Thứ ba tuần 8 thường niên
Phần thưởng cho môn
đệ
(Mc 10,
28-31)
1 Sau khi người
thanh niên giầu có bỏ Chúa mà đi, Phêrô liền hỏi Đức Giêsu : chúng con đã bỏ mọi
sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được lại gì ? Chúa đáp : Thầy bảo thật, ai bỏ cửa
nhà, cha mẹ, con cái, ruộng vườn vì Thầy và vì Phúc âm, thì ngay ở đời này sẽ
được lại gấp trăm cùng với các cơn bắt bớ, và ngày sau sẽ được sống đời đời, vì
ai theo Thầy sẽ lật ngược được mọi giá trị ở đời : Ai bỏ đi thì được lại, ai ở
sau thì trở nên trước.
2. Khi nói tới hai chữ “từ
bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay
đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự
cân xứng, hoặc “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Thánh Phêrô đã hỏi Chúa thay
cho chúng ta : Từ bỏ mọi sự, theo Ngài chúng con sẽ được gì ?
Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì có thể là tốt, có thể là
xấu thì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến, đó là phải có lời, có lợi.
Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ : cha mẹ, anh em,
ruộng vườn, nhà cửa... Đức Giêsu khẳng định sẽ trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời
này cùng với sự ngược đãi, nhất là được sự sống đời đời mai ngày.
3. Trả lời câu hỏi của Phêrô, Đức Giêsu hứa ban gấp trăm
ngay ở đời này và đời sau được hưởng sự sống đời đời. Kiểu nói “gấp trăm ở đời này” cần được hiểu theo
nghĩa phẩm chất hơn là theo nghĩa số lượng : từ bỏ cha mẹ không có nghĩa là để
được một trăm cha mẹ ngay ở đời này, nhưng là để được điều quí giá hơn cha mẹ,
đó là cộng đoàn anh em sống hiệp nhất với nhau trong đức tin.
Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì việc bỏ cha mẹ, anh em, chị em
hay con cái, hoặc nhà cửa và ruộng đất mà theo Chúa xem ra không bình thường,
thậm chí còn mất tính nhân bản, hay đi ngược lại với nền giao dục gia đình nữa. Thực ra, phải hiểu là Đức Giêsu mời gọi chúng
ta luôn biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, những điều khác là thứ yếu. Những gì
ở đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Đức Giêsu
không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất, tiền bạc để rồi khước từ Nước Thiên
Chúa.
4. Đừng bắt cá hai
tay (tục ngữ).
Có nghĩa là đừng tham lam , hai tay bắt hai con cá, như thế
chẳng bắt được gì. Về vấn đề này, Đức Giêsu đã nhiều lần cảnh cáo trong suốt thời
gian rao giảng Tin Mừng :”Các ngươi không
thể phục vụ Thiên Chúa và tiền tài cùng một lúc (x.Lc16,13). Người giầu có
thể đi đến chỗ không cần Thiên Chúa nữa. Họ từ từ đóng cửa con tin và không còn
thấy anh em của mình đang đau khổ bên cạnh mình (Lc 16,19-31). Sự giầu sang bóp
nghẹt Lời Chúa (x.Mt 13,22).
Truyện : Con lừa
trước sự lựa chọn.
Ông viện trưởng đại học Paris ở thế kỷ 14 đã làm một thí
nghệm như sau : ông để cho một con lừa nhịn đói, nhịn khát trong mấy ngày. Sau
đó, ông đưa nó đến sân ăn, ông đặt nó giữa một thùng nước và một bó cỏ non. Lừa
ta tuy đói lắm nhưng hễ nhìn đống cỏ này lại ngó
thùng nước kia, nó lưỡng lự giữa nước và cỏ, để rồi cuối cùng kiệt sức mà chết.
Cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn và chọn
lúc nào cũng đòi hỏi hy sinh. Kẻ bắt cá hai tay vẫn luôn luôn là người thua thiệt
nhiều nhất. Hãy nhớ lại Lời Chúa đã phán:”Không
ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn
bó với chủ này mà khinh dể chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa
làm tôi tiền của được” (Mt 6,24).
5. Kẻ sau hết sẽ nên
trước hết...
Đức Giêsu nói :”Kẻ đứng
đầu sẽ nên sau chót, và kẻ sau chót sẽ lên hàng đầu”. Trước hết phải hiểu sự ám chỉ về dân Do thái
tự phụ là những người biết Thiên Chúa trước, nhưng rồi chính họ lại tự đánh mất
cơ hội nhận ra Tin Mừng nơi Người.
Ngoài ra, câu nói này, Đức Giêsu muốn chúng ta đừng bao giờ
ỷ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì
trên bước đường theo Chúa. Ở đời tốt xấu trở như bàn tay. Có khi trước đây họ
là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức
tốt lành. Trái lại, có những người trước đây là tốt lành thánh thiện, nhưng giờ
họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa.
5. Truyện :
Hoàng tử và thanh kiếm.
Vua Charles một lần kêu hoàng tử và cho hoàng tử được chọn.
Trên bàn vua đặt một thanh kiếm và một vương miện (triều thiên). Vua hỏi :
- Con chọn cái nào ?
Ngần ngừ một lúc hoàng tử cầm lấy thanh kiếm.
Vua cha hỏi :
- Sao con lại chọn thanh kiếm ?
Hoàng tử cầm thanh kiếm chỉ vào vương miện đáp :
- Nhờ thanh kiếm này, con sẽ được vương miện kia.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt