài xế đó.
Người
giầu nói :”Tôi không muốn có một tai nạn nào xẩy ra trong khi các ông mang mẹ
tôi đi chơi cả. Tôi sẽ thử cả ba ông xem các ông lái xe giỏi đến mức nào. Tôi
muốn xem các ông lái sát hào bao nhiêu mà không bị rơi xuống”.
Người
tài xế thứ nhất tự nhủ :”Cái đó thì dễ ợt”. Ông ngồi bẻ tay lái và chạy vù xuống
đường, cách cái hào một tấc.
Người
thứ hai thầm bảo :”Mình lái ngon hơn hẳn là cái chắc”. Ông này cũng lái vèo xuống
đường và chỉ cách cái hào có nửa tấc.
Trong
khi đó, người thứ ba suy nghĩ rất hung, kết quả ông lái cách hào những một mét.
Hai
người tài xế trước thấy thế cười đắc chí, nhưng người giầu lại bảo bác tài xế
thứ ba rằng :”Tôi xin nhận bác làm tài xế cho mẹ tôi. Tôi cần người tài xế có bảo
đảm, mà một người lái có bảo đảm thì không bao giờ lái sát hào quá (W.J. Diamond, Đồng cỏ non, 1968, tr 19-20).
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt