Thứ bảy tuần 11 thường niên
Tin vào Chúa quan
phòng
(Mt 6,24-34)
1. “Không thể vừa làm
tôi Thiên Chúa vừa
làm tôi tiền của được”. Đó là một lời cảnh giác cho
những ai quá coi trọng, suy tôn tiền của mà bỏ quên Thiên Chúa. Chúa Giêsu dạy
chúng ta hãy cậy trông, tin tưởng vào Cha đầy quyền năng và tình thương. Hãy
phó thác cuộc đời chúng ta cho Cha, Cha sẽ làm cho chúng ta tất cả những gì tốt
đẹp nhất.
2. “Không ai có
thể làm tôi hai chủ”.
Dù trong địa vị nào, con người vẫn muốn “bắt cá hai tay”, đối với họ thì Chúa cũng muốn mà xa hoa cũng muốn.
Thật ra, tiền của không có gì là xấu xa mà là rất cần thiết cho cuộc sống,
nhưng nó sẽ xấu khi ta trở thành nô lệ chúng, để rồi vì tiền mà không ngại bất cứ thủ đoạn nào phạm đến
Chúa và tha nhân. Nhất là vì lo chạy theo tiền bạc mà quên mất việc đạo đức rồi
dần dần tiền của lấn át cả Thiên Chúa, tiền và những lo toan vật chất ngự trị
trong tam hồn ta thay cho Thiên Chúa.
3. Đọc kỹ bản văn Matthêu, chúng ta thấy có sáu lần Chúa
Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng đến
mất tin cậy vào Thiên Chúa. Khi nói thế, Ngài muốn chúng ta đừng tìm bảo đảm
vào của cải nay còn mai mất, mà phải tìm cái cốt yếu cho cuộc đời trước đã, rồi
mọi sự khác sẽ được thêm cho. Lo lắng quá cũng chẳng giải quyết được gì :”Dù có lo lắng đi nữa, hỏi có ai trong các
con kéo dài đời mình thêm được một vài gang tấc không” ? Tín nhiệm hoàn
toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống
trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi
người : hãy giúp mình rồi trời sẽ giúp cho.
4. Đừng quá lo lắng về những nhu cầu của cuộc sống thể xác
(của ăn, áo mặc, tuổi thọ) vì đã có Chúa lo cho ta những thứ đó. Điều cần lo
trước hết là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.
Sở dĩ con ngươi lo lắng thái quá mà mất đi cả hạnh phúc
trong cuộc sống, là vì con người không tin ở sự hiện diện và quan phòng của
Thiên Chúa. Chim trời không gieo vãi mà vẫn có ăn, hoa cỏ đồng nội không canh cửi
mà vẫn xinh đẹp rực rỡ. Con người
còn hơn chim trời cũng như hoa cỏ đồng nội bội phần. Nếu con người biết tin ở
tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, biết đón nhận từng giây phút hiện tại Ngài
ban cho, thì con người sẽ tìm được niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống của
mình. Ngược lại, con người sẽ phải vất vả cực nhọc và cuối cùng, cũng chỉ là
người bắt bóng.
5. Hãy tin vào Chúa
quan phòng.
Chúa Giêsu không chủ trương cho chúng ta lười biếng hay ỷ lại,
mà là muốn chúng ta đừng quá tin cậy vào sức mình, nhưng cần đến sự tin tưởng
phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Sự tin tưởng vào Chúa quan phòng không có tính cách thụ động,
khoanh tay ngồi chờ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, không phải thái độ
vô vi, yếm thế, buông trôi. Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa
là sống trong thụ động, mà là cộng tác với
công việc của Thiên Chúa tùy theo ơn gọi của mỗi người : tự giúp mình thì trời
sẽ giúp cho.
“Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin,
càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào
công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa : Biết xây dựng trần thế tốt đẹp
như khi Người dựng nên mọi sự tốt đẹp, biết xây dựng Nước Trời cho tình thương
của Thiên Chúa trải rộng khắp mọi nơi (Hiền Lâm).
6. “Chỉ có một đường đến hạnh phúc, đó là ngừng
lo lắng về những gì vượt khả năng ý muốn
của mình” (Triết gia Epictetus). Trong Tin mừng hôm nay, kiểu nói đừng lo
được lặp lại đến 6 lần, điều đó cho thấy Chúa Giêsu lưu ý ta đừng để những nỗi lo về nhu cầu của cuộc sống
này khiến ta quên đi, - hoặc gạt qua một bên, hoặc coi như chuyện nhỏ, - việc
tìm kiếm Nước Trời cũng như việc nên thánh trong cuộc đời ta. Ngài không bảo ta
vô trách nhiệm với bản thân và gia đình, lười biếng làm việc mưu sinh, vô lo về
ngày mai. Trái lại, Ngài dạy ta tin tưởng, cậy trông nơi Thiên Chúa là Cha quan
phòng yêu thương. Cha lo liệu cho chim trời, hoa huệ, huống chi con người được
Cha yêu thương, đến nỗi ban Con Một cho ta, dẫn ta đến Nước Trời (5 phút Lời
Chúa).
7. Truyện : Đừng quá lo cho ngày mai.
Một thương gia giầu có nọ đi dạo trên bờ biển, tình cờ ông
thấy có những ngư phủ nằm ngủ một cách
ngon lành trên thuyền, mặc cho sóng nước chòng chành. Tò mò ông đến hỏi một ngư
phủ :
- Sao anh không đi đánh cá ?
Chàng ngư phủ trả lời :
- Tôi đã đánh bắt số cá
đủ cho ngày hôm nay rồi.
Thấy câu trả lời chưa được thỏa mãn, thương gia hỏi tiếp :
- Sao anh không tiếp tục đi đánh, để bắt thêm nhiều cá hơn
?
Thay vì trả lời, chàng ngư phủ hỏi lại :
- Nhưng thưa ông để làm gì ?
Với đầu óc kinh doanh sẵn có, thương gia kia như muốn vạch
đường hướng làm ăn cho anh chàng ngư phủ, nên đã trả lời :
- Càng đánh bắt được nhiều cá, anh càng kiếm được nhiều tiền.
Có nhiều tiền anh có thể mua được chiếc thuyền lớn hơn, để có thể ra xa hơn, bắt
được nhiều cá hơn. Rồi từ một thuyền, anh sẽ có thể có hai, ba, bốn chiếc... và
như thế anh sẽ là một người giầu có.
Chàng ngư phủ xem chừng như không thiết tha với kế hoạch
làm giầu của thương gia kia nên hỏi tiếp :
- Giầu có rồi làm gì nữa ?
Thấy như người đối thoại với mình quá chất phác, nên thương
gia trả lời :
- Rồi anh sẽ được vui hưởng cuộc sống.
Lúc ấy, chàng ngư phủ
mỉm cười nói :
- Thế tôi nằm đây để ngắm nhìn trời biển như thế này không
phải là vui sướng cuộc đời hay sao
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt