Thứ tư tuần 11 thường niên
Hãy trung thực, đừng
giả hình
(Mt
6,-6.16-18)
1. Trong số các việc đạo đức, người Do thái coi trọng 3 việc
là bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Chúa dạy chúng ta cách thức làm ba việc lành ấy
cho tốt, để đáng được Chúa thưởng công.
Điều cốt yếu là khi làm ba việc lành đó, chúng ta tránh phô
trương ra bên ngoài, mỗi khi làm được việc gì lành, điều gì tốt, chúng ta luôn
luôn muốn cho mọi người biết.
Còn khi làm việc gì không tốt thì chúng ta muốn giấu kín. Chúng ta phải làm việc
lành với lòng khiêm tốn, âm thầm, kín đáo, vì lòng mến Chúa yêu người thực sự,
để làm đẹp lòng Chúa, làm sáng danh Chúa, để Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ thưởng công chúng ta.
2. Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời dạy của Chúa Giêsu về
tinh thần tu đức cần phải có, với nguyên tắc sống đạo : đừng làm việc lành có ý
phô trương cho người ta thấy. Theo luật Maisen, bố thí, cầu nguyện, ăn chay là những việc lành cao
quí, và người ta thường tổ chức các việc đạo đức đó cách công khai để thúc đẩy
nhiều người tham gia. Chúa Giêsu không
phản đối các việc đó, nhưng Ngài chỉ muốn người ta thục hiện chúng với ý hướng
mới, đó là làm vì lòng yêu mến và tìm đẹp lòng Chúa hơn là để được người ta
khen ngợi. Chẳng vậy, các việc đạo đức ấy có thể chỉ có hình thức, đấy là chưa
nói đến trường hợp có nhiều người làm bộ cầu nguyện lâu giờ, ăn chay nhiều
ngày, bố thí rộng rãi để dễ lừa gạt người khác (Mỗi ngày một tin vui).
3. Nhưng lời Chúa dạy hôm nay sao mà gắt gao quá, phải
không bạn ? Khi làm việc lành phúc đức tôi đã hy sinh cái lợi, cái thú rồi thì
ít ra tôi cũng được phép kiếm chút danh chứ
? Câu trả lời của Chúa là KHÔNG ! Chúa nói rõ : làm việc đạo đức mà cầu
danh thì đấy là đạo đức giả. Điều Chúa
muốn, đó là chúng ta thực thi ý Ngài với ý thức rằng “Chúng tôi chỉ là những tôi tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận
đấy thôi” (x.Lc 17,10). Các sách Tin
Mừng cho thấy Chúa Giêsu đã gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều loại người, nhưng gặp
rắc rối là với những kẻ đạo đức giả - chứ
không phải với những người tội lỗi thật (5 phút Lời Chúa).
4. Trước đây Chúa Giêsu trình bầy sự công chính mới trong
lãnh vực các điều răn, nay Ngài đề cập tới nền đạo đức mới : phải thực thi những
việc đạo đức thế nào phải phù hợp với tinh
thần của Chúa Kitô. Những lời khuyên bảo của Chúa Giêsu về những việc đạo
đức được bao gồm ba chiều kích :
- Đối với tha nhân : bố thí.
- Đối với Thiên Chúa : cầu nguyện.
- Đối với bản thân : chay tịnh.
Ba chiều kích này
tiêu biểu cho cả cuộc sống. Điều cốt yếu trong cả ba trường hợp vẫn là sống
thật, sống trước mặt Thiên Chúa với ý hướng
ngay thẳng và thi hành ý Chúa.
5. Bố thí, cầu nguyện, ăn chay là ba nét chính yếu trong đời
sống đạo của người Do thái. Việc làm thì tốt,
nhưng vì hình thức bên ngoài mà việc làm mang ý nghĩa khác, bởi vì có
người bố thí, cầu nguyện, ăn chay chỉ là để pho diễn cái tôi của họ để rồi đánh mất đi giá trị đích thực của công
việc.
Bố thí là lời yêu
thương gửi đến người khác, nhưng nếu chỉ
để mình được thấy thì làm sao thấy được kẻ khác; cầu nguyện
là hướng về Thiên Chúa, nhưng nếu chỉ qui về mình thì làm sao còn có chỗ cho
Thiên Chúa; ăn chay là một đền
bù cho những lỗi lầm, và diễn tả khao
khát được Thiên Chúa lấp đầy, nhưng nếu con người đã no thỏa trong chính
mình thì làm sao họ còn cần đến Thiên
Chúa.
Giữa Thiên Chúa và thế gian đã có một cách biệt rõ ràng : nếu
đã tìm giá trị trần gian, con người khó lòng vươn tới được giá trị đích thực. “Họ đã được thưởng công rồi” đó là lời
tuyên bố dứt khoát đối với những ai chỉ mải miết chạy theo những giá trị trần
thế.
6. Lời Chúa hôm nay
là một hướng dẫn cho người Kitô hữu không những trong các việc làm căn bản
của đời sống đạo, mà cả những công việc trong đời sống hằng ngày nữa. Công việc
chỉ có giá trị khi người Kitô hữu biết
nhìn công việc bằng ánh mắt của Đức Kitô và biết phân tích theo những tiêu chuẩn
thẩm định của Thiên Chúa. Đó có thể là công việc mà người đời cho là tầm thường
hoặc không được ai biết đến, nhưng Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự sẽ thưởng công cho.
7. Truyện
: Đừng
phô trương.
Có một linh sư Ấn độ nổi tiếng là bậc thánh thiện. Ông đã mở
được một trung tâm cầu nguyện và qui tụ được khá nhiều đệ tử. Ngày nọ có một
người tìm thấy học đạo. Để thử đức vâng lời của anh, ông bảo anh phải bơi qua một dòng sông đầy cá
sấu. Không chút ngần ngại, người thanh niên nhảy xuống và bơi qua sông mà không
bị nguy hiểm gì cả. Anh vui mừng hô to :”Tung hô quyền năng kỳ diệu của Thầy
tôi”. Sự kiện này làm cho vị linh sư tin rằng mình là một người thánh thiện. Do
đó ông muốn chứng minh cho các đệ tử thấy
quyền năng của mình. Ông tập họp tất cả các đệ tử trên bờ sông. Rồi ông hô lớn
“Tung hô quyền năng của ta” và nhảy xuống sông. Thế nhưng vừa khi ông rơi xuống,
đàn cá sấu đã ào tới cắn xé ông ra từng
mảnh.
Dụ ngôn trên có thể là một định nghĩa về sự thánh thiện.
Thánh thiện là sự quên mình, quên mình đến độ không còn ý thức về sự thánh thiện
của mình và sử dụng chính sự thánh thiện của mình nữa. Thiên Chúa ban sự thánh
thiện cho một người nào đó là để những kẻ khác
được hưởng nhờ. Bao lâu sự thánh thiện của người đó còn được người khác
hưởng dùng thì bấy lâu người đó còn thánh thiện. Trái lại, kể từ giây phút người
đó muốn giữ riêng sự thánh thiện cho mình thì người đó mất sự thánh thiện và
đánh mất cả chính mình (Chờ đợi Chúa).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt