Thứ hai tuần 14 thường niên

Niềm tin và khiêm nhường

(Mt 9,18-26)

 

          1. Tin Mừng cho biết : một ông trưởng hội đường có con gái mới chết. Ông tin chắc Chúa có thể làm cho nó sống lại được, nên đến xin Chúa cứu giúp. Chúa liền đi theo ông... Dọc đường, một người đàn bà mắc bệnh băng huyết thấy Chúa  thì lén sờ vào gấu áo Ngài, với niềm tin sẽ được khỏi bệnh. Và bà đã khỏi bệnh thật... Khi đến nhà ông kỳ lão, Chúa thấy người ta khóc lóc ồn ào thì bảo họ lui ra, rồi Ngài cầm tay đứa bé, nó liền sống lại.  Người đàn bà băng huyết được khỏi bệnh và cô gái chết được sống lại đều nhờ lòng tin Chúa. Vì thế, đức tin rất cần cho được ơn cứu vớt phần hồn phần xác.

 

          2. Phép lạ bởi lòng tin.

Ông trưởng hội đường có đứa con gái đã chết. Chính ông xác định như thế. Khi Chúa Giêsu nói nó không chết mà chỉ ngủ thôi thì đám đông nhạo cười Ngài. Ở đây chúng ta thấy đức tin của vị kỳ mục rất mạnh. Trước sự ra đi của đứa con. Tất cả mọi phương thế trần gian đã chào thua. Lịch  sử chưa bao giờ nói về một người đã chết được sống lại. Chính Chúa Giêsu cũng chưa cho ai sống lại từ cõi chết  vậy mà ông đến với Chúa, ông nói chắc ăn như bắp :”Xin Ngài đến đặt tay trên nó thì nó sẽ sống lại” (Mt 9,18).

          Còn người đàn bà mắc bệnh loạn huyết : Bệnh bà rất nặng vì đã chữa trị suốt 12 năm mà không khỏi. Khi được nghe biết Chúa xuất hiện bà tin sẽ được khỏi :”Tôi chỉ cần sờ vào áo của Người thôi là sẽ được cứu” (Mt 9,20). Và đã xẩy ra đúng như vậy.

          Chúa Giêsu cũng xác nhận cả hai trường hợp được thụ hưởng phép lạ của Chúa là nhờ “Đức tin”.

         

          3. Thiên Chúa yêu thương hết mọi người.

Tin mừng hôm nay ghi lại một vài cử chỉ của Chúa Giêsu đối với con người : một vị kỳ mục đến xin Ngài cứu đứa con va chết, người đàn bà mắc bệnh loạn huyết chỉ khấn thầm và sờ đến gấu áo Ngài, cả hai đại diện của đủ mọi tầng lớp mà Chúa Giêsu gặp gỡ hằng ngày. Ngài không loại trừ bất cứ hạng người nào, bất cứ giai cấp nào trong xã hội, bởi vì tất cả đều là  đối tượng của Tình yêu Thiên Chúa. Vị kỳ mục tìm đến với Chúa, người đàn bà đã len lỏi giữa đám đông để sờ vào áo Ngài, đó là hình ảnh của sự tìm kiếm mà con người không ngừng thực hiện để đến với Chúa.

          Nhưng thật ra, chính Thiên Chúa mới là Đấng đi bước trước để đến với con người. Phép lạ đã diễn ra  như một kết quả của lòng tin :”Đức tin của con đã cứu chữa con”, nhưng cũng chính niềm tin đã giúp con người khám phá ra phép lạ Thiên Chúa không ngừng thực hiện  vì yêu thương con người (Mỗi ngày một tin vui).

 

          4. Đức tin và thử thách.

          Khi Chúa Giêsu đang giảng dạy thì ông trưởng hội đường đến bái lạy xin cứu chữa con gái ở nhà. Chúa Giêsu lên đường đi với ông về nhà. Quãng đường không biết bao xa, nhưng vì đám đông đi theo chen lấn, và xuất hiện một bà loạn huyết chen vào “phá đám” nên chưa đến nơi thì có người đến báo là con ông đã chết.  Có lẽ lúc này đức tin của ông trưởng hội đường bị đặt trước một thử thách rất lớn, bởi lẽ ra Chúa Giêsu có thể đến sớm hơn để “bệnh nhân không chết nếu bác sĩ Giêsu đến kịp”. Thế nhưng Chúa Giêsu đã vội trấn an :”Ông đừng sợ, cứ vững tin”. Và vì vững tin mà con gái ông đã được Chúa cho hồi sinh.

          Cũng vậy, hành trình đức tin của một Kitô hữu chúng ta là một chặng đường dài, đôi khi còn bị gián đoạn với bào yếu tố ngoại cảnh mà chúng ta không lường trước được, thậm chí có lúc tưởng chừng như tuyệt vọng. Nhưng nếu chúng ta vững chí như ông trưởng hội đường trong Tin Mừng hôm nay thì sẽ được cứu độ (Hiền Lâm).

 

 

          5. Đức tin và lòng khiêm nhường.

          Trường hợp ông trưởng hội đường cũng thế. Ông là một người có địa vị và thế giá trong dân. Điều này nói lên việc ông làm có ý thức và có thế giá. Thái độ khiêm nhường của ông trước mặt Chúa Giêsu diễn tả niềm tin sâu xa, ông đã quì mọp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin :”Con bé nhà tôi gần chết rồi, xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”. Như vậy ông này phải tin Chúa Giêsu là ai, có quyền phép thế nào ông ta mới có cử chỉ và thái độ khiêm nhường và kêu xin như thế. Qua thái độ tin tưởng và lời cầu xin ấy, ông đã được toại nguyện.

 

          6. Truyện : Lòng khiêm nhường của thánh Đaminh.

          Thánh Đaminh một hôm nói cùng những người  đang có mặt trong phòng bệnh của ngài :

          - Tôi không hiểu được tại sao Thiên Chúa không khiến lửa trên trời xuống thiêu hủy cái làng này đi, vì nó chứa chấp một người tội lỗi nhất trong thiên hạ.

          Họ nhìn nhau ngơ ngác :

          - Phải chi chúng con biết được  kẻ tội lỗi ấy là ai, để tìm cách cho họ được cải thiện.

          - Người tội lỗi ấy chính là tôi.

          - Phải, bởi vì nếu một người tội lỗi nhất trong thiên hạ được ơn Chúa dồi dào như tôi đã được, thì người đó đã nên thánh thiện hơn tôi đây gấp ngàn vạn lần rồi.

 

          Chính vì khiêm nhường có một giá trị to lớn như thế nên các nhà tu đức mới gọi khiêm nhường là nhân đức nền tảng của đời sống đạo đức. Và có người còn gọi là nhân đức mẹ của các nhân đức. Nhờ khiêm nhường, người môn đệ có thể dễ dàng nhận ra được tiếng nói của Chúa và gặp được Ngài trong cuộc đời của mình. Kẻ kiêu ngạo không bao giờ gặp được Chúa.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt

 

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường