Thứ ba tuần 19 thường niên
Phải trở nên như con
trẻ
(Mt
18,1-5.10-14)
1. Các môn đệ xúm lại hỏi Chúa : ai là người lớn nhất trong
Nước Trời ? Chúa không trả lời ngay. Người gọi một trẻ nhỏ vào đứng trước mặt
các ông rồi nói : Ai không trở nên như trẻ nhỏ, không sống đơn sơ, thật thà,
khiêm tốn như trẻ nhỏ thì không được vào Nước Trời. Và ai trở nên giống trẻ nhỏ
: đơn sơ, hoàn toàn lệ thuộc phó thác, thì sẽ làm lớn hơn hết trong Nước Trời...
2. Cái đẹp của tuổi thơ là sự vô tư hồn nhiên, không bon
chen, không hận thù tranh chấp và hoàn toàn tin tưởng cậy dựa vào cha mẹ. Trong
đời sống thiêng liêng, Đức Giêsu muốn chúng ta mang lấy những tâm tình của trẻ
thơ : khiêm tốn, tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào Thiên Chúa là Cha yêu
thương. Đồng thời, Ngài cũng khuyên chúng ta phải tôn trong trẻ em, những kẻ bé
mọn, những người yếu đuối và ngay cả những người tội lỗi... Tất cả mọi người đều
là hình ảnh của Thiên Chúa, đều được giá Máu cứu chuộc, thế nên chúng ta phải
đón nhận tất cả mọi người anh em, không trừ một ai.
3. Theo nhận xét của nhiều người, trẻ em giống như một cây
non, chúng yếu đuối phải cậy dựa vào người lớn, chúng hoàn toàn nương nhờ vào
cha mẹ và cha mẹ bảo sao chúng biết vậy. Cũng thế, trẻ nhỏ giống như tờ giấy trắng,
muốn viết gì vào đấy cũng được. Rồi trẻ nhỏ rất dễ tin, chúng tin vào cha mẹ và
tin rằng chỉ có cha mẹ mới thỏa mãn được mọi nhu cầu của chúng. Đó là thái độ
chúng ta phải có đối với Chúa, trước mặt Ngài, chúng ta phải thấy mình thực sự
nhỏ bé, yếu đuối, bất lực và cần sự trợ giúp của Ngài.
4. Đàng khác, trẻ nhỏ thì hồn nhiên, ngây thơ, trong sạch,
không biết quanh co, lừa đảo gian dối, không biết để lòng oán hờn, thù hằn,
ghen ghét, không bon chen với trăm thứ lo lắng của người lớn. Hồn nhiên là một
thái độ tự nhiên của trẻ nhỏ, và được diễn tả bằng tình thương... Chúng tin vào
một người, chỉ khi nào chúng cảm thấy người ấy thương chúng. Thuyết phục bằng
lý lẽ sẽ không có hiệu quả, nếu không kèm bằng tình thương. Đó là thái độ của
chúng ta phải có đối với Chúa, và đó là cách để chúng ta được Chúa yêu thương
và được đón nhận vào Nước Trời (Phạm Văn Phượng).
5. Chúa Giêsu dường như muốn đưa ra một giải thích về mối
phúc đầu tiên khi Ngài gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các môn đệ và tuyên bố
:”Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ,
các con không được vào Nước Trời”. Trong quan niệm người Do thái, trẻ em
chưa được xem như một con người hoàn toàn, do đó trẻ em được coi là biểu tượng của thiếu sót, bất toàn, yếu đuối
và bị khinh thường. Có lần các môn đệ đã
tỏ ra khó chịu khi thấy Chúa Giêsu để cho trẻ em đến gần Ngài. Nơi trẻ em, Chúa
Giêsu nhìn thấy hình bóng những người mà Ngài gọi là những kẻ bé mọn. Hãy hóa
nên như trẻ nhỏ có nghĩa là hãy trở nên
trống rỗng, nghèo nàn để được Thiên Chúa lấp đầy. Phúc cho những ai có tinh thần
nghèo khó. Nghèo khó chỉ có giá trị khi nó là một cởi bỏ mọi ràng buộc có thể
làm con người trở thành nô lệ trong cuộc
sống. Hãy hóa nên như trẻ nhỏ cũng có nghĩa là chấp nhận thân phận mỏng dòn, tội
lỗi của mình. Sự ràng buộc đầu tiên mà con người phải tháo gỡ chính là con người
cũ tội lỗi để Thiên Chúa có thể trở thành sức sống của con người (Mỗi ngày một
tin vui).
6. Tâm hồn đơn sơ của con trẻ dễ dàng gần Chúa hơn. Con đường
thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng nhắc nhở chúng ta điều này.
Không lâu trước khi qua đời, thánh nữ đã viết lại bí quyết sống của mình như sau :”Tôi muốn tìm
phương thế để lên trời qua con đường nhỏ, thật ngay thẳng, thật ngắn, một con
đường nhỏ thật mới. Chúng ta đang sống trong thiên niên kỷ của nhiều phát minh.
Trong những nhà giầu, một thang máy thay thế cho những nấc thang thật tiện lợi.
Tôi cũng muốn tìm gặp một thang máy để đưa tôi lên với Chúa Giêsu, bởi vì tôi
quá nhỏ bé để leo lên cái thang cửa sự trọn lành”. Và theo thánh nữ, thì chiếc
thang máy để đưa ta tới trời chính là đôi cánh tay của Chúa. Điều cần là chúng
ta phải sống nhỏ bé và ở lại trong tình thương của Chúa.
7. Truyện : Tấm
lòng đơn sơ thành thật.
Vào mùng hai tết Canh Thìn năm 2000, trong lúc đi chơi, bé
Thiên Thanh, 9 tuổi, lớp 3A trường Phạm Như Xương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Ninh,
đã nhặt được chiếc ví có rất nhiều tiền.
Trên đường cầm chiếc ví đến trạm công an khu vực ở gần đó để
giao, bé Thiên Thanh thấy một người khách dáng cao to, đang lúi húi tìm kiếm một
vật gì đó, khuôn mặt đầy vẻ lo âu.
Đoán đây chính là người mất chiếc ví, bé đến gần và hỏi thì
quả thật đúng như vậy. Em đã trao cho người khách chiếc ví còn nguyên vẹn dưới
sự chứng kiến của nhiều người. Số tài sản gồm 4.100.000 đồng, 1.300 mỹ kim, 12
chỉ vàng và tất cả giấy tờ cá nhân quan
trọng như hộ chiếu v.v...
Người khách may mắn đã hết lời khâm phục cám ơn bé Thiên
Thanh. Để tỏ lòng biết ơn, người khách đã lấy 2 triệu đồng và 100 mỹ kim biếu
em, nhưng bé một mực không nhận và hồn nhiên nói :
- Cháu xin cám ơn bác, nhưng cô giáo cháu đã dạy rằng : khi
đi đường mà nhặt được của rơi thì phải tìm cách trả lại cho người bị mất, cháu không nhận tiền thưởng
của bác đâu !
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt