Thứ hai tuần 19 thường niên

Việc đóng thuế cho Đền thờ

(Mt 17,21-26)

 

          1. Chúa Giêsu báo cho các môn đệ biết : Ngài sẽ bị nộp, bị giết nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại. Các ông nghe Chúa nói vậy thì buồn lắm, nhưng không dám nói gì, vì sợ Chúa quở như đã quở ông Phêrô.  Còn việc nộp thuế cho Đền thờ, Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa, Người có quyền không nộp thuế cho Đền thờ. Nhưng việc Chúa Giêsu nộp thuế chứng tỏ người chu toàn lề luật, sống khiêm nhường  như những người Do thái bình thường. Chúa đã để lại cho chúng ta một mẫu gương khiêm tốn và chu toàn lề luật.

 

          2. “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”. Thích nghi với đời sống xã hội là một trong những đòi hỏi cơ bản nhất của đời sống.

          Khi nhập thể làm người, Thiên Chúa như phải làm một cuộc hội nhập văn hóa. Ngài không phải là con người trừu tượng, nhưng là người Do thái với tất cả quá khứ của một dân tộc. Ngài nên giống con người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Làm người Do thái  dưới thời đế quốc Rôma bảo hộ, Ngài cũng đăng ký  trong một cuộc tổng kiểm tra dân số trên toàn lãnh thổ đế quốc. Là người Do thái sống dưới sự cai trị của người Rôma, Ngài đóng thuế cho đế quốc. Nhưng dĩ nhiên, Ngài cũng tuân thủ  tất cả lề luật của Do thái giáo : chịu cắt bì, được dâng trong Đền thờ, đến Hội đường, giữ ngày hưu lễ, nộp thuế tôn giáo.

 

          3. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ.

          Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Đền thờ nữa. Theo đó, mọi đàn ông Do thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, đều phải nộp thuế cho Đền thờ hằng năm một món tiền thuế là hai đồng drachme, tương đương với giá hai ngày công. Số tiền này  dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt qua. Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này không.

 

          4. Chúa Giêsu giải quyết thế nào về việc nộp thuế cho Đn thờ ?

          Theo bài Tin Mừng, khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông :”Simon, con nghĩ sao ? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai ? Con cái mình hay người ngoài ? Phêrô đáp :”Thưa, người ngoài” . Chúa Giêsu liền bảo  :”Thế thì con cái được miễn”.

          Đây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu :”Thế thì con cái được miễn”, Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, bởi vì câu :”Thế thì con cái được miễn”. Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế, nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ  việc nộp thuế cho Đn thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ : Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất quỹ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

 

          5. Chúa Giêsu là gương mẫu của vâng phục. Suốt 30 năm ẩn dật tại Nazareth Ngài đả vâng phục cha mẹ, tuân theo các lề luật của Maisen. Tin mừng hôm nay  ghi lại việc Ngài đóng thuế cho Đền thờ, đây là một điển hình của rất nhiều cử chỉ vâng phục mà Chúa Giêsu đã thể hiện trong suốt cuộc đời trần thế của Ngài.

          Vâng phục là nói lên tính cách bất toàn và giới hạn của thân phận con người. Đã làm người, Chúa Giêsu đã không đi ra ngoài những qui luật ấy của thân phận con người, nhưng chính vì vâng phục mà Ngài đã trọn kiếp con người. Ngài là một mẫu người hoàn hảo. Hoàn hảo không phải vì không có giới hạn trong kiếp người mà chính là vì đã vâng phục. Thánh Phalô đã khẳng định rằng :”Chính vì Ngài đã vâng phục mà Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban cho Ngài danh hiệu, vượt trên muôn ngàn danh hiệu”.

 

          6. Thánh Matthêu viết Tin Mừng trong giai đoạn Do thái giáo đã khai trừ các Kitô hữu. Cho nên lẽ ra  họ không còn bổn phận đóng góp cho Đền thờ Giêrusalem nữa. Thế mà, “để khỏi làm cớ vấp phạm” (làm dịp cho người Do thái kết án là tại Kitô hữu bỏ bổn phận trước), họ vẫn chu toàn bổn phận nộp thuế cho Đền thờ. Có những việc tôi không bị buộc làm, nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm” và vì bác ái, tôi vẫn nên làm.

 

          7. Truyện :  Phải tránh gương xấu.

          Một cha sở kia ở miền núi, mỗi ngày trước khi lên giường ngủ, ngài thường quỳ xuống quay mặt về hướng nghĩa địa gần nhà cầu nguyện cho những người ở đó. Ngài cầu nguyện thật sốt sắng. Một đêm kia, ngài nghe thấy có tiếng chân người và tiếng đá rơi. Ngài nhìn kỹ thì thấy bóng một người  đang trèo lên thành nghĩa địa và đi giữa những nấm mồ. Một kẻ trộm chăng ? Một tên điên chăng ? Qua đêm thứ tư, ngài núp sau một gốc cây, ngài thấy rõ có một người lạ mặt đến quì trước ngôi mộ và khóc than thảm thiết :”Cha ơi, cha có tha cho con không ? Cha nói đi ! Cha nói đi”.

          Cha nhìn kỹ và nhận ra đó là một người bổn đạo trong họ. Người này đã ngỗ nghịch làm cho người cha phiền muộn quá đến nỗi chết đi. Ngài rón rén đến gần, đặt tay lên vai người đó và nói :

          - Ô con, con còn bị cắn rứt không thể nào ngủ được sao ?

          Người bổn đạo khiếp sợ quá, nhưng khi nhận ra tiếng cha sở thì định thần lại nói :

          - Thưa cha, con không được bằng an chút nào cả. Hình ảnh cha con đang tức giận luôn theo dõi con.        

          - Con biết con đã xử tệ với cha con, con cái của con cũng xử tệ với con như vậy. Ngày mai, con hãy đem con cái đến đây và xin chúng đừng bắt chước gương xấu của con đã làm nữa.

          10 năm sau, người bổn đạo đó chết và được chôn cất trong nghĩa địa ấy. Trong khi cha sở đang làm phép mộ, con cái ông ta lên tiếng  nhạo báng và chửi rủa.

          Cha sở buồn rầu thốt lên một lời :

          - Ôi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên chuyện này (Trích “Phúc)”.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt