Thứ ba tuần 11 thường niên
Hãy yêu kẻ thù
(Mt
5,43-48)
1. Theo cách cư xử thông thường của người đời thì “yêu bạn ghét thù”. Nhưng đối với chúng
ta, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải noi gương Chúa nhân lành, khoan dung, đại lượng
với hết mọi người. Ngài cho mặt trời mọc lên và mưa xuống cho người lành cũng
như kẻ dữ. Chúng ta là con cái Chúa, là môn đệ Chúa, chúng ta phải làm như
Chúa, chúng ta phải yêu thương giúp đỡ, cầu nguyện, chẳng những cho thân nhân bạn
hữu mà cho hết mọi người, kể cả những kẻ nghịch người thù, những kẻ làm khổ làm
hại chúng ta.
2. “Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền
khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chính Ngài
đã yêu thương khi sẵn sàng tha thứ cho kẻ hại mình và cầu xin Chúa Cha tha cho
họ. Ý tưởng ấy rất cao và rất khó nhưng nó tạo nên ý nghĩa. Như vậy
Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy
tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.
Là những môn đệ Chúa, chúng ta được mời gọi đứng về phía bất
bạo động. Tuy nhiên, đó không phải là một chọn lựa cho sự nhu nhược hay thụ động
leo thang, nhưng chọn lựa bất bạo động có nghĩa là tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh
của chân lý, của công bằng và tình yêu hơn là sức mạnh của chiến tranh, vũ khí
và hận thù... Chúng ta phải cố gắng dùng điều tốt nhất để đáp lại điều xấu nhất.
3. “Hãy yêu kẻ thù”. Ai cũng bảo là
không thể. Đó là vì ta theo thói quen. Để đối tượng qui định tình cảm. Gặp người
tốt thì ta quí. Gặp người dễ thương thì ta thương. Người làm ơn cho ta thì ta
biết ơn và quí trọng. Gặp người
xấu thì ta lánh xa. Gặp người khó thương thì ta chối từ. Đó chẳng có gì lạ.
Nhưng đó là để cho đối tượng qui định tình cảm của mình. Ta đâu có chủ động, vì
ta không có nền tảng. Phải có nền tảng
tình yêu ở nơi Chúa. Phải có tình yêu từ trong trái tim mình. Khi đó ta
sẽ yêu bất chấp ngoại cảnh thế nào. Vẫn yêu bất chấp người đối diện là thế nào.
Vẫn yêu bất chấp người khác có làm gì cho ta, dù tốt, dù xấu.
Như thế yêu kẻ thù là có thể. Ta không yêu để đáp lại kẻ
thù. Nhưng ta yêu vì tình yêu đầy trong trái tim ta. Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là
Tình Yêu. Trong Ngài chỉ có yêu thương.
Như mặt trời. Như cơn mưa. Không phân biệt (Tgm Ngô
Quang Kiệt).
4. “Hãy yêu kẻ thù”. Cá tính của con người
thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm
rồi, đằng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ”. Thật ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế
tuyệt hảo nhất có thể hóa giải được những
mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận
càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con, đời con sang cháu và cả những
dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách
trả thù cho tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những
thù được hóa giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
Truyện : Nelson Mandela, một nhà hoạt động cách mạng
Nam Phi, từng bị giam giữ và bị xúc phạm trong suốt 27 năm. Đến khi ông trở
thành Tổng thống Nam Phi, ông đã mời 3 người cai ngục từng canh giữ ông trong
thời gian tại chốn lao tù đến gặp mặt. Khi Mandela đứng dậy cung kính chào 3 vị
cai tù này thì mọi người có mặt và trên toàn thế giới đều phải tĩnh lặng. Ông
nói :”Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của
mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng, nếu
không thể để nỗi đau của riêng mình và oán giận ở lại đàng sau, thì tôi vẫn là
còn ở trong lao tù”.
5. Người Kitô hữu không thể trốn tránh con đường chông gai
để chọn những lối đi bằng phẳng êm mát. Nhưng họ phải can đảm tiến tới để đạp gẫy
chông gai ghen ghét, san bằng sỏi đá hận thù, dõi theo ánh sáng của Đức Kitô, Đấng
đã yêu thương và tha thứ cho những kẻ giết hại mình.
6. Truyện : Lấy
thiện báo ác.
Thời Xuân Thu chiến quốc, nước Sở và nước Lương có chung biên
giới đều trồng dưa. Người bên nước Lương, vun xới chăm chỉ nên dưa tốt quả nhiều.
Người bên nước Sở lười, làm biếng tưới nên dưa xấu quả ít. Quan huyện sở tại nước
Sở thấy vậy thì lấy làm tức giận lắm. Những người trồng dưa bên Sở thấy vậy
cũng đem lòng ghen ghét, tối tối lẻn sang nhổ cây, bứt lá làm cho dưa bên nước
Lương đang tốt tươi bỗng trở nên héo hon, xơ xác. Những người trồng dưa bên nước
Lương rình biết, bèn trình báo lên quan sở tại của mình và cũng rắp tâm sang
phá dưa bên Sở để trả thù. Nhưng quan sở tại của nước Lương là người thâm trầm,
liền can ngăn và bảo :”Nếu lấy ác mà xử lại thì chỉ là cách gây thù chuốc oán,
gieo mầm loạn lạc binh đao, cho nên thay vì trả thù, ta cứ lẳng lặng sang tưới
dưa cho họ, đó mới là thiện chí”.
Một thời gian sau, dưa bên nước Sở xanh tốt, quả nhiều. Dân
nước Sở lấy làm lạ, họ để ý rình rập mới hay người bên nước Lương sang tưới dưa
cho mình. Biết được điều đó, Quan bản địa có ý thẹn.
Việc đó đến tai vua Sở, vua Sở lấy làm xấu hổ và nghĩ rằng
ngoài cái tội phá hoại dưa của người, chắc còn những việc khác gây oán thù. Vua
Sở bèn xuống chiếu trách cứ quan huyện,
khuyến cáo dân chúng nước Sở, rồi viết thư sai sứ giả sang nước Lương xin lỗi,
tỏ lòng hiếu hòa bang giao.
Thế là hai nước giữ được sự yên bình lâu dài.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt