Thứ bảy tuần 12 thường niên
Chúa chữa lành người
đầy tớ
của viên đại đội trưởng
(Mt
8,5-17)
1. Chúa Giêsu đến thành Capharnaum, thì một viên sĩ quan
ngoại giáo đến van xin Ngài chữa cho đầy tớ ông bị bại liệt đau khổ. Ngài hứa sẽ
đến cứu chữa, nhưng ông quá khiêm tốn, không dám rước Chúa về nhà, chỉ xin Chúa
phán một lời cho đầy tớ ông lành bệnh. Chúa thấy ông ta có lòng tin và khiêm tốn
như thế thì ngạc nhiên và hết lời khen ngợi. Ngài bảo viên sĩ quan : ông cứ về,
ông tin thế nào thì được như vậy. Và ngay lúc đó đầy tớ ông được khỏi bệnh.
2. Tin Mừng hôm nay thuật lại câu truyện lòng tin của viên
sĩ quan đại đội trưởng Rôma, một lòng tin đã khiến Chúa Giêsu phải ngạc nhiên.
Nếu Chúa Giêsu đã khen lòng tin của người đàn bà bị bệnh loạn huyết khi bà nghĩ
rằng chỉ cần đụng vào gấu áo Ngài cũng đủ để được khỏi, thì lòng tin của viên đại
đội trưởng này còn mạnh hơn nhiều. Ông tin rằng Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời,
thì đầy tớ của ông, dù có ở xa đến đâu cũng sẽ được lành. Trước lòng tin ấy,
Chúa Giêsu đã thốt lên :”Tôi không thấy một
người Israel nào có lòng tin như thế”.
3. Viện đại đội tưởng này, tuy là người ngoại, nhưng ông đã
có một niềm tin mạnh khiến Chúa Giêsu phải ngạc nhiên.
Đối với chúng ta ngày nay, cần phải hiểu rõ hơn thế nào là niềm
tin và đức tin. Sách Giáo lý Công giáo viết :” Đức tin là một hồng ân
nhưng không của Thiên Chúa, được trao ban cho tất cả những ai cầu xin với lòng
khiêm hạ; đó là nhân đức siêu nhiên cần thiết để được cứu độ. Hành vi đức tin
là một hành vi nhân linh, nghĩa là một hành động của lý trí con người, dưới tác
động của Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, đức tin còn có đặc tính chắc chắn, vì được
đặt nền tảng trên Lời Chúa; đức tin có đặc tính năng động “nhờ Đức ái” (Gl
5,6); đức tin luôn tăng triển, đặc biệt nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện.
Trong hiện tại, đức tin cho chúng ta nếm trước niềm vui trên trời (số 28).
4. Ngoài niềm tin mạnh mẽ và sâu sác, viên sĩ quan này còn
có một sự khiêm tốn thẳm sâu trước mặt Chúa. Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan đến
xin Chúa chữa bệnh cho người đầy tớ hôm nay có quyền lực đại diện cho đế quốc
Rôma để cai trị một vùng của người Do thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ,
thậm chí xét về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cản
Chúa Giêsu truyền đạo.
Thế nhưng, ông nhận ra con người Chúa Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như các luật sĩ, mà là một vị
tiên tri của Thiên Chúa, nên ông đã cảm thấy bất xứng trước mặt Ngài. Ông nhìn
nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã khiêm tốn
nói lên :”Lạy Thầy, không dám phiền Thầy
hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ không
xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh”.
5. Ngoài đức tin và lòng khiêm tốn, vị sĩ quan này còn có lòng
thương người, bằng chứng là ông không xin gì cho ông mà lại xin cho người
đầy tớ của ông được khỏi bệnh. Tin Mừng còn cho thấy một bên là hình ảnh của
con người đau khổ bệnh tật, một bên là tình yêu cứu chữa của Chúa Giêsu. Sợi
giây nối kết con người khốn khổ với Chúa Giêsu chính là lòng tin của con người. Chúa Giêsu đã làm phép lạ chữa lành người đầy
tớ của viên đại đội trưởng là do lòng tin của ông. Lòng tin của người này cần
thiết để cho người khác được cứu chữa.
Ngày nay, Chúa Giêsu cũng cần lòng tin của chúng ta để cứu
chữa những người đau khổ chung quanh chúng ta. Lòng tin ấy được thể hiện bằng
những cử chỉ cụ thể, những sự hiện diện để giúp đỡ ủi an. Lòng tin ấy cũng chính là một thể hiện của
tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Tin ở tình yêu Thiên Chúa ngay giữa những
lúc ốm đau thử thách là thái độ cơ bản
nhất của người Kitô hữu. Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu ấy vượt mọi
suy nghĩ, mọi giới hạn của ngôn ngữ loài người, đó phải là sứ điệp mà người
Kitô hữu mang lại cho người khác (Mỗi ngày một tin vui).
6. Truyện : Nỗ
lực rồi cậy trông.
Nữ thủ tướng Margaret Hilda Thatcher sinh ra tại một thị trấn
nhỏ của Anh. Từ nhỏ, bố của Margaret đã giáo dục cô rất nghiêm khắc. Ông thường
xuyên nói với cô những câu như :”Cho dù làm bất cứ việc gì cũng phải tranh làm
đầu tiên, tuyệt đối không được đứng sau người khác. Cho dù ngồi xe bus cũng phải
ngồi hàng ghế đầu. Hơn nữa, tuyệt đối không được phép nói :” “khó quá” hay “con không làm được”.
Quả thực đối với cô bé Margaret, yêu cầu như vậy là quá
nghiêm khắc. Nhưng có điều cũng
chính vì sự giáo dục nghiêm khắc của bố như vậy nên Margaret đã hình thành thái độ học tập tích cực. Mỗi khi làm chuyện
gì, Margaret luôn mang trong mình niềm tin tất thắng, hơn nữa
sẽ cố gắng hết sức để thực hiện mục tiêu của mình. Cô đã dùng hành động thực tế
để chứng minh mình phải “vĩnh viễn ngồi ở
ghế hàng đầu”.
Hồi Margaret học đại học, nhà trường đề ra kế hoạch dạy tiếng
Latinh trong vòng năm năm. Kết quả chỉ trong một học kỳ, Margaret đã học xong hết,
hơn nữa thành tích thì lại rất cao. Cô đã xuất sắc đứng đầu. Margaret không chỉ
có thành tích xuất sắc mà còn tích cực
tham gia thể thao, ca hát, diễn thuyết và những hoạt động khác của trường. Cô
đã trở thành học sinh ưu tú của trường. Giảng viên đại học của Margaret đã từng
nói :”Margaret là học sinh xuất sắc nhất
của trường chúng tôi từ khi thành lập đến nay. Cô bé lúc nào cũng tự tin, luôn
làm tốt mọi chuyện”. Cô đã có một niềm
tin mạnh vào cuộc sống và tương lai của
mình.
Về sau, Thatcher trở thành một nữ thủ tướng đầu tiên trong
lịch sử nước Anh, trở thành ngôi sao sáng chói trên vũ đài chính trị Châu Âu.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà Lạt