Thứ tư tuần 17 thường niên
Dụ ngôn kho tàng và
ngọc quý
(Mt
13,44-46)
1. Hai dụ ngôn “kho tàng” và “ngọc quí” mà Tin Mừng hôm nay
thuật lại qua lời rao giảng của Chúa Giêsu là một lời mời gọi chúng ta đừng để
mất cơ hội khi Nước Thiên Chúa đến. Nước Thiên Chúa đó không phải là chuyện tình
cờ, nhưng là một thực tại bị ẩn giấu như
kho tàng chôn giấu trong thửa ruộng và như viên ngọc lẫn lộn trong số các loại ngọc
giữa chợ đời. Vì thế, phải thao thức đi tìm, biết phân định chọn lựa, dám dấn
thân và từ bỏ tất cả để đổi lấy nó.
2. Ý nghĩa của dụ ngôn.
Dụ ngôn kho tàng không đặt vấn đề luân lý về hành động của người mua thửa đất.
Dụ ngôn chỉ muốn đề cao giá trị của Nước Trời, nên nhấn mạnh niềm sung sướng của
người kia thôi. Theo luật Rôma thời ấy, thì kẻ gặp được báu vật chôn giấu như vậy,
có quyền chiếm hữu. Còn theo luật Do thái, trong văn mạch của dụ ngôn này thì
quyền sở hữu báu vật thuộc về chủ thửa đất, vì thế người kia khi tìm thấy, đã
chôn giấu rồi về nhà bán tất cả những gì
mình có để mua thửa ruộng ấy.
Dụ ngôn đi tìm ngọc quí cũng mang ý nghĩa tương tự như dụ
ngôn kho tàng. Nước Trời cao quí hơn tất cả mọi sự con người có thể có, nên con
người phải sẵn sàng hy sinh tất cả, để chiếm được Nước ấy. Có người hiểu thương
gia là Chúa Giêsu, và viên ngọc quí là con người : Con Thiên Chúa đã hy sinh tất
cả vì loài người chúng ta (2Cr 8,9; Pl 2,6-11) (Giải thích của Trần hữu Thành).
3. Dụ ngôn kho báu và viên ngọc quí nói tới sự cao quí tột
bực của Nước Trời mà không có thứ giá trị nào sánh bằng. Tựa như khi phát hiện
ra khó báu hay tìm được viên ngọc quí, người ta bán hết tất cả những gì mình có
để tậu cho được, thì khi những ai khám phá ra Nước Trời , mọi giá trị người ta
từng theo đuổi từ trước đều phải nhường chỗ và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả
để dành cho được nước ấy.
Theo cách diễn đạt của dụ ngôn, thì thường là Thiên Chúa
“chôn giấu lại”kho tàng sau khi đã chỉ cho chúng ta thấy. Nó chỉ thuộc về chúng
ta sau khi đã bền bỉ kiên trì và chịu đựng khổ đau để có khả năng lãnh nhận kho
báu ấy. Hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc
quí” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết giá trị của chúng thì quí
hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn trong đó. Nước
Trời có đó nhưng mấy ai khám phá ra và mấy ai nhận thấy được giá trị vĩnh cửu để
đầu tư đời mình. Kho báu được chôn giấu
nên phải tìm kiếm và đào bới, muốn có ngọc đẹp phải bôn ba đây đó tìm mua. Nước Trời là một thực tại siêu việt nên phải
vất vả tìm kiếm với cả lòng khao khát và
hy sinh (Hiền Lâm).
4. Kitô giáo thiết yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu
có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho
Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để
dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm
Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt
lên như thánh Phaolô :”Tôi sống, nhưng
không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Một cuộc sống
như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát (Mỗi ngày một tin
vui).
5. Hôm nay, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta xác định lại
căn tính ơn gọi của mình, đó là đi theo Ngài. Đi theo Chúa Giêsu là đón nhận
Ngài làm gia nghiệp, lấy lời Ngài làm kim chỉ nam hướng dẫn. Sẵn sàng sống những giá trị Tin Mừng ấy trong cuộc đời dù gặp những khó khăn. Quyết tâm từ bỏ những
điều bất chính trái với thánh ý Chúa. Làm được điều đó, ấy là lúc chúng ta khôn
ngoan như người lái buôn và chàng thanh niên trong Tin Mừng đi tìm “kho tàng”
và “viên ngọc quí” hôm nay.
Mong sao mỗi người chúng ta hiểu rằng : Nước Trời là “kho
tàng” bền vững và Chúa Giêsu là “viên ngọc quí” đích thực. Đạt được “kho tàng”
là Nước Trời; chiếm hữu được “viên ngọc quí” là chính Chúa Giêsu thật là điều
không dễ ! Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải đánh đổi bằng những hy sinh, cố gắng và tin tưởng tuyệt
đối, ngay cả cái chết.
6. Truyện
: Cần phần rỗi linh hồn.
Attila xâm chiếm nước Italia với các binh đoàn hùng hậu của
ông. Khi đã chiếm đóng làm chủ khắp mọi nơi thuộc đế quốc Rôma, ngày kia quân
lính đến báo cáo với ông ta rằng :”Ở vùng ông ta đang trú đóng có một vị ẩn tu
rừng”. Atttila, ông vua hiếu chiến, hung dữ, rất kiêu căng này luôn muốn mọi
người run sợ sụp lạy trước mặt mình nên ông ta nảy ra ý định thử đến gặp vị ẩn
sĩ xem sao.
Tưởng rằng vị tu hành sẽ sợ hãi khi phải đối diện với nhà
chinh phục khét tiếng này, không ngờ, người của Thiên Chúa chẳng những không
run khiếp, trái lại còn tỏ ra ung dung tự tại khiến Attila vừa nể phục vừa cảm
mến. Sau khi trò truyện với một người
khôn ngoan, có tài đáp ứng mau lẹ, Attila bèn hứng chí nói :”Ta sẽ cho ngươi tất
cả những gì ngươi có thể ước muốn trong vương quốc của ta”. Lúc đó, vị tu sĩ vừa ngửa tay chìa về phía
Attila vừa nói :”Thưa ngài, trong toàn vương quốc của ngài tôi chỉ ước muốn một điều duy nhật : Phần rỗi của linh hồn ngài”.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt