Thứ hai tuần 10 thường niên
Tám mối phúc thật
(Mt
5,1-12)
1. Hôm nay Chúa Giêsu đã vạch ra cho các môn đệ và những
người đương thời với Ngài những con đường để đưa đến hạnh phúc. Con đường đó là
: tinh thần nghèo khó, hiền lành, chịu đau buồn vì Chúa, khao khát điều công
chính và sẵn sàng nhận bị bách hại vì điều công chính đó, hãy thương xót người,
có lòng trong sạch, ăn ở thuận hòa. Trung thành với các “mối phúc thật” và gắn
vào trong đó lòng mến thì hẳn sẽ đạt được hạnh phúc đích thực là Nước Trời.
2. Hạnh phúc ! Một điều mơ ước muôn thuở của con người. Tuy
người ta chưa đồng ý với nhau về một định nghĩa của hạnh phúc nhưng mọi người đều
nỗ lực tìm đến hạnh phúc bằng mọi phương tiện và bằng bất cứ giá nào. Giấc mơ lớn
nhất của con người là hạnh phúc. Từ xa xưa, triết gia Aristote đã cảm nghiệm được điều này
khi ông nói :”Hạnh phúc là một cái mà tất
cả mọi người đều tìm kiếm”. Còn triết gia Blaise Pascal bảo rằng :”Ai
cũng đi tìm hạnh phúc, kể cả người thắt cổ tự tử”.
3 Có thể qui tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản
là “Tâm hồn nghèo”. Người có tâm hồn
nghèo là người :
- Măt tiêu cực :
không màng đến và không cậy dựa vào tiền
bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này... (nói cách khác : không màng đến nước trần gian).
- Mặt tích cực :
chỉ ước ao sống tốt theo thánh ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành Thiên
Chúa (nói cách khác : được sống trong NướcTrời).
Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói :
hạnh phúc đích thực của Kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng
chính Chúa (Lm Carôlô)
4. Vậy hạnh phúc là gì ? Thực ra chưa có một định nghĩa nào
về hạnh phúc khả dĩ thúc đẩy mọi người phải công nhận, nhưng xét cho cùng, đối
với chúng ta thì hạnh phúc là được sống
đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh
phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội
như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên
Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước
Thiên Chúa.
5. Con người trần thế tìm đủ mọi cách để dành cho được giầu
sang, quyền thế, cho dù phải gây thù chuốc hận, cho dù phải gây ra những cuộc chiến tranh tương tàn khốc hại...
Đang khi đó Chúa Giêsu lại cho nghèo là một mối phúc. Chắc chắn Ngài không ủng
hộ thứ nghèo làm giảm phẩm giá con người. Ngài muốn cho con người có được sự giầu
sang vĩnh cửu : được cả Nước Trời làm gia nghiệp, chứ không phải thứ giầu sang
chỉ đem lại cho con người niềm hạnh phúc
chóng vánh ở đời này. Để đạt được thứ giầu sang vĩnh viễn ấy phải biết làm cho
mình nghèo đi những thứ của cải tạm bợ
và giả trá. Đó là “Nghèo” : - nắm giữ
chức quyền nhưng không tham quyền cố vị, trái lại phục vụ trong khiêm tốn; -
làm ra của cải vật chất nhưng không bị lệ thuộc vào chúng, trái lại biết “hằng
ngày dùng đủ” và cảm thông chia sẻ với nhau trong tình anh em. Nghèo như thế,
chiến tranh, hận thù mới biến mất, và thế giới
này chỉ có tình mến chan hòa. Nghèo như thế mới là hạnh phúc (5 phút Lời
Chúa).
6. Niềm tin của người Kitô hữu thiết yếu hướng về cuộc sống
mai hậu : mọi nỗ lực của người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính
cách siêu việt của cuộc sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian,
nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về
Quê hương đích thực là Thiên Quốc. Tuy
nhiên, niềm tin tưởng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho người Kitô hữu
xao lãng với những nhiệm vụ trần thế của
họ. Họ phải xác tín rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp
được những giá trị của Nước Trời; chính
qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh cửu của họ. Đây quả
là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu ở mọi thời (Mỗi ngày một tin vui).
7. Truyện : Quỷ
dữ cũng khát khao hạnh phúc.
Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin Chúa cho tra vấn một
tên quỷ :
- Nhân danh Chúa, ta hỏi mi : đâu là hạnh phúc nhất ?
- Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn thấy Chúa là tất cả
niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu thế gian và mọi tinh
tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì tất cả cũng chỉ là
con số không.
- Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó, tại sao ngươi
đánh mất hạnh phúc thiên đàng ?
- Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ nỗi là bây giờ
đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình hỏa ngục gom lại
cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi được hưởng thiên
đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi !
Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh phúc (Chờ đợi
Chúa).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt