Thứ bảy tuần 13 thường niên
Tranh luận về việc
ăn chay
(Mt
9,14-17)
1. Môn đệ ông Gioan thấy môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay
thì hỏi : sao môn đệ Ngài không ăn chay ? Chúa đáp : Trong tiệc cưới, bao lâu
chàng rể còn ở lại thì bạn bè vẫn vui mừng, chừng nào chàng rể đi rồi thì họ mới
buồn rầu chay tịnh. Qua bài Tin Mừng,
Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới, trong đó chính Ngài là chàng rể, còn các
môn đệ là phù rể. Vậy nên chỉ sau khi chàng rể bị đem đi, nghĩa là sau cái chết
của Chúa Giêsu, thì lúc đó các môn đệ mới giữ chay : giữ chay vì thương nhớ, và
để đón chờ Chúa trở lại.
2. Ăn chay, cầu nguyện, làm phúc bố thí là ba sinh hoạt
chính trong đời sống đạo đức của Do Thái giáo. Họ có một cuộc “đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội. Đồng
thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn gặp
ngày tổ quốc gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt
sắng, như các môn đệ của Gioan Tẩy Giả và những người Biệt phái, họ thường ăn
chay mỗi tuần hai lần vào ngày thứ hai và thứ năm. Chung qui lại, ăn chay đối với
Do thái giáo bao gồm ba ý nghĩa chính :
- Để tỏ lòng sám hối và xin ơn.
- Để chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang.
- Lòng đạo đức nhiệt thành.
3. Ý nghĩa việc ăn
chay.
Theo
truyền thống Do thái giáo, việc giữ chay được liên kết chặt chẽ với việc chờ đợi
Đấng Cứu Thế. Ăn chay có nghĩa là nói lên niềm trông đợi Đấng Cứu Thế. Căn cứ
trên ý nghĩa và mục đích của việc giữ chay như thế, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài
chính là Đấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần
trông đợi nữa. Đó là thái độ hợp thời và hợp lý; họ đang sống bên Chúa Giêsu :
thái độ của họ không phải là thái độ buồn sầu, khóc lóc. Thời của Đấng Cứu Thế không phải là thời của
tang chế, ủ dột, mà là thời của hân hoan (Mỗi ngày một tin vui).
4. “Rượu mới thì đổ vào bầu da mới”.
Chúa đến
khai mạc một luật mới, một hiến chương mới của Nước Trời. Luật mới này đòi hỏi
con người, cụ thể là người Do thái thời đó, phải thay đổi hoàn toàn đời sống,
hay nói một cách gợi hình hơn “phải lột
xác”. Việc ăn chay, do đó, sẽ chẳng giống như luật cũ. Hai thí dụ Chúa dùng
để giải thích cho đòi hỏi đó rất linh động
và gợi hình, là không nên lấy vải mới vá vào áo cũ, không đổ rượu mới vào bầu
da cũ. Tức là Chúa quyết liệt khẳng định : bây giờ là lúc phải theo luật mới của
Tân Ước.
Chúng ta có thể đưa ra một số chứng từ cụ thể trong Tin Mừng
để thấy bản chất luật mới của Chúa Giêsu
: thương yêu là căn bản trong tương quan của mỗi người đối với Thiên Chúa và với
tha nhân – tôn trọng sự thật, chân lý, lẽ phải ngay từ trong thâm tâm – không
trình diễn, khoe khoang những việc đao đức, chỉ cần chính tâm, thành ý, làm hơn
là nói – không nệ luật cứng nhắc, máy móc, nhưng phải uyển chuyển trên tiêu chuẩn
bác ái v. v...(Phạm Văn Phượng).
5. Ngoài ra, ăn chay đối với người Kitô hữu cũng có nghĩa
là “dấn thân” cho một thế giới mới,
xây dựng một trật tự và một nếp sống mới trong những mối tương quan mới về hiệp
nhất, yêu thương với Chúa và với anh chị em chung quanh ta.
Trong bài giáo huấn hồi tháng 3 năm 1979, Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II đã nói đến ý nghĩa của sự chay tịnh như sau :”Chay tịnh là khước từ khoái cảm, các kích
thích lạc thú và ngay cả thức ăn của uống, tự nó không phải là mục đích, nhưng
nó phải mở đường cho những giá trị sâu xa hơn mà con người nội tâm cần phải được
nuôi dưỡng. Một sự khước từ, một sự hãm dẹp thân xác như thế, phải giúp tạo nên
trong con người những điều kiện để có thể
sống những giá trị cao cả mà nó hằng khao khát”.
6. Truyện : Ý nghĩa việc ăn chay.
Có một đan sĩ nọ, trong một phút yếu lòng, đã phạm một tội
rất nặng. Thầy cảm thấy hối hận sâu xa và quyết định bỏ ba năm để đền tội. Ngày
kia, thầy đến hỏi Đức Viện phụ :
- Thưa cha, ba năm trời có đủ để khóc than và đền bù tội lỗi
của con không ?
- Ba năm nhiều quá ! Viện phụ đáp.
- Vậy thưa cha, chỉ cần một năm thôi cũng đủ hay sao ?
- Cha nghĩ một năm cũng quá nhiều !
- Vậy con nghĩ 40 ngày ăn chay đánh tội nhiệm nhặt là đủ rồi
, hay cha vẫn thấy còn quá nhiều ?
Bấy giờ Viện phụ mới kết luận :”Cha tin chắc rằng khi một
người thành tâm thống hối tội lỗi của mình đã phạm và quyết chí từ nay không tái phạm tội ấy nữa, thì chỉ cần một ngày đau buồn đền tội và một
ngày hôm sau, khi bình minh trở lại, người ấy phải vui mừng đón nhận cuộc sống
mới !
Sự trưởng thành thực sự mà con người có thể đạt được qua sự
chay tịnh không chỉ là thắng vượt được
những dục vọng và đam mê thấp hèn của bản thân mà chính là biết xa lánh tội lỗi
và đưa con người đến gần Chúa và tha nhân hơn.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt