Thứ hai tuần 20 thường niên
Người thanh niên giầu
có
(Mt
19,16-22)
1. Thái độ hiền lành, hòa nhã của Đức Giêsu đã thu hút được
đủ mọi hạng người. Một chàng thanh niên giầu có, Luca gọi là “Thủ lãnh” (Lc
18,18-23), đến hỏi Đức Giêsu về điều kiện phải có để được sống đời đời... Qua đối
thoại với Chúa Giêsu, anh còn cho biết
anh đã tuân giữ tất cả giới răn từ thuở nhỏ. Thấy thiện chí của anh,
Chúa Giêsu mời anh tiến một bước xa hơn
nữa : bán tài sản, bố thí cho người nghèo, rồi
trở lại theo làm môn đệ của Ngài. Điều
này đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao. Anh không thể đáp ứng được vì anh có nhiều của
cải. Vì thế anh đã buồn rầu bỏ đi.
2. Mặc dầu anh thanh niên này là một người tốt. Nhưng xét
cho cùng, anh ta còn ích kỷ, anh chỉ nghĩ đến thu vào, anh đã có nhiều thứ và anh chỉ muốn có thêm chứ không muốn mất đi.
Khi đến hỏi Chúa Giêsu, anh muốn được thêm sự sống đời đời nghĩa là anh muốn được
cả đời này lẫn đời sau.
Giữa việc tuân giữ Lề
Luật và thật sự yêu mến Chúa và anh chị em
bằng những cử chỉ cụ thể, chàng thanh niên bắt đầu cuộc gặp gỡ với Chúa
Giêsu cách tốt đẹp với những phẩm tính tốt như ước muốn làm điều tốt, cố gắng
tìm hiểu xem phải làm gì để trọn hảo hơn và tuân giữ những giới răn Chúa truyền
dạy. Nhưng không thể dừng lại mãi nơi điểm khởi đầu, người môn đệ của Chúa phải
tiến lên, phải thực hiện lý tưởng và đạt cho được cùng đích là Chúa Giêsu Kitô,
sống với Người, được trở nên giống như Người mỗi ngày một hơn :”Nếu con muốn nên hoàn thiện, hãy bán đi tất
cả những gì con có đem cho kẻ nghèo, rồi đến theo Ta”(R.Veritas)
3. Chúng ta nên lưu ý, Chúa Giêsu không đến đề bần cùng hóa
nhân loại, Ngài đến là để con người được sống và sống sung mãn, và cuộc sống
sung mãn trong nhân cách dĩ nhiên không hề đồng nghĩa với bần cùng. Của cải vật
chất là phương tiện cần thiết để sống. Tuy nhiên, khi sinh ra và lớn lên trong
nghèo khó, Chúa Giêsu muốn chứng minh rằng con người có thể sống sung mãn, mà vẫn
không phụ thuộc của cải vật chất. Đối với Chúa Giêsu, siêu thoát đối với của cải
vật chất là điều kiện tiên quyết để vào Nước Trời. Đây là lý do tại sao tám mối
phúc thật đầu tiên và cơ bản bao gồm các
mối phúc khác chính là :”Phúc cho những
ai có tinh thần nghèo khó”.
4. Thật ra, tự nó, của cải không ngăn trở người ta vào Nước
Trời, nhưng thái độ ham mê của cải cản trở người ta yêu mến Thiên Chúa và Chúa
Kitô. Cần phải có tinh thần sẵn sàng từ bỏ
mọi của cải, mọi đam mê, để được tự do nghe tiếng Chúa dạy dỗ trong tâm
hồn. Thái độ từ bỏ của cải và đam mê, không nhất thiết bắt người ta trở thành nghèo mạt, bởi vì từ bỏ mọi sự vì
Chúa và vì Tin Mừng, chẳng những không làm người ta bị thiệt thòi, mà còn mở rộng
tương giao xã hội của nó, vì họ sẽ được đại gia đình nhân loại, và rồi với những
thử thách đã vượt qua, họ sẽ được hưởng sự sống đời đời (Mỗi ngày một tin vui).
5. Qua câu chuyện anh thanh niên với Chúa Giêsu, ta thấy
con đường nên hoàn thiện phải gồm hai điều : trước hết là phải ước muốn
:”Nếu anh muốn nên hoàn thiện...”.
Không thể đạt được điều gì chính đương sự không muốn, không tha thiết. Hễ muốn
ta có thể đạt được, như câu ngạn ngữ Pháp :”Muốn
là có thể”; thứ đến , sự hoàn thiện không hệ tại những việc lành làm được,
mà ở tại việc đi theo Chúa, gắn bó với Chúa :”hãy đến theo tôi”. Những việc tốt lành
làm được chỉ mới là một phần thiện, còn phải trở nên một với Đấng là “Chân, Thiện,
Mỹ” nữa thì mới gọi được là hoàn thiện.
Người thanh niên đã giữ giới răn, đã làm những việc tốt,
nhưng điều anh thiếu là chính Chúa. Vì
thế phải cảnh giác với thái độ tự
mãn rằng khi giữ những giới răn của Chúa và Giáo hội là tôi đã hoàn thiện rồi,
trong khi thực ra “Không có Thầy, các con
không thể làm được gì”. Một đời sống không gắn bó với chính Đấng nguồn mạch
sự thiện, thì chưa phải là hoàn thiện (5 phút Lời Chúa).
6. Truyện : Chúa phải là trọng tâm.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Leonardo da Vinci phải
là bức tranh bữa Tiệc ly của Chúa Giêsu. Trong đó nhân vật chính là Chúa Giêsu
được vây quanh bởi 12 Tông đồ.
Khi đem bức tranh ra triển lãm, Leonardo đã kín đáo đứng
trong góc phòng để quan sát cách thưởng thức tranh của quan khách. Ông ngạc nhiên vô
cùng khi thấy điểm thu hút trong bức tranh không phải là gương mặt Chúa Giêsu
mà là một cánh hoa nhỏ mà ông đã vẽ trong góc của bức tranh theo thói quen của
thời đại đó. Leonardo nhận thức được tức khắc rằng mình đã phạm một lỗi lầm rất
lớn, đó là đã thêm vào một cánh hoa đẹp để lôi kéo sự chú ý ra khỏi trọng tâm của
bức tranh.
Ý thức được như thế,
cho nên khi quan khách đã ra về, Leonardo da Vinci dùng cọ để bôi cánh hoa
trong góc của bức tranh. Ngày hôm sau, ông cảm thấy sung sướng vô cùng khi tất
cả mọi con mắt quan khách đều gắn chặt vào gương mặt của Đấng Cứu Thế.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt