Thứ năm tuần 11 thường niên
Phải cầu nguyện thế
nào
(Mt
6,7-15)
1. Thiên Chúa là Cha chúng ta. Người biết rõ chúng ta cần
gì và điều gì tốt hơn cho chúng ta. Vì
thế, khi cầu nguyện không nên lải nhải nhiều lời. Chúa muốn lắng nghe những lời
tâm tình đơn sơ chân thành của chúng ta, những quan tâm của ta đối với cuộc sống,
với anh em... chứ không phải là những
nhu cầu cá nhân, ích kỷ. Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện
đẹp
ý Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta phải đặt mình trong tương quan Cha –
con với Thiên Chúa : Cha muốn gì, con xin vâng theo.
2. Chúng ta cần cầu nguyện với Chúa Cha để sống và hoạt động
tông đồ đắc lực, khi cầu nguyện
như thế, chúng ta cậy nhờ Chúa Giêsu và nhờ chính lời cầu nguyện của Ngài. Có một điểm Chúa Giêsu căn dặn là trong khi cầu
nguyện đừng có thái độ thuyết phục Thiên Chúa theo ý muốn của mình bằng những lời
khéo léo dài dòng như những người ngoại giáo đối với các thần minh của họ. Chúa
Giêsu dạy chúng ta đừng làm như thế, bởi vì “Cha
các con đã biết rõ các con cần gì, trước khi các con cầu xin”. Nói khác đi, khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần
đơn sơ khiêm tốn nhìn nhận mình hèn mọn thiếu thốn, vạch rõ con người của chúng
ta trước mặt Thiên Chúa, rồi vững dạ cậy trông tin tưởng. Thiên Chúa chẳng những
sẽ lấp đầy cái trống rỗng của chúng ta, mà còn dằn lắc, còn ban cho chúng ta
nhiều hơn chúng ta khẩn xin (Mỗi ngày một tin vui).
3. Chúa Giêsu không muốn cho các môn đệ nói nhiều lời với
Thiên Chúa. Cầu nguyện không phải là nói nhiều lời như con két. Nhưng trước hết,
phải là hành động của con tim, của lòng yêu mến đối với Thiên Chúa Cha, là trao đổi tâm tình với Thiên Chúa, Cha chúng ta,
Đấng ngự trên trời :”Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Thánh Augustinô
đã khuyên các tín hữu như sau :”Tất cả những
gì chúng ta muốn cầu nguyện đều có sẵn trong kinh Lạy Cha. Và những gì không có
trong kinh này, thì chúng ta không nên cầu xin”.
4. Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của
đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công giáo là tâm tình con thảo với
Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự quan phòng của Thiên
Chúa.
Các nhà tu đức học thường coi cầu nguyện là câu chuyện thân
mật giữa ta và Chúa với tâm tình con thảo. Vì thế, cầu nguyện là nói chuyện với Chúa. Đã
nói chuyện thì phải có lúc nói lúc nghe. Nếu chỉ nói thì cuộc nói chuyện sẽ trở thành độc thoại.
Xin kể ra đây một ít sự kiện để chúng ta hiểu việc cầu nguyện với Chúa như thế
nào.
Khi viếng Chúa, các thánh thường làm gì ? Sau đây là một số câu trả lời :
* Thành Ignatiô
Loyola nói :”Có khi tôi nói chuyện với Chúa như một người bạn, có khi như một
người đầy tớ đối với Chúa. Tôi xin Chúa một vài ơn, thú tội đã phạm với Chúa,
xin Ngài an ủi và khuyên bảo”.
* Còn thánh Phaxicô
Xaviê trả lời : Có khi tôi thưa với Chúa :”Lạy Chúa, con khẩn cầu Chúa đừng
để con thoải mái trong cuộc đời, hoặc ít ra, khi con chìm vào lòng nhân lành
thương xót của Chúa, xin dẫn đưa con đến nhà thánh của Chúa”.
*Vua Louis IX của
nước Pháp có lần hỏi vua Henry III của nước Anh :
- Tại sao bệ hạ thích dự Thánh Lễ hơn là nghe giảng ?
- Bởi vì, vua Henry trả lời, tôi thích nói chuyện mặt đối với
Vua trên trời hơn là nghe kẻ khác nói về Ngài.
* Khi thánh Phanxicô khó khăn trình lên Đức Thánh Cha
Hônôriô II bản qui luật của Dòng để xin Ngài phê chuẩn thì Đức Thánh Cha có hỏi
thánh nhân :
- Có bao giờ con thấy Chúa chưa ?
Phanxicô :
- Dạ thưa có. Con vừa thấy đêm hôm qua.
Đức Thánh cha :
- Người có nói gì với con không ?
Phanxicô :
- Người và con ở bên nhau suốt đêm mà không nói được gì.
Tuy nhiên mỗi lần con nói “Abba” với
Người thì Người lại trả lời với con : “Con
Ta”. Cứ thế... chẳng có gì hơn cho tới
sáng.
5. Truyện : Thế
nào là cầu nguyện không ngừng.
Tác phẩm “Con đường hành hương” kể câu chuyện như sau :
Một người kia học Thánh Kinh thấy lời khuyên hãy cầu nguyện
không ngừng. Ông không biết làm thế nào để có thể cầu nguyện không ngừng. Vì thế,
ông hành hương đến một tu viện và xin một tu sĩ chỉ dạy ông. Vị tu sĩ mời khách
hành hương ở lại tu viện, trao cho ông một tràng chuỗi và dặn ông cứ lần chuỗi
và đọc câu “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.
Người này nghe lời làm theo, mỗi ngày vừa lần chuỗi vừa đọc không biết bao
nhiêu lần câu đó, có đến cả trăm ngàn lần.
Một ngày kia vị tu sĩ qua đời. Người khách hành hương khóc
sướt mướt khi đưa vị tu sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó ông rời tu viện tiếp
tục cuộc hành hương, bởi vì vị tu sĩ ấy vẫn chưa dạy cho ông làm thế nào để có
thể cầu nguyện không ngừng. Vừa đi, ông vừa làm như thói quen vị tu sĩ đã dạy. Khi ông hít vào, ông đọc “Lạy
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa”, khi thở ra, ông đọc tiếp “Xin thương xót con là kẻ
tội lỗi”. Cứ thế không bao lâu lời cầu nguyện đã thành hơi thở của ông : dù khi
ăn, dù khi uống, dù khi nói năng, đi đứng... Mỗi hơi thở, mỗi nhịp đập của trái
tim ông đều trở thành cầu nguyện. Và người khách hành hương chợt hiểu : Bây giờ
tôi đã hiểu thế nào là cầu nguyện không ngừng (Chờ đợi Chúa).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt