Thứ tư tuần 19 thường niên
Sửa lỗi cho anh em
(Mt
18,15-20)
1. Tiếp tục nói về nếp sống cộng đoàn, Đức Giêsu dạy chúng ta cách thế sửa lỗi cho
anh em. Người nhấn mạnh việc sửa lỗi phải dựa trên lòng bác ái, tình yêu
thương, kiên nhẫn và xây dựng. Cách sửa lỗi của chúng ta nhằm giúp đương sự hồi tâm hoán cải. Khi có
người trong cộng đoàn lỗi phạm, hãy sửa dạy cách kiên nhẫn qua nhiều giai đoạn
: gặp riêng, nhờ một ít người nữa cùng mình đi thuyết phục, trình kẻ có thẩm
quyền. Khi tất cả mọi cố gắng đều vô ích
thì mới kể người đó không là thành phần của cộng đoàn nữa.
2. Qua dụ ngôn về con chiên lạc, Chúa Giêsu đã cho biết :
Thiên Chúa không muốn cho một tội nhân nào phải hư đi, nên qua bài Tin Mừng hôm
nay, Người buộc chúng ta phải làm hết sức mình để sửa lỗi cho nhau. Điều này
đòi hỏi mỗi phần tử sống trong cộng đoàn phải lưu tâm vấn đề không được để một
ai hư mất, nghĩa là phải tích cực đóng góp phần mình vào công việc giúp đỡ lẫn
nhau sống hoàn thiện. Cần tránh những thái độ lãnh đạm, thờ ơ, khinh khi, xét
đoán và kết án tha nhân, nhất là những người cần phải được giúp đỡ để nên hoàn
thiện hơn.
3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc cho
chúng ta về thái độ phải có đối với những người tội lỗi trong cộng đoàn. Tội lỗi,
nết xấu, đó là một thực tại không thể tránh được, dù đó là cộng đoàn do chính Chúa Giêsu qui tụ. Cộng đoàn có Chúa
hiện diện, nhưng đồng thời là cộng đoàn bao gồm những người yếu đuối, có thể lỗi
phạm. Lời Chúa dạy về việc sửa lỗi huynh
đệ cần được chúng ta lưu tâm : Kẻ phạm lỗi kia là người anh em chúng ta, chứ
không phải là kẻ thù. Lời khuyên, giúp đỡ, sửa lỗi riêng tư phải là bước đầu
tiên; kế đến là việc sửa lỗi chung nhờ sự hỗ trợ của cộng đoàn; cuối cùng là
phán quyết của vị đại diện đã được Chúa trao cho tác vụ bảo vệ sự hiệp nhất và
hiệp thông cũng như chữa trị những gì làm hại đến cộng đoàn (Mỗi ngày một tin
vui).
4. Phải hết sức tế nhị trong việc sửa lỗi, đừng ăn nói một
cách thẳng thừng. Sự việc đã xẩy ra : Khi chứng kiến đội tuyển bóng đá nước nhà
thắng chật vật đội Đài Loan với tỉ số 2-1, một vị quan chức nọ đã nói :”Ông
Miura (huấn luyện viên của đội tuyển Việt nam) là huấn luyện viên dở nhất trong
lịch sử”.
Khi gặp điều không ưng ý, hay khi đứng trước những lỗi lầm,
sai phạm, khuyết điểm của người khác, chúng ta thường có thói quen chỉ trích,
chê bai họ cách công khai, quyết liệt, nhằm làm mất uy tín của họ, để rồi qua
đó, ta kín đáo đề cao chính mình.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy có thái độ tôn trọng và tế nhị khi sửa lỗi
người khác. Khi ấy, chúng ta hãy gặp riêng họ, chỉ một mình ta với họ mà thôi.
Việc gặp gỡ riêng tư này giúp hai bên nói chuyện với nhau cách cởi mở hơn, cũng
như hiểu biết nhau nhiều hơn. Không những vậy, việc này còn giúp chúng ta giữ
gìn thanh danh và uy tín của họ.
5. Nói chung, tinh thần sửa lỗi cho nhau phải hoàn toàn đặt
trên “nền tảng đức ái”, nhằm cứu vãn
và xây dựng hơn là áp dụng kỷ luật. Vì đối với Chúa, mọi phương thức phải được sử dụng để đưa người tội lỗi trở về
trước khi vấn đề được đặt ra trước cộng đoàn. Và nếu cộng đoàn phải dùng quyền
để loại trừ một phần tử bất khả kháng, thì điều này cũng chỉ vì bác ái mà thôi,
bác ái đối với đương sự trước tiên, để đương sự biết hồi tâm hoán cải, sau đó
bác ái với các phần tử khác trong cộng đoàn, kẻo có ai theo gương xấu mà phạm tội.
6. Sửa lỗi cho nhau là một nghệ thuật rất khó đạt được sự
hoàn chỉnh. Do đó điều quan trọng trước tiên là phải tập cảm nghiệm được sự hiện
diện của Đức Kitô ở giữa chúng ta. Nhờ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa
Kitô và nhờ sức mạnh của Ngài, chúng ta có thể dễ dàng giúp nhau sửa lỗi trong
tinh thần xây dựng. Nếu những bệnh nhân cần đến sự săn sóc chữa trị của bác sĩ,
thì những người lỗi lầm cũng cần đến tình thương và cảm thông của người khác để
được nâng đỡ và khích lệ trên con đường hoán cải.
7. Truyện :
Cách sửa lỗi đầy tình thương.
Trong sách ẩn tu có câu chuyện sau : Ngày kia, vị Giám mục
Amolas đến thăm mục vụ tại một làng nọ. Dân chúng bầy tỏ sự bất mãn của họ đối
với vị ẩn tu trên núi, vì ông hiện đang chung sống với một người phụ nữ.
Sau khi nghe những lời kết án, Giám mục Amolas quyết định
cùng dân làng leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Vị ẩn
tu thấy đám đông, ông hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ trốn vào trong chiếc
thùng rỗng.
Đức Giám mục là người đầu tiên đến và cũng là người đầu
tiên bước vào túp lều. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình.
Ung dung, ngài đi thẳng đến ngồi trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân. Rồi bình thản
vẫy tay gọi dân làng vào và bảo :”Vào đây, các người hãy vào đây và lục soát kỹ
xem trong túp lều có người phụ nữ nào không.
Họ tìm khắp nơi nhưng không thấy gì. Thấy tình thế đã dịu,
Đức Giám mục mới nói:”Bây giờ các người phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã
nói xấu vị ẩn tu này vô cớ”.
Và sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức
Giám mục Amolas mới tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt
của ông và chậm rải nói :”Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy”.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt