Thứ tư tuần 10 thường niên
Kiện toàn lề luật
(Mt
5,17-19)
1. Chúa Giêsu truyên bố cho mọi người biết : Ngài đến không
phải để bãi bỏ luật Maisen và lời dạy của các tiên tri trong Cựu ước, nhưng làm
cho hoàn hảo và đầy đủ hơn.
Vì Chúa Giêsu dạy một số điều xem ra không đúng với luật
Maisen và giáo huấn của các tiên tri theo lối giải thích của những người Biệt
phái, nên nhiều người tưởng Ngài muốn hủy bỏ Luật Maisen. Vì thế Ngài phải giải
tỏa sự hiểu lầm ấy : Ngài không hủy bỏ mà là kiện toàn chúng. Kiện toàn bằng cách dạy người ta hiểu những
khoản luật đó là ý muốn của Cha trên trời nên phải sống những khoản luật đó
trong tinh thần Cha – con.
2. Hôm nay, khi thấy Chúa Giêsu làm phép lạ trong ngày
Sabat , giới lãnh đạo Do thái tỏ vẻ khó chịu và nghi ngờ việc Chúa Giêsu bất chấp
Lề Luật. Thấy được sự sầm sì của họ, Chúa Giêsu lên tiếng dạy các môn đệ và
cũng một cách gián tiếp giáo huấn những người Biệt phái :”Các con đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật hay lời các tiên tri; Thầy
không đến để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn (Mt 5,17). Khi nói như thế, Chúa
Giêsu muốn mặc cho Lề Luật một ý nghĩa mới, đó là Luật vì con người chứ không
phải con người vì Luật. Khi Luật vì con người, thì tình yêu sẽ vượt lên trên Lề
Luật, còn khi con người vì Luật, thì chính Luật sẽ đè bẹp và giết chết con người
trong sự vô nhân đạo.
3. Chúa Giêsu không phải là con người vô kỷ cương và luật
pháp. Ngài đã sống như một người Do thái, nghĩa là tuân giữ luật lệ của Maisen
truyền lại. Chỉ có điều khác biệt giữa
Ngài và các người Biệt phái, đó là tinh
thần : nếu những người Biệt phái tự cho mình là người công chính nhờ tuân
giữ Lề luật, thì Chúa Giêsu lại khẳng định rằng chỉ nhờ ơn Chúa, con người mới
có thể nên công chính. Chúa Giêsu tuân giữ Lề Luật để kiện toàn nó, kiện toàn
theo nghĩa thực hiện chính những lời loan báo của các tiên tri liên quan đến
Ngài, kiện toàn đến độ mặc cho Lề Luật một tinh thần mới, tức là tình mến (Mỗi
ngày một tin vui).
4. Ngay những năm đầu của lịch sử Giáo hội đã xẩy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng
có nguy cơ làm tan nát Giáo hội còn non trẻ : đó là có cần phải tuân giữ những
truyền thống của Luật Maisen hay không.
Luật giữ ngày hưu lễ có còn đòi buộc nữa không một khi người ta đã trở
nên môn đệ của Chúa Giêsu ? Đó cũng là
những vấn nạn của mọi thời : trung thành
bảo vệ truyền thống hay cách mạng đổi mới
tận căn ? Người ta nghĩ rằng đối với người môn đệ của Chúa Giêsu, mọi giáo huấn
Cựu Ước không còn giá trị nữa. Chúa
Giêsu đã trả lời :”Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Đối với Ngài, vấn đề không hệ tại ở việc bảo thủ một ý hướng
cứng nhắc, cũng chẳng phải là lật đổ đổi mới, mà là trao ban cho quá khứ một sự
sống mới. Vì đâu có phải mọi truyền thống đều tốt và nên bảo vệ cả đâu. Cũng chẳng
phải hễ cái gì mới cũng quí cả đâu ! Điều mà các bậc tổ tiên đã sống, đã hệ thống
hóa trong những thời xa xưa là điều đáng
quí, nhưng chúng cần được Chúa Giêsu kiện toàn bằng cách lột bỏ sự khô cứng của
Lề Luật (5 phút Lời Chúa).
5. Chuyện cổ Đông phương kể rằng : ngày xưa, có một vị đạo
sĩ dâng cho vua một chiếc nhẫn thần kỳ và vô giá. Nó vô giá vì được làm bằng thứ
kim loại quí hiếm và gắn đầy kim cương lóng lánh : nó kỳ diệu ở chỗ nếu người
đeo nó làm điều lành, thì nó rất vừa vặn và chiếu sáng. Nhưng nếu người đó làm
điều ác, thì nó sẽ biến thành một cái máy xiết rất mạnh, làm cho ngón tay trở
nên đau đớn.
Mỗi người chúng ta cũng có chiếc nhẫn thần là Lề Luật của
Thiên Chúa. Tuy niên, chiếc nhẫn đó mang lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc
hay đau khổ là do thái độ của chúng ta đối
với chúng. Thái độ đó là yêu mến hay bị ép buộc.
6. Truyện : Tiếng
nói lương tâm của một vị vua.
Dạo tháng 04 năm 1990 để khỏi ký đạo luật cho phép phá thai
do Quốc hội thông qua. Vua nước Bỉ đã từ chức trước đó hai ngày, vì với tư cách
là Kitô hữu, lương tâm không cho phép ông ký nhận. Theo hiến pháp Bỉ, do sự từ
chức của Nhà vua, Hội đồng Bộ trưởng sẽ thay nhà vua để công bố đạo luật. Theo đạo luật này, nếu gặp
khủng hoảng khó khăn và có chứng nhận của bác sĩ, người phụ nữ có quyền phá
thai trong 12 tuần lễ đầu. Nhà vua từ chức được đúng hai ngày, Quốc hội tuyên bố
việc từ chức của ông chấm dứt, và ông lại tiếp tục cai trị.
Một ông vua từ chức để một luật lệ bất nhân ra đời, đó là
hình ảnh của luật pháp loài người : hoặc con người tìm kẽ hở của luật pháp để
thủ lợi và hành động ngược với tiếng lương tâm, hoặc do con người nhân danh
pháp luật để chà đạp người khác. Mục đích của luật pháp là để phục vụ con người, do đó nếu luật pháp đi
ngược lại con người và chối
bỏ Thiên Chúa, thì lúc đó thà vâng lời Thiên Chúa còn hơn vâng lời loài người
(Mỗi ngày một tin vui).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt