Thứ năm tuần 19 thường niên
Hãy tha thứ cho nhau
(Mt
18,21-19,1)
1. Cuộc sống cộng đoàn cũng thường có nhiều va chạm nên Chúa Giêsu dạy thêm bài học về tha
thứ : phải tha thứ luôn như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Những gì chúng ta tha
thứ cho nhau, thì không là gì cả so với sự tha thứ của Thiên Chúa với chúng ta.
Thật thế, “Thiên Chúa là Tình yêu”, bản
chất của Thiên Chúa chính là tình yêu. Tình yêu của Người không bờ bến, nên Người
cũng muôn chúng ta trao cho nhau tình
yêu vô điều kiện, không giới hạn.
2. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ
luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống
xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu
: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng
ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là
khí cụ của hòa bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình
mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó, chúng ta hãy
luôn sống tha thứ để tâm hồn chúng ta được
nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui (Mỗi ngày một
tin vui).
3. Người Do thái cũng được dạy cho biết phải tha thứ cho
nhau, nhưng các tôn sư không đồng ý với nhau là phải tha đến lần thứ mấy mới
thôi. Có ý kiến cho rằng chỉ có thể tha thứ tối đa là bốn lần, người Việt nam
chúng ta thì nói “sự bất quá tam” hay
“quá tam ba bận” là cùng, bước sang lần
thứ tư là coi như đã vượt chỉ tiêu. Do
đó, ông Phêrô đã thắc mắc và hỏi Chúa Giêsu. Chúa cho biết phải tha thứ luôn,
phải tha thứ mãi, không giới hạn số lần. Và để làm sáng tỏ vấn đề, Chúa dùng một
dụ ngôn. Dụ ngôn này có nghĩa là chúng ta mắc nợ với Chúa thì nhiều lắm : tội lỗi
chúng ta xúc phạm đến Chúa vừa nhiều vừa rất nặng nề, dường như không thể tha
thứ được, nhưng Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Trong khi đó những lỗi phạm của
anh em với ta, dù thế nào chăng nữa, cũng không đáng gì so với tội lỗi chúng ta
đã phạm đến Chúa, thế mà chúng ta chấp nhất, ti tiện, không tha thứ. Nếu vậy, chúng
ta đừng hòng mong Chúa tha thứ cho chúng
ta. Phải thực hiện lời Chúa dạy :”Xin tha
nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”(kinh Lạy Cha).
4. Chân phước Maurice
Tornay nói :”Chúng ta phải tha thứ
cho nhau vô điều kiện, bởi vì Thiên Chúa nhân lành, luôn thương xót và tha thứ
mọi lỗi lầm của chúng ta trước”.
Hôm nay Chúa Giêsu dạy ông Phêrô phải tha thứ cho người
khác bảy mươi lần bảy. Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói ông Phêrô hãy đếm số lần
tha thứ : một lần, hai lần...nhưng điều Chúa Giêsu muốn nói là ông phải tha thứ
mãi mãi, tha thứ không tính toán, tha thứ tất cả.Tại sao vậy ? Bởi vì trong văn
hoá Israel con số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo, thành toàn, nên kiểu nói 70 lần
7 ở đây hàm nghĩa sự viên mãn tròn đầy. Vì vậy, khi Chúa Giêsu nói tha thứ 70 lần
7 nghĩa là tha thứ mãi, tha thứ tất cả.
5. Để diễn ta tình yêu thương của Chúa hầu khích lệ chúng
ta tha thứ cho nhau đã trình bầy về dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ không biết
thương xót.
- Mỗi nén vàng thời xưa là sáu ngàn quan tiền, tương đương
với sáu ngàn ngày công, và mười ngàn nén bạc, trị giá khoảng một trăm ngàn lượng
vàng.
- Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu có ý làm nổi bật sự khác biệt
giữa hai món nợ và hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên
Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người
khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác.
- Điều cần lưu ý là trong dụ ngôn này, lý do thúc đẩy ta
tha thứ cho anh em chính là tình thương
hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì
chúng ta cao thượng hay nhân đức không
chấp lỗi lầm (Trẫn Hữu Thành).
6. Chúa Giêsu dạy chúng ta
phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được
ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác :”Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con
cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Cảm nhận
được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu
của cả một đời người nhưng đó cũng là cuộc
chiến đấu làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ
thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.
7. Truyện : Tha thứ cho kẻ thù.
Một hiệp sĩ dũng cảm tên là Hildebrand bị một bạn đồng nghiệp
tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hildebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ
và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng ông chọn địa điểm và thời
gian thuận lợi.
Ông thức dậy nửa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi
thanh vắng mà ông biết là Brunô sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một
nhà nguyện nhỏ mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi chờ đợi, ông tiêu
khiển bằng cách nhìn các bức tranh trong
nhà nguyện.
Bức thứ nhất vẽ Đấng Cứu Thế mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão
gai, phía dưới có ghi bằng tiếng La tinh câu này :”Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại lăng nhục”. Bức thứ hai nhắc lại
cảnh đau buồn khi bị đánh đòn, với hàng chữ :”Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe dọa”. Và cuối cùng
bức thứ ba trình bầy Chúa Giêsu trên Thập giá, hàng chữ là: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc
họ làm”.
Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hildebrand bị
xúc động mạnh. Ông quì gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm
đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ gặp để
tha thứ và để làm hòa với nhau (Góp nhặt).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt