Thứ sáu tuần 7 thường niên
Có được phép ly dị
không ?
(Mc
10,1-12)
1. Hôm nay thánh Marcô cho chúng ta biết : Đức Giêsu đến
Galilê, dân chúng tấp nập kéo đến nghe Ngài giảng. Và nhóm biệt phái đến hỏi thử
Ngài : chồng có được phép rẫy vợ không ? Chúa
lại quay ra hỏi họ : Ông Maisen dạy họ làm sao? Họ thưa : Maisen cho
phép họ ly dị vợ. Chúa liền bảo cho họ biết : tại vì lòng chai dạ đá của các
ông mà ông Maisen phải buộc lòng cho phép họ làm như thế, chứ thực ra ngay từ đầu
Thiên Chúa đã dựng nên người nam, người nữ và kết hợp họ nên một. Đó là điều
Thiên Chúa đã phối hợp thì loài người không được phân ly.
2. Ngay trong giới biệt phái cũng có hai lập trường đối ngược
nhau về vấn đề ly dị này.
- Lập trường dễ dãi
do rabbi Hillel đứng đầu chủ trương cho phép ly dị vì những lý do rất
tầm thường.
- Lập trường khắt khe
do rabbi Shammai đứng đầu chủ trương chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại
tình.
Hôm nay khi người biệt phái đến hỏi Đức Giêsu xem họ có được
phép ly dị không ? Thay vì trả lời “Có” hay ”Không” – vì Đức Giêsu biết họ có ý
gài bẫy Ngài sẽ phạm một trong hai tội : vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với
Hêrôđê – thì Đức Gêsu lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu Thiên
Chúa sáng tạo loài người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau và
Ngài nhắc lại câu :”Điều gì Thiên Chúa kết
hợp, loài người không được phân ly”.
3. “Thuở ban đầu” –
có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết
hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích
kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình thương và tha thứ cho
nhau... dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Maisen cho phép ly dị như một chọn lựa
ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Đức Giêsu :
Ông Maisen cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Maisen
cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.
Như vậy, Đức Giêsu xác định rõ ràng về ý định của Thiên
Chúa và nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài khẳng định khi hôn nhân thành sự
là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người
không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng
hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.
4. Sự kỳ thị nam nữ
trong luật Do thái.
Sách Đệ nhị luật chương 24,1-3 có ghi : “Nếu một người đàn
ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, và sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa,
vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư
ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy
chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly
dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm
vợ và chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ
một lần nũa, sau khi nàng đã ra ô uế”.
Chúng ta thấy ngay có sự kỳ thị nam nữ trong luật ấy. Người
Do thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ
xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyển nòi giống, thích thì giữ
và chán thì bỏ.
5. Như vậy, ý định của Thiên Chúa là sáng tạo một người nam
và một người nữ để thành một huyết nhục là khế ước tình yêu giữa người nam và
người nữ. Hiệu quả của khế ước này là sự trở nên làm một với nhau. Điều này chứng
tỏ việc ly dị là phủ nhận khế ước tình yêu giữa nam và nữ, đồng thời cũng nói
lên sự bất phục tùng ý định của Thiên Chúa. Tình yêu vợ chồng phải là tình yêu
duy nhất và chung thủy :”Sự gì Thiên Chúa
phối hợp, loài người không được phân ly”.
Ngày nay, Giáo hội vẫn trung thành với giáo lý của Đức
Giêsu và luôn khẳng định đặc tính “vĩnh viễn” của hôn nhân Công giáo. Không ai
có quyền hủy bỏ giao ước hôn nhân hợp pháp vì đây là luật của Chúa. Luật ly dị
xem ra là một luật khắt khe và khó khả thi, nhưng với ơn Chúa trợ giúp, chúng
ta có thể thực hiện được, và nhờ đó Giáo hội cũng như xã hội càng thêm vững chắc,
gia đình dễ tìm được hạnh phúc.
6. Truyện : Án
Tử trung thành với vợ.
Án Tử, người nước Tề, là một người nổi tiếng thanh liêm và
thủy chung. Xuất thân từ gia đình nghèo, Án Tử được vợ hy sinh tảo tần buôn bán để nuôi ăn học. Đỗ đạt làm
quan, không bao giờ Án Tử quên ơn ấy của
vợ.
Dù cuộc sống có đầy cạm bẫy, ông vẫn trung thành. Một hôm
vua Cảnh Công đến thăm và ở lại dùng bữa với Án Tử. Một người đàn bà vừa già vừa
xấu xuất hiện trong bữa tiệc. Án Tử liền giới thiệu đó là vợ mình, nhà vua ngạc
nhiên đến sửng sốt, ông mới đề nghị với Án Tử: “Ôi, vợ khanh sao vừa già lại vừa
xấu. Quả nhân có một đứa con gái vừa trẻ vừa đẹp, quả nhân muốn cho về hầu
khanh. Khanh nghĩ sao ?
Án Tử liền trả lời một cách dứt khoát không chút do dự
:”Nhà tôi nay tuy đã già và xấu, nhưng chúng tôi đã lấy nhau và ăn ở với nhau
bao lâu nay kể từ khi nàng còn trẻ đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc trẻ cốt để
nhờ lúc già, lấy chồng lúc đẹp để nhờ cậy khi xấu. Nhà tôi thường nhờ cậy tôi
như tôi đã từng nhờ cậy sự giúp đỡ của
nhà tôi. Nay bệ hạ muốn ban ơn mưa móc là tùy ở bệ hạ, nhưng xin đừng để tôi
mang tiếng là ăn ở bội bạc với nhà tôi.
Nói xong, Án Tử lạy hai lạy từ chối không nhận lấy con gái
của vua.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt