Thứ ba tuần 10 thường niên
Muối đất và ánh sáng
(Mt
5,13-16)
1. Sau khi Chúa Giêsu cho biết phải có 8 đức tính như bài
Tin Mừng hôm trước để có thể làm công dân Nước Trời, Ngài bảo các môn đệ phải
làm chứng cho Ngài : phải trở nên muối ướp mọi người cho khỏi hư hỏng; phải trở
nên ánh sáng soi cho mọi người nhìn biết Chúa. Nếu các môn đệ là muối, là ánh
sáng mà đã lạt, đã bị che khuất đi, nghĩa là không lo làm gương sáng gương
lành, thì sẽ không giúp ích được gì cho ai, mà sẽ ra vô dụng bất lợi nữa.
2. Thân phận và hoàn cảnh của mỗi Kitô hữu khác nhau : có
người âm thầm hèn mọn như muối, có người rực rỡ huy hoàng như ánh sáng. Nhưng mọi
người đều có sứ mạng tác động tốt lên môi trường mình sống. Không tác động tốt
thì không còn là Kitô hữu nữa.
Là muối đất, là ánh sáng thế gian, hơn ai hết, Kitô hữu
chúng ta cần phải thắp sáng lên niềm hy vọng bằng cuộc sống tỏa lan tình người.
Dù chỉ là ngọn đèn mù mờ giữa biển khơi, chứng từ của người Kitô hữu vẫn luôn cần
thiết cho sự sống (Carôlô).
3. “Chính anh em là
muối cho đời”.
Khi nói đến muối, người ta nghĩ ngay đến vai trò quan trọng
của chúng trên sức khỏe của con người, bởi vì : muối có thể làm dung hòa, điều
chỉnh độ chứa nước của cơ thể (cân bằng lỏng). Các hoạt động của cơ thể sẽ bị
xáo trộn nếu thiếu muối, triệu chứng rối loạn điện giải, co bắp thịt, đau cơ, uể
oải, hoa mắt, chóng mặt, phù thũng... là do thiếu muối. Muối còn có tác dụng sát
trùng cao, bảo quản thức ăn cho khỏi hư thối... Tục ngữ ca dao Việt nam có câu
:”Cá không ăn muối cá ươn”.
Thậy vậy, đời môn đệ chỉ có giá trị khi trong mình có vị mặn
của tình yêu Giêsu, để làm toát lên hương vị của khiêm nhường, yêu thương, tự hủy,
vâng phục, xóa mình ra không để sống và sống cho người khác. Nếu không có vị mặn
này, phải chăng đời môn đệ của chúng ta trở nên nhạt nhẽo, bèo bọt và vô tác dụng.
Khi ấy, sự hiện diện của chúng ta trở nên dị hợm... thay vì ướp cho đời thì lại làm cho đời trở nên hư thối vì bị lây
nhiễm bởi những lề thói xấu xa tục tĩu của chúng ta (Ngọc Biển).
4. “Chính anh em là
ánh sáng cho thế gian”.
“Thiên Chúa là ánh
sáng” (1Ga 1,5), và chỉ có Chúa Giêsu mới dám nhận mình là ánh sáng. Nhưng
hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ là Kitô hữu chúng ta trở thành ánh
sáng cho thế gian. Vì thế, muốn trở thành ánh sáng như Chúa Giêsu, chúng ta phải
ở gần Người và kết hợp với Người, bởi “gần
đèn thì ta được tỏa sáng”. Chúng ta trở thành ánh sáng cho thế gian khi phản
chiếu vinh quang Chúa bằng đời sống chứng nhân :
- Người Kitô hữu là con cái sự sáng, phải dùng đời sống
gương mẫu và chứng tá của mình để soi dẫn cho người chung quanh biết đường về
cùng Chúa.
- Ánh sáng Tin Mừng của Chúa phải được minh chứng qua lối sống
của người Kitô hữu.
- Chính đời sống của người Kitô hữu phải là bài giảng Tin Mừng
cho thế gian : hoạt động của người Kitô hữu phải là dịp cho người ta ca tụng
Thiên Chúa; vai trò của người Kitô hữu trong thế gian phải như ánh đèn chiếu
sáng chân lý của Chúa, Tin Mừng của Chúa cho mọi người.
5. Trở nên muối đất
và ánh sáng thế gian bằng cách nào ?
Bằng chứng tá cuộc sống của mình, bằng lời nói ăn khớp với
việc làm, không phải vừa có vừa không như thánh tông đồ Phaolô nói trong thư gửi
tín hữu thành Côrintô, mà phải luôn rõ ràng, dứt khoát, hoặc có hoặc không, bởi
vì Thiên Chúa là Đấng trung tín và chân thật,
một khi hiểu được sứ mệnh của mình thì đời sống người Kitô hữu không thể
nào là tầm thường hoặc vô ý nghĩa được.
Tất cả mọi công việc dù nhỏ nhặt và tầm thường đến mấy đi nữa
cũng không bị mất mát hoặc vô dụng nhưng
sẽ nên như một tia sáng lóe lên xóa tan
tăm tối, sẽ như một cây cỏ làm cho mảnh
vườn thêm xinh tươi, sẽ như một bông hoa nhỏ làm cho cảnh vườn thêm mầu sắc, sẽ như một viên gạch xây dựng tòa
nhà xã hội và như những giọt nước tụ hợp lại để trở thành biển cả mênh mông.
6. Truyện : Ảnh
hưởng của gương sáng.
Có những lời nói và việc làm rất vô tình nhưng gây một ảnh
hưởng rất lớn. Đức Hồng y Fulton
Sheen kể lại hai câu chuyện
như sau :
Tại Nam Tư, trong một lần giúp lễ, một cậu bé đã vô tình
đánh vỡ lọ nước. Vị Linh mục tức giận tát cậu bé và thốt lên :”Cút đi, đừng bao
giờ trở lại đây nữa”. Cậu bé đó đã không bao giờ trở lại nhà thờ nữa, bởi vì
sau này cậu đã trở thành nhà lãnh đạo nước Nam Tư xã hội chủ nghĩa. Cậu bé ấy
là Titô.
Tôi còn nhớ tôi cũng là một cậu bé giúp lễ tại nhà thờ
chính tòa, lúc đó tôi lên 7 tuổi. Trong một phiên giúp lễ, tôi cũng đánh rơi
cái lọ. Tôi sợ tưởng chết được, vì mấy cậu bé giúp lễ chúng tôi cứ nghĩ là Đức
cha rất nghiêm khắc. Thế nhưng sau Thánh lễ, Ngài gọi tôi lại và hỏi :”Lớn lên
con sẽ học ở trường nào ? Con có bao giờ
nghe nói tới Louvain không ? Tôi đáp :”Thưa Đức cha, chưa”. Ngài nói :”Vậy thì con về nói với mẹ con rằng
khi lớn lên con sẽ vào học tại trường Đại học Louvain”. Tôi không ngờ rằng hai
năm sau khi chịu chức Linh mục, tôi đã ngồi trên chuyến xe lửa trực chỉ
Louvain.
Cũng một biến cố, nhưng tôi đã đi về hướng này, còn Titô
thì đi về hướng ngược lại (Chờ đợi Chúa).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt