Thứ bảy tuần 10 thường niên
Chân thật trong lời
nói
(Mt
5,33-37)
1. Chúa Giêsu đến kiện toàn Lề luật và lời các tiên tri nên
Ngài dạy các môn đệ : Luật xưa cấm bội
thề (lỗi lời thề), nghĩa là luật
xưa cho phép thề nhưng một khi đã thề thì không được bỏ lời thề, mà phải làm
đúng theo lời đã thề hứa. Còn Thầy, Thầy không cho thề thốt chi hết, mà phải luôn
luôn thành thật : bụng nghĩ sao, miệng nói vậy, luôn luôn phải nói đúng sự thật,
mọi lời giả dối, phỉnh gạt là do “ác quỷ” bầy vẽ bịa đặt, làm cớ cho người ta lỗi
phạm lề luật và mất uy tín, không tin cậy nhau.
2. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự
lương thiện và chân thật trong lời nói cũng như những hành động của con người.
Ngài cho chúng ta hiểu rằng Ngài chính là cội nguồn của chân lý và chân lý của
Ngài giải thoát chúng ta khỏi các ảo tưởng
và sự giả dối. Chính vì thế, Chúa Giêsu lên án những kẻ làm chứng dối và luôn cả
những kẻ lấy danh Thiên Chúa mà thề nguyền. Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ các môn đệ
rằng lời nói của các ông phải bắt rễ từ
cội nguồn sự thật là Thiên Chúa mà không cần tới một nghi thức, hay thủ tục rườm
rà hay giả tạo nào của xã hội loài người
đặt ra để bảo đảm cho lời chứng của mình.
3. Trong một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật
sống, thì sự trung thực quả là vàng.
Phải chăng nhiều người
Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng
trong hoàn cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa ? Người người
dối trá, tại sao tôi không đối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người
khác thì thôi !
Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới
răn này :”Có thì nói có, không thì nói
không, thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra”. Nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của
con người. Con người là hình ảnh của
Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của
con người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn
vật, không có quãng cách giữa lời nói và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng
phẩm giá cao cả của mình đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình,
đó là đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào (Mỗi ngày một tin vui).
4. “Có thì nói là có,
không thì nói là không” (Mt 5,37).
Về vấn đề này, thánh tiến sĩ Tôma Aquinô đã ghi lại trong sổ
tay một đoạn văn ngắn sau đây :”Thiên Chúa chính là một bậc thầy tuyệt hảo,
Ngài đã để lại cho chúng ta 2 tác phẩm siêu việt để chúng ta có thể được học hỏi một cách chu
đáo. Đó chính là pho sách Tạo Vật và pho sách Kinh Thánh. Riêng với pho sách tạo
vật, thì có bao nhiêu tạo vật trong vũ trụ thì có bấy nhiêu chương sách tuyệt mỹ
trong tác phẩm ấy. Cuốn sách khổng lồ này đã dạy cho chúng ta sự thật mà không
pha trộn vào đó một chút giả dối nào cả. Vì thế, khi có người đến hỏi nhà hiền triết Aristote
rằng, ông ta đã học được ở đâu mà có được những cơ sở lý luận, những tư tưởng
trung thực và cao cả đẹp như vậy, thì ông ta đã trả lời :”Tôi đã học được từ chính các tạo vật quanh tôi, bởi vì các tạo vật
thì không bao giờ biết nói dối”.
5. Thiên Chúa rất ghét sự gian trá, Ngài đã phạt thật nặng
những người lừa đảo, thiếu thành thực. Sách Tông đồ Công vụ có thuật lại : Hồi ấy,
có hai vợ chống Anania và Saphira bán ruộng, lấy tiền dâng các tông đồ, nhưng lại
lừa đảo thánh Phêrô, giữ lại một phần. Người chồng là Anania đưa tiền để dưới
chân thánh Phêrô, và vì thiếu thành thực, nên thánh Phêro đã nặng lời lên án
hành vi giả trá của anh . Lập tức anh ngã lăn ra chết.
Ba giờ sau người vợ là Saphira đến gặp thánh nhân và khi
thánh nhân hỏi :”Tiền bán ruộng chỉ có bấy nhiêu sao” ? Saphira lừa dối thánh nhân trả lời là :”Chỉ
có ngần ấy”, và Saphira cũng ngã lăn ra chết (x. Tđcv 5,1-11).
6. Truyện :
Nhà hiền triết Xénophon với cái lưỡi.
Nhiều người trong chúng ta thuộc lòng câu chuyện “Cái lưỡi”
của Xénophon, sống vào thế kỷ thứ 6, Xénophon bị bắt làm nô lệ trong một nước
láng giềng. Biết ông là người tài giỏi, vua trao cho ông nhiều việc. Một trong
những việc quan trọng là thiết tiệc. Vua sai ông chọn một món ăn ngon nhất để
đãi khách. Ông liền ra chợ mua toàn là
lưỡi về nấu. Thực khách ăn và khen ngon.
Nhưng một lần, hai lần, ba lần, lần nào người đầu bếp cũng
chỉ đãi toàn lưỡi. Ngạc nhiên, nhà vua
cho tìm ông đến hỏi lý do. Người nổi tiếng là khôn ngoan mới giải thích : Còn
gì quí hóa cho bằng lưỡi : lưỡi
là máy khôn ngoan, nhờ lưỡi ta học biết điều khôn ngoan, nhờ lưỡi con người biết
ca tụng lẫn nhau, nhờ lưỡi con người giao ước với nhau và dâng lời cảm tạ Thượng
Đế, không gì cao quí cho bằng
lưỡi.
Nhà vua lấy làm ưng ý về sự giải thích đó, và để thử lòng
nhà hiền triết, vua sai ông nấu một món
ăn dở nhất. Lại một lần nữa, Xénophon nấu toàn là lưỡi. Khi được vua chất vấn,
ông giải thích : Tâu bệ hạ, còn gì xấu xa cho bằng cái lưỡi, dưới ánh mặt trời
này còn gì xấu xa mà lưỡi không can dự
vào : phản bội, bất công, gian dối, lừa đảo, trộm cắp, giết người, chiến tranh,
tất cả đều do cái lưỡi : nó có thể làm sụp đổ cả Đế quốc, có thể hủy hoại cả một
dân tộc, đạp đổ cả một gia đình, còn gì xấu xa cho bằng cái lưỡi.
Ai trong chúng ta cũng hơn một lần hối tiếc vì những lời do
miệng lưỡi chúng ta thốt ra. Và một lời lẽ xúc phạm đến người khác cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa. Một lời
dối trá cũng là một lừa đảo người khác, đồng thời xúc phạm đến bản thân bởi vì
đánh đổ hình ảnh của Thiên Chúa – Đấng
chân thật.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt