Thứ ba tuần 12 thường niên

Khuôn vàng thước ngọc

(Mt 7,6.12-14)

 

          1. Chúa Giêsu đưa ra khuôn vàng thước ngọc về bổn phận của mọi người đối với tha nhân. Sự độc đáo nơi nguyên tắc của Ngài : không chỉ không làm những điều tiêu cực, mà còn phải làm những điều tích cực, điều tốt cho anh em,  nghĩa là sống bác ái, cho đi với tất cả với lòng quảng đại và yêu mến

          Qua hình ảnh con đường hẹp, cửa hẹp, Chúa Giêsu dạy ta  phải khước từ những quyến rũ bất chính của cuộc sống để được vào Nước Trời. Muốn theo Chúa Giêsu, chúng ta phải  phấn đấu với chính mình và đi trên con đường Ngài đã đi, đó là con đường khổ giá.

 

          2. Chớ phạm thánh :”Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé anh em”. Với lời dạy này Chúa Giêsu, trước hết, được hiểu là Bí tích không thể phát bừa bãi cho kẻ không tin và không có ý ngay lành. Lời này cũng là một sự nhắc nhở cho chúng ta sự cẩn trọng đối với đồ thánh, nơi thánh và tất cả những gì liên quan tới phụng tự. Vì những gì dành cho việc phụng thờ Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh thì cần được trân trọng và gìn giữ. Đặc biệt, mọi Kitô hữu  luôn ý thức mình đã được hiến thánh khi chịu các Bí tích, thì hãy luôn giữ mình trong sạch để xứng đáng là nơi thánh cho Thiên Chúa ngự, và xứng đáng đến tham dự cử hành các mầu nhiệm thánh trong đạo (Hiền Lâm).

 

          3. Khuôn vàng thước ngọc. Trước Chúa Giêsu, sách Tôbia cũng đã viết :”Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15). Khổng Tử cũng trả lời cho một đệ tử :”Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là điều gì con không muốn thì đừng làm cho người ta. Triết gia Aristote cũng dạy :”Đừng làm lại những điều người khác làm cho ngươi nổi giận”.

          Tuy nhiên, các hiền nhân xưa chỉ nói theo mặt tiêu cực. Còn Chúa Giêsu khuyên bảo theo cách tích cực :”Điều gì các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì chính các ngươi hãy làm cho họ trước”. Đó là khuôn vàng thước ngọc của Kitô giáo và là “kim chỉ nam” cho những ai theo Chúa. Thật vậy, đừng làm điều ác mà thôi thì chưa đủ, nhưng chỉ khi nào mọi người bắt tay làm điều thiện, làm điều mình muốn người khác làm cho mình, lúc đó xã hội mời hy vọng tốt đẹp được (Hiền Lâm).

 

          4. Phải đi qua cửa hẹp. Có những con đường chẳng ai muốn đi, bởi vì nó chật hẹp, đầy chông gai. Bởi vì thường người ta muốn đi trên những con đường thênh thang, êm ái, muốn hưởng thụ một cuộc sống đầy tiện nghi, thoải mái. Biết bao nhiêu phát minh khoa học kỹ thuật đều nhằm thỏa mãn khát vọng đó. Thế mà Chúa Giêsu giới thiệu  với chúng ta con đường hẹp, con đường ít người muốn đi :”Cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 6,14).

          Cửa hẹp và đường chật chẳng ai thích đi, trừ phi họ được Thiên Chúa dẫn vào. Thời Xuất hành, nếu dân Israel không trải qua cảnh cùng cực bên Ai cập, làm sao họ chịu vào sa mạc để tìm về Đất Hứa ? Kể cả Chúa Giêsu, Ngài cũng từng được Thn Khí dẫn vào sa mạc để chịu thử thách (Mt 4,1), Ngài cũng xin Chúa Cha cất cho Ngài khỏi chén đắng (Mt 26,42) (5 phút Lời Chúa).

 

          5. Phải cộng tác với Chúa. Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự cố gắng nỗ lực. Cũng vậy để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực hoàn thiện bằng đời sống đạo đức càng phải trổi vuợt hơn gấp bội. Thật thế, Thiên Chúa chuẩn bị cho ta ơn cứu độ, dọn sẵn cho ta Nước Trời, nhưng Thiên Chúa muốn con người cộng tác để đạt cùng đích ấy, như thánh Augustinô nói :”Thiên Chúa dựng nên ta  Ngài không cần ta, nhưng để cứu chưộc ta Ngài cần ta cộng tác”.

          Dĩ nhiên, để đạt tới ơn cứu độ và hưởng Nước Trời không phải chỉ do sức riêng chúng ta tự nỗ lực, nhưng cần đến sự trợ giúp của Ơn Chúa (khác với tự thân nổ lực giải thoát trong Phật giáo). Việc đi qua cửa hẹp chính là sự hy sinh mỗi ngày, vừa dành thời gian cho Chúa để được trợ lực, vừa thực hành sống đạo đức và bác ái giữa đời.

          6. Truyện :  Trên bước đường chông gai.

          Năm 1796, chiến tranh giữa Pháp và liên minh Ý-Áo, Đại tướng Bonaparte của Pháp đã đưa quân đội đến một địa điểm, có cây cầu bắc qua trận tuyến của địch.

          Khi trận chiến đã đến hồi quyết định, Bonaparte hô quân tiến qua cầu, nhưng không một ai qua ! Bonaparte xuống ngựa, giựt lá cờ quân đoàn, chân bước qua cầu, miệng hô to :

          - Ai yêu tổ quốc thì theo ta.

          Lịch sử kể lại rằng, lúc đó trên cầu người ta chỉ thấy có mình ông với lá cờ đã rách nhiều mảnh vì đạn của địch quân. Rất may sau đó có cậu bé 13 tuổi đánh trống thúc quân, hai tay đập mạnh vào trống, chân bước qua cầu  theo đại tướng, quân sĩ thấy vậy liền tràn qua cầu. Bonaparte toàn thắng  và chấm dứt chiến tranh.

          8 năm sau, Bonaparte đã là hoàng đế Napoléon, trở lại chỗ cũ, có lễ nghi nghinh tiếp rất long trọng. Napoléon muốn bắt tay cậu bé Vidal đã 21 tuổi hiện ở trong quân đoàn tại đó. Hỏi đến Vidal thì cậu đã xin nghỉ phép để về đưa đám tang mẹ. Napoléon bãi bỏ tất cả nghi lễ quân đội, đi thẳng đến làng của Vidal, theo sau đám tang đến tận huyệt, đọc bài điếu văn rồi đi bộ cùng Vidal trở về. Vidal từ chối và mời Hoàng đế lên xe. Hoàng đế Napoléon đáp :

          - Tám năm trước con đã liều chết theo ta trên con đường chết, nay trên con đường đau khổ, con cho ta theo con, cho có bạn !

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt

 

         


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường