Thứ bảy tuần 15 thường niên
Người tôi tớ của
Thiên Chúa
(Mt
12,14-21)
1. Tiên tri Isaia tuyên sấm về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa,
Người Tôi Tớ được Thiên Chúa yêu thương . Thiên Chúa ban Thần Khí xuống trên
Người để Ngài đem Tin Mừng cứu độ đến cho toàn dân. Người Tôi Tớ này hiền lành, khiêm nhường, âm thầm
và đầy tình xót thương. Đây chính là hình ảnh tiên báo về Chúa Giêsu, Con Thiên
Chúa. Người đã bị sát tế vì phần rỗi nhân loại. Người không muốn bị mất
bất cứ ai nên đã sống với con người, dạy dỗ, giúp đỡ và dùng chính Thịt
Máu mình để làm chứng cho tình yêu của Người đối với nhân loại.
2. Chúa Giêsu biết rõ những người biệt phái ghen ghét và
mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài
tại nhiều nơi khác. Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho
thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Matthêu
đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại
trong Tin Mừng hôm nay.
Đấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn
ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri
Isaia , khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu nhận ra Ngài : một con người hiền
lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vã, không la lối, Ngài
không bẻ gẫy cây sậy đã giập, không
dập tắt tim đèn còn khói. Đó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của
Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn
con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng
vào Ngài (Mỗi ngày một tin vui).
3. Thời Chúa Giêsu, những người biệt phái cũng có một lòng
hăng say tương tự với ý thức hệ của lề luật. Họ đã nhân danh lề luật để ném đá
người khác, họ đã nhân danh lề luật để
loại bỏ biết bao người ra khỏi lề luật, nhất là họ đã nhân danh lề luật để đóng
đinh Chúa Giêsu.
Đối lại sự tàn bạo của những người nhân danh lề luật hay ý
thức hệ để tiêu diệt người khác, Chúa Giêsu để lộ lòng khoan dung cảm thông vô
bờ. Tin Mừng hôm nay ghi lại lời tiên tri Iasaia để nói về lòng nhân hậu của
Chúa Giêsu : Ngài không cãi có dức lác, không ai nghe tiếng Ngài ngoài đường phố.
Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã giập,
không dập tắt tim đèn còn khói cho đến khi sự công
chính được toàn thắng.
4. Các xã hội thời nay càng ngày càng bạo động. Ngày càng
có nhiểu kẻ nghĩ rằng chỉ có bạo động – về tinh thần hoặc thể lý – mới có thể
duy trì hòa bình, giải phóng những người bị áp bức, trả quyền lợi cho những kẻ đã bị cướp đoạt. Họ đã đi lạc đường. Họ đã
sai lầm thảm thương.
Bạo động chỉ có thể sinh ra bạo động mà thôi.
Phải giết chết bạo động, phải thắng vượt nó bằng tình
thương, sự kiên nhẫn và lòng nhân từ. Phải học lại cho biết ở dịu hiền. Đó là
những sức mạnh có thể cứu loài người, chứ không phải sức mạnh nào khác. Người mạnh thật chính là một người hiền lành. Kẻ bạo động là con người
yếu đuối. Tình thương thì mạnh, bạo lực thì yếu. Tình thương dẫn đến sự sống, bạo
lực đưa tới sự chết. Khi làm cho kẻ khác
chết, ta chỉ sản xuất được chết chóc mà thôi. Khi để cho mình bị giết chết, ta
gieo rắc sự sống. Chính những kẻ bất bạo động mới cứu được thế giới (J.Y.G).
5. Cách đây vài thập niên, giới khoa học đã nỗ lực phác họa
lại khuôn mặt thật của Chúa Giêsu dựa trên những dấu vết trên tầm khăn liệm
thành Tôrinô, được coi là tấm khăn đã dùng để tẩm liệm Chúa Giêsu. Đi tìm một bức
chân dung thật của Chúa Giêsu có lẽ là mong ước
của không ít người. Song, đứng trước những kết quả đạt được, thì vẫn còn
tồn tại nhiều ý kiến trái ngược nhau. Thế
nhưng, vẫn có đó một bức chân dung thật của Chúa Giêsu, một bức chân dung không
kém phần giá trị, đó là bức chân dung được vẽ lên từ chính Lời Chúa. Quả thật,
Lời Chúa hôm nay đã vẽ nên một bức chân dung tuyệt vời về Chúa Giêsu, một Chúa
Giêsu thật nhân từ, khoan dung, đầy lòng thương xót :”Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt
đi” (5 phút Lời Chúa).
6. Truyện
: Lòng nhân hậu của Mahatma Gandhi.
Năm 1922, Mahatma Gandhi, nhà cách mạng bất bạo động của Ấn
đã bị chính quyền bảo hộ kết án tù 6 năm. Biết ông là người gây nhiều ảnh hưởng,
viên quản đốc trại đã biệt giam ông, mọi liên lạc đều do người cai tù Phi châu
da đen nổi tiếng là lạnh lùng đảm nhận.
Vì bất đồng ngôn ngữ, cả hai chỉ có thể trao đổi với nhau bằng cử điệu
và ánh mắt.
Ngày nọ, trên đường đem cơm đến phòng giam của Gandhi, người
tù da đen bị con rắn độc cắn. Không bỏ lỡ một giây, Gandhi để phần cơm sang
bên, vội vàng lấy mảnh chén vỡ vạch hình chữ thập trên vết cắn, rồi kề miệng hút hết lượng máu nhiễm độc, sau đó với số
thuốc gia truyền đem theo, ông đã dùng để rịt vết thương cho người ấy. Người da
đen liền quì xuống trước mặt Gandhi tỏ dấu cám ơn. Trái tim chai cứng giờ đây
đã biết rung động, vì đây là lần đầu tiên trong kiếp sống khốn khổ của anh, anh
đã nhận được một đối xử bằng tình người. Cũng từ đó anh hết lòng giúp đỡ
Gandhi, và nhờ thế nhà cách mạng còn sống sót để tiếp tục lãnh đạo cuộc tranh đấu.
Chính quyền Anh đã an tâm khi dựng lên bức tường ngăn cách
Gandhi với các đồng hương, bức tường ấy là người da đen lạnh lùng vô cảm. Thế
nhưng có một sợi dây leo đã bò qua được bức tường ấy, đó là sợi dây leo tình
thương.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt