Thứ ba tuần 15 thường niên

Chúa khiển trách dân thành cứng lòng tin

(Mt 11,20-24)

 

1 Chúa Giêsu khiển trách các dân Khoradin, Bétsaiđa và Capharnum. Các thành này đã chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Ngài đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Tại sao ? Vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ kiến thức Thánh kinh cao hơn. Khi thấy sự kiêu căng đã khép kín lòng họ, Chúa Giêsu  nghĩ tới những kẻ “bé mọn” nhờ khiêm tốn  mà nhận được mạc khải của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu cho biết những người dân thành ấy sẽ chịu án phạt nặng nề hơn cả án phạt mà xưa Đức Chúa đã giáng xuống thành Sôđôma.

 

2. “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin”!

          Khi lên án hai thành này, Chúa Giêsu kết án thái độ cứng lòng tin của họ trước Lời rao giảng và những phép lạ Ngài làm. Ngài cũng cảnh báo với họ là, đến ngày phán xét, họ sẽ không còn lý do gì để bào chữa nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã đưa ra một so sánh :”Nếu dân Tia và Siđon xưa được chứng kiến phép lạ như họ thì những dân ấy đã ăn năn thống hối rồi”.

          Đây cũng lả một cảnh báo cho mọi người chúng ta, không ít trong chúng ta vẫn chai cứng trong tội lỗi, mặc dù mỗi ngày trong Thánh lễ và các cử hành phụng vụ, chúng ta được nghe rao giảng, được kêu gọi cải thiện đời sống, được chứng kiến bao nhiêu kỳ công của Chúa và những phương thế hữu ích nơi các bí tích và lề luật giúp ta sống đạo. Để rồi một ngày kia trước tòa phán xét, chúng ta không còn lý do gì để bào chữa; chúng  ta còn đáng án phạt nặng hơn những người ngoại không được nghe biết Tin Mừng.

 

          3. “Nếu các phép lạ đã làm nơi người mà...”.

          Chúa Giêsu đã rảo qua các thành phố ở bờ hồ Giênêzaret để rao giảng và làm nhiều pháp lạ nhằm kêu gọi con người hối cải. Sự sai lầm có thể biện minh bằng việc không nghe không thấy. Nghe và nhìn  là bằng cớ tố cáo lỗi lầm. Án phạt của các thành  Khoradin, Betsaiđa, Capharnaum là ở đó.  Đong đấu nào, sẽ được đong lại bằng đấu ấy. Có trao ban là có quyền  mong đợi đáp trả : đáp trả bằng tiếng không thì cũng chẳng mong gì được ở lòng thương xót. Nói một cách nào đó, tiếng không này có thể gọi là tội : có những tội tích cực biểu lộ qua hành động, qua việc sa lầy trong tội; có những tội tiêu cực biểu lộ qua thái độ dửng dưng, làm ngơ, một thái độ như thế cũng đủ bị kết án rồi (Mỗi ngày một tin vui).

 

          4. “Sự cố ngày 11/09/2001 tại Mỹ”.

          Khi tòa nhà tháp đôi bị sụp đổ và cướp đi sinh mạng của biết bao nhân tài đã làm cho cả thế giới phải sững sờ ! Tại sao một đất nước nổi tiếng về an ninh, khoa học... lại để xẩy ra biến cố đáng tiếc này ? Sau hàng loạt những câu hỏi nhằm thỏa mãn sự thắc mắc tự nhiên của con người, thì câu hỏi quan trng nhất và cũng là gốc rễ, căn nguyên của vấn đề được đặt ra, câu hỏi đó là :”Tại sao Thiên Chúa cho phép xẩy ra một thảm họa kinh hoàng như vậy”?  Và người ta nhận được câu trả lời của một người dân :”Tôi nghĩ Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, bởi vì từ nhiều năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học và đời sống của chúng ta. Như thế, chúng ta làm sao có thể  mong Chúa can thiệp khi ta đã khẩn thiết xin Ngài hãy để mặc chúng ta một mình”.

          Thật vậy, tội lớn nhất của con người ngày hôm nay chính là tội không tin có Thiên Chúa, nếu Thiên Chúa có thật, thì người ta cũng muốn loại bỏ Ngài  ra khỏi cuộc sống. Vì thế, đã có một thời người ta tuyên bố rằng:”Thiên Chúa đã chết”. Đã có lần người ta lên tới cung trăng rồi bảo rằng :”Chẳng có Thiên Chúa đâu cả”! Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là lời giải đáp cho mọi vấn đề, và lúc đó, khoa học sẽ trở thành nấm mồ chôn Thiên Chúa (Ngọc Biển).

 

 

          5. Phải biết tận dụng cơ hội.

          Dù bạn không phải là “fan” bóng đá, hẳn bạn cũng xuýt xoa tiếc rẻ cho một đội bóng “toàn sao” sau 90 phút thi đấu với không biết bao nhiêu cơ hội ăn bàn mười mươi nhưng lại để vuột trôi qua trước mũi giầy mà không thể chuyển thành bàn thắng và rồi bị thủng lưới trong những phút đá bù giờ.      Quy luật trong bóng đá là thế : đội bóng nào không biết tận dụng cơ hội, đội đó sẽ chuốc lấy thất bại.

          Theo dòng thời sự để ví von, cũng có thể nói như thế. Các đội bóng Khoradin, Capharnaum, Betsaiđa, với biết bao cơ hội là những phép lạ thực hiện ở giữa họ mà họ không “ghi được bàn thắng” trước đối thủ là sự ác, ắt là họ sẽ  không thoát khỏi thất bại ê chề : chính họ sẽ bị trầm luân. Chả bù với các “đội” Tia và Siđon, giá mà họ chỉ có được  một nửa cơ hội như thế thôi, ắt họ  đã ghi bàn quyết định là sám hối ăn năn và lãnh nhận được ơn cứu độ rồi (5 phút Lời Chúa).

 

          6. Truyện :  Lời Chúa nhắc nhở.

          Trong cuốn nhật ký của một người thanh niên đạo đức, người ta tìm thấy những dòng tự thuật như thế này :”Bước ra khỏi nhà sách một ít, tôi nhận ra số tiền dư mà chị bán hàng mới đưa lộn cho tôi. Lương tâm tôi nhắc phải sống công bằng. Nhưng tôi đã tự trấn an “Nhằm nhò gì ba cái lẻ đó. Hơn nữa đó là lỗi của người khác chứ đâu có phải là lỗi của tôi”. Và tôi tiếp tục bước đi.

          Tới nửa đoạn đường, chân tôi cứng lại  như có một sức mạnh nào đó níu kéo lại, khi tự đáy lòng tôi Lời Chúa vang lên :”Khốn cho ngươi”.  Tôi tự nghĩ : chắc hẳn Chúa đang buồn vì hành động của tôi, vì tôi đã biết Chúa nhiều. Sau giây phút ngập ngừng, tôi quyết định trở lại hiệu sách và hoàn lại số tiền cho chị. Chị nhìn tôi, cười thật tươi sau tiếng cám ơn. Chưa bao giờ tôi cảm thấy được nhẹ nhàng cả người như thế.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt

 


Lm. Đinh Lập Liễm - Chia Sẽ Tin Mừng Ngày Thường