Thứ ba tuần 17 thường niên
Ý nghĩa dụ ngôn cỏ
lùng
(Mt
13,36-43)
1. Bài
Tin Mừng hôm nay là chuyện các môn đệ xin Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa dụ ngôn cỏ lùng. Một dụ ngôn chỉ ra nguyên nhân của sự thiện ác từ đâu và chứng
minh một thực tế là thiện và ác cùng tồn
tại song hành với nhau.
Dụ ngôn này cho biết trong các công việc của Nước Thiên
Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma quỉ, mà trong giai đoạn sống ở trần
gian, người ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định
mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng có
mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn,
đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền xét xử.
2. Chúa Giêsu đích thân giải thích cho các Tông đồ về ý
nghĩa dụ ngôn cỏ lùng : Người đi gieo giống tốt là Chúa Giêsu, hạt giống tốt là
con cái Chúa, thửa ruộng là thế gian, là nơi con người sinh sống làm việc, phục
vụ, cỏ lùng là người xấu, người dữ, kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỉ, mùa gặt là
ngày tận thế, thợ gặt là các thiên thần. Lúa tốt thì được thu vào kho lẫm, tức
là những người lành, thánh thiện thì được thưởng. Còn cỏ lùng thì được thu lại
và đốt đi, tức là những người xấu thì bị tống vào hỏa ngục.
3. Dụ ngôn này dễ hiểu và hợp tình hợp lý. Trong trần gian
cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh người tốt, cái
thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện
và ác trong lòng mọi người, đó là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn
lộn bên cạnh cây lúa tốt. Còn đối với con người, xấu tốt ở xen lẫn với nhau,
vàng thau lẫn lộn, không phân biệt được tốt xấu, hoặc đôi khi đánh giá lầm mà
coi người tốt ra người xấu, hoặc người xấu ra ngừi tốt.
Ở đâu cũng có anh hùng
Ở
đâu cũng có thằng khùng thằng điên.
Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác, đó là điều
không thể tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chết, nhưng Hội thánh
cũng có những con người yếu đuối tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân
sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.
4. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau,
cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân
xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi
ngày phân xử, chúng ta được mời gọi yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường
lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.
Giữa thế gian vàng thau lẫn lộn, giữa biển đời cá tốt cá xấu,
giữa cuộc đời kẻ lành người dữ cùng chung sống với nhau và chỉ được Chúa phân định
trong ngày ra trước tòa phán xét, để thưởng công hay luận phạt. Ngày đó, như
nông dân gom lúa vào lẫm và đốt cỏ lùng, thì Thiên Chúa cũng thưởng công Nước
Trời hạnh phúc cho kẻ lành và ném vào hỏa ngục những kẻ gian ác tội lỗi (Mỗi
ngày một tin vui).
5. Qua dụ ngôn cỏ lùng, Chúa Giêsu mạc khải Thiên Chúa là Đấng
nhân từ, giầu lòng thương xót, “chậm bất
bình và hết sức khoan dung”. Ngài không chỉ trì hoãn đến ngày tận thế mới “nhổ cỏ lùng” trừng phạt kẻ tội lỗi.
Ngài “đợi chờ đến mùa gặt” để
con người có thời gian hoán cải, biến đổi từ cỏ lùng trở thành lúa tốt. Trong
khi đó, phải chăng vì kiếp người quá vắn vỏi, con người không có đủ kiên nhẫn với
nhau, luôn tìm cách bới ra khuyết điểm của nhau để loại trừ nhau, tiêu diệt
nhau.
Thiên Chúa rất mực công minh đồng thời Ngài lại đầy lòng
nhân từ, thương xót. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán và kết án
con người. Nhưng Ngài lại chờ đợi “cho tới
mùa gặt” mới thực thi quyền xét xử
ấy. Và một khi xét xử Ngài lại xét xứ khoan dung. Trong khi Chúa sẵn sàng chờ đợi
để cho cả cỏ và lúa mọc lên cho tới mùa gặt, thì chúng ta làm gì ? Phải chăng
chúng ta vội vàng “nhổ cỏ” bằng những
cư xử nghiệt ngã, tàn nhẫn với tha nhân ? Hay chúng ta khoanh tay, trố mắt ngồi
chờ “thi gan” với Chúa ? Là con cái
Chúa, chúng ta hãy sống bao dung nhẫn nại, quảng đại, tha thứ để góp phần làm
cho “cỏ lùng” được “biến đổi gien” trở thành “lúa tốt”(5 phút Lời Chúa).
6. Truyện : Để
thành ngọc trai.
Trong tập nhật ký của một sinh viên, người ta đọc được câu
chuyện này :”Tôi ở cùng phòng với một người Nhật Bản. Cô ấy có một viên ngọc. Mẹ
cô đã tặng cô ấy viên ngọc ấy trước khi lên đường sang Mỹ du học. Gia tộc cô từ
đời này sang đời khác làm nghề nuôi trai lấy ngọc. Trước khi cô đi, mẹ đã gọi
cô vào phòng, đưa cho cô viên ngọc và nói :
- Khi người ta nhét hạt cát vào bên trong vỏ con trai biển,
nó cảm thấy rất khó chịu, nhưng lại không có cách nào đẩy hạt cát ra
ngoài. Lúc đó, con trai phải đối mặt với
hai sự lựa chọn, hoặc là phải quyết một trận sống còn với hạt cát đó, hoặc là
tìm cách đồng hóa nó để hai bên có thể chung sống hòa bình với nhau. Con trai
biển đã lựa chọn cách làm thứ hai. Nó dùng cơ thể mềm mại của mình ôm lấy hạt
cát, đồng thời tiết ra chất xà cừ từng lớp lớp bao bọc lấy hạt cát. Vì thế sự
hình thành của ngọc trai là hành trình từ đau khổ đến sự tròn trịa đầy đặn.
Có lẽ nhiều người đã từng nghe câu chuyện này, nhưng rất ít
người biết dùng quan điểm của con trai biển để nhìn nhận nghịch cảnh. Trong cuộc
sống có rất nhiều những sự việc không như ý, làm thế nào để bao dung, đồng hóa
chúng, chấp nhận chúng như một phần của cuộc sống, để cuộc sống bớt đi phiền muộn,
có lẽ đó là bài học cần thiết nhất đối với con người trong xã hội hôm nay.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt