Thứ sáu tuần 18 thường niên
Điều kiện phải có để
theo Chúa
(Mt
16,24-28)
1. Sau khi quở trách Phêrô vì đã ngăn cản Ngài đi con đường
Thập giá, Chúa Giêsu nói thêm rằng con đường ấy là con đường mà bất cứ ai muốn
làm môn đệ Ngài đều phải đi theo :”Nếu ai
muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”.
Lời tuyên bố trên là một điều kiện Chúa đề ra và đòi ý chí
tự do của mỗi người. Chúa không cưỡng bách ai, Chúa không ép buộc ai phải theo
Chúa. Đây là quyền tự do của con người để có thể tự do lựa chọn hay từ chối,
nhưng mỗi người phải chịu trách nhiệm về
sự tự do lựa chọn của mình.
2. Đối với người Do thái thời ấy hằng ngày chứng kiến những
tội nhân vác khổ giá ra nơi hành hình, thì chắc hẳn hình ảnh mà Đức Giêsu dùng
trong Tin Mừng hôm nay đã quá rõ ràng. Cuộc sống của những người theo Đức Kitô cũng như của
chính Ngài là cuộc sống của từ bỏ, hy sinh, chấp nhận đau khổ. Chúa Giêsu không
bảo chúng ta đi tìm thập giá, nhưng là hãy vác lấy thập giá mình.
Một cách nào đó, không ai có thể thoát khỏi thập giá trong
cuộc sống. Tại sao con người phải đau khổ ? Tại sao con người phải vác thập giá
? Chúa Giêsu không đưa ra một giải đáp nào. Ngài vác lấy Thập giá. Ngài sống
như một con người đau khổ, và Ngài nói với chúng ta : Thập giá là con đường giải
thoát, con đường dẫn tới sự sống...(Mỗi ngày một tin vui).
3. “Ai muốn đi theo
Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Qua câu nói này,
Chúa muốn dạy các môn đệ cũng như mọi người thấy rõ những gì họ tin và bằng
lòng trả giá. Chúa muốn những ai tin Chúa, phải quyết tâm đi vào con đường mà
Chúa đã đi. Đó là con đường từ bỏ mình và vác thập giá. Từ bỏ mình là từ bỏ con
người vị kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi, ti tiện, sai trái, từ bỏ tất cả những gì mình
muốn nhưng Chúa không muốn để hoàn toàn trống rỗng mà chứa đựng một mình Chúa
thôi. Còn vác thập giá mình là chấp nhận và chịu đựng những đau khổ tinh thần
và thể xác của cuộc đời.
4. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực.
Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của đau khổ nhưng Ngài đón lấy khổ đau
và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của
con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa
Giêsu chịu treo trên thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu
lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận
đau khổ, chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ
của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
5. “Quả thật, ai muốn
cứu mạng sống mình, thì sẽ mất...”.
Muốn hiểu câu nói này,
chúng ta phải biết thánh Matthêu viết sách này vào khoảng năm 80-90 SC, nghĩa
là ông viết vào những ngày cay nghiệt nhất. Những lời này có ý nói rằng :”Đã đến
lúc con người có thể cứu mạng sống mình bằng cách chối bỏ niềm tin, nhưng như
thế thì chẳng những không cứu được mạng sống mình theo đúng nghĩa thật sự mà là
đánh mất nó”. Người giữ lòng trung tín có thể chết, nhưng chết để mà sống. Còn
người bỏ đức tin mình để được an thân thì có thể sống để mà chết. Trong thời đại
chúng ta, không có những cuộc cấm đạo khắt khe như thế, nhưng của cải vật chất,
chức quyền, danh vọng... có thể làm cho chúng ta chết mà mất linh hồn.
6. Thánh Matthêu đã dùng từ “Sự sống” để nói lên hai thực tại
khác nhau : sự sống trần gian và sự sống đời đời. Sứ điệp của Chúa xem ra ngược
đời và chói tai, nhưng nếu không chế ngự tính ích kỷ và không dẹp bỏ những tham
vọng của mình, chúng ta sẽ làm hư đi cuộc sống hiện tại lẫn cuộc sống tương
lai. Nếu không dám liều, không thích nghi chương trình sống theo các bậc thang
giá trị của Chúa, chúng ta sẽ đứng ngoài lề Tin Mừng và tình yêu của Chúa.
Khi kêu gọi con người từ bỏ mình để đi theo Ngài, Chúa
Giêsu cũng không mời gọi con người khinh chê hay ghét bỏ sự sống đến mức hủy diệt
sự sống, nhưng là đừng để mình làm nô lệ cho lợi lộc vật chất, trái lại đặt
Chúa và tìm kiếm Nước Chúa trên hết mọi sự.
7. Truyện : Thánh giá vừa sức mình.
Thánh giá ta đang mang là thánh giá vừa sức ta. Câu chuyện ngụ
ngôn dưới đây chứng minh điều đó : có một người luôn than van những nỗi khổ cực
của mình. Một ngày kia, thiên thần hiện
đến phán bảo :
- Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại
thánh giá của mình. Con hãy mang
thánh giá của con ra để đó và lựa chọn thánh giá vừa sức con. Ông ta mang thánh
giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm
kiếm mãi mà không được : có cây quá dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù
sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng ông nói với thiên thần :
- Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác, chỉ có cây con định
vứt đi là vừa với con thôi.
- Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con
hãy vui lòng vác đi, đừng than van gì nữa.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt