Thứ năm tuần 18 thường niên
Chúa Giêsu là ai ?
(Mt
16,13-23)
1. Sau một thời gian giảng dạy và làm nhiều phép lạ, Đức
Giêsu muốn biết người ta nghĩ sao về mình và Ngài cũng muốn hỏi các Tông đồ
nghĩ sao về Ngài.
Dân chúng biết mù mờ về Đức Giêsu bởi họ không chú ý đến
giáo huấn của Ngài. Lúc này đã gần đến giờ của Đức Giêsu, giờ Ngài sắp bước vào
cuộc Thương khó – đỉnh cao của chương trình cứu chuộc nhân loại. Ngài muốn các
môn đệ xác tín lập trường của mình, để các ông can đảm theo Ngài. Chúng ta cũng
không thể biết Đức Giêsu là ai, nếu chúng ta không quan tâm học hỏi và khám
phá. Không biết Đức Giêsu là một thiệt thòi lớn lao. Vì chỉ khi biết Đức Giêsu,
chúng ta mới đạt được nguồn bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.
2. Có nhiều câu trả lời về Chúa Giêsu : người thì bảo là
Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó. Mọi câu trả lời đều
nói lên phần nào sứ mệnh của Chúa, nhưng chưa đúng hẳn, tức là dân chúng chỉ
coi Chúa Giêsu là một tiên tri, tức là một người được Thiên Chúa sai đến để dọn
đường cho Đấng Thiên Sai, chứ chưa phải là Đấng Thiên Sai. Vì thế, chỉ với câu
trả lời của ông Phêrô :”Thầy là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Chúa Giêsu mới hoàn toàn bằng lòng, tức là
ông Phêrô tuyên xưng Chúa là Đấng Thiên Sai. Quả thực, tin nhận Chúa Giêsu là
Con Thiên Chúa hằng sống là diễn tả được cả sứ mạng lẫn con người của Ngài.
3. Lời đáp trả của Phêrô quả là một lời tuyên xưng :”Ngài là Đức Kitô” tức là Đấng Thiên Chúa
sai đến để giải phóng dân tộc. Tuy nhiên chúng ta thấy, trong cái nhìn của
Phêrô và phù hợp với giấc mơ chung của các ông, thì Đức Kitô mà các ông mong đợi
là Đấng sẽ đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh.
Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài
phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài. Tuyên xưng một Đức Kitô Cứu Thế mà không
chấp nhận con đường thập giá, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ
của Satan đối với Chúa Giêsu đều qui về một mối là khước từ con đường Thập giá.
Do đó, khi Phêrô can gián Ngài từ
bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Ngài đã gọi Phêrô là Satan.
4. Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa
hằng sống và được Ngài khen là người có phúc. Tuy nhiên, ông không thể chấp nhận
Đấng Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết như thế được. Cũng như bao người Do
thái khác, Phêrô mong đợi một Đấng Kitô như là một vị vua trần thế nắm quyền lực
chính trị, giải phóng Israel khỏi ánh thống trị Rôma, làm bá chủ thế giới.
Nhưng đường lối của Chúa thì khác, con đường hiến thân phụ vụ :”Con người đến không phải để được phục vụ
nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người”(Mc 10,45)(5
phút Lời Chúa).
4. Phêrô và các môn đệ chỉ hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu
khi Ngài từ trong kẻ chết sống lại. Đấng Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập
giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Đức Kitô cũng có nghĩa là chấp nhận đi
theo con đường của Ngài. Phêrô và các môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên
xưng của các ông. Tất cả đều lặp lại cái chết khổ hình của Đức Kitô.
Chúng ta ghi dấu Thánh giá trên người chúng ta, chúng ta
mang thánh giá trong người chúng ta, đó không là dấu hiệu của sự chết, nhưng là
biểu dương của một sức sống của Đấng đã chết, đã phục sinh và đang tác động
trong chúng ta. Nói như thánh Phaolô :”Tôi
sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Chúa Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất chương trình cứu rỗi loài
người. Chúa Kitô đã vác Thập giá và đã chết một lần, cuộc Tử nạn ấy cần phải được
tiếp tục qua các Kitô hữu. Cũng chính thánh Phaolô đã nói :”Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu
sót trong cuộc tử nạn của Chúa Kitô (Mỗi ngày một tin vui).
5. Truyện : Ý
nghĩa của một bức tượng.
Nhà điêu
khắc Dannecker người Đức, đã để nhiều công khó trong công tác tạc một bức tượng của Chúa giêsu bằng cẩm thạch. Trong
hai năm đầu, bức tượng đã xong, nhà điêu khắc mời một em bé vào phòng vẽ của
mình và hỏi em bé rằng :
- Ai đó ?
Em bé tức khắc trả lời :
- Một vĩ nhân.
Nhà điêu khắc buồn và nghĩ rằng, công khó của mình trong
hai năm kể như đã hỏng. Ông tiếp tục tạc lại trong sáu năm nữa và mời một em bé
khác vào phòng vẽ và hỏi :
- Em biết bức tượng này là ai không ?
Sau khi nhìn bức tượng một lúc, yên lặng và nước mắt tràn
ra đôi mi, em khẽ nói :
- Hỡi những con trẻ đau khổ hãy đến cùng ta !
Nhà điêu khắc thỏa mãn, thành công về tác phẩm của mình.
Nhà điêu khắc Dannecker sau đó đã tuyên bố :
- Thôi đã thấy Chúa
Cứu Thế Giêsu và hình ảnh của Ngài đã thể hiện trong khi tôi tạc bức tượng Ngài
bằng cẩm thạch này.
Sau đó ít lâu, hoàng đế Napoléon Bonaparte yêu cầu nhà điêu
khắc tạc cho hoàng đế bức tượng nữ thần Vệ Nữ để trưng bầy trong việc bảo tàng
Louvre, Paris. Hoàng đế hứa sẽ trả cho ông một món tiền rất lớn, nhưng Dannecker
từ chối. Ông nói rằng :”Một người đã thấy Đấng Kitô và đã tạc vẽ mặt của Ngài rồi thì không thể dùng nghệ thuật của mình vào những
việc ở đời này được nữa, bởi vì làm như thế là tục hóa nghệ thuật của mình mất
rồi”.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt