Thứ sáu tuần 20 thường niên

Điều răn trọng nhất

(Mt 22,34-40)

 

          1. Người Do thái có quá nhiều luật đến độ họ không hiểu khoản luật nào là cốt yếu. Vì thế họ đưa vấn đề ra  để thử Chúa Giêsu. Câu trả lời của Chúa Giêsu vừa gọn gàng, minh bạch, vừa súc tích. Chúa Giêsu vạch ra cho họ thấy cái mấu chốt, điều cốt lõi của lề luật,  đồng thời Người nâng cao khoản luật “Yêu tha nhân” tiếp ngay sau luật “Kính Thiên Chúa”. Kính Chúa yêu người là hai giới răn phải luôn đi đôi với nhau, như thánh Gioan đã khẳng định :”Kẻ nói kính Chúa mà không yêu người là kẻ nói dối”.

 

          2. Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/08/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ tại Nhật, đó là “Sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ : đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp đến gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi đưa lên một tay thì gõ mõ. Mỗi vị sư máy  có thể cầu kinh không biết mỏi mệt, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật. Sáng kiến này được đưa ra nhằm đáp ứng nhu cầu ơn gọi sư sãi  ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận : những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương.

 

          3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi trả lời cho nhà thông luật, Chúa Giêsu cũng tóm lược giáo huấn yêu thương của Ngài :”Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trong nhất” ?  Câu nói mà người thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu vừa là cái bẫy gài Ngài, vừa phản ánh tâm thức vụ hình thức của họ. Họ tuân giữ mọi lề luật, họ phân chia bậc thang giá trị của mỗi lề luật, họ đánh giá con người theo sự trung thành của người đó đối với lề luật, họ sẵn sàng hy sinh tất cả để trung thành  với từng chi tiết của lề luật, thế nhưng họ lại không màng đến cái cốt lõi của lề luật là tình yêu thương.

 

          4. Trả lời cho người thông luật, Chúa Giêsu nói :”Tất cả lề luật và lời các tiên tri đều qui về hai giới răn : mến Chúa và yêu người”.  Điều đó có nghĩa là nếu loại bỏ tình thương ra khỏi lề luật, thì toàn bộ lâu đài của lề luật sẽ sụp đổ. Người thông luật và những Biệt phái hẳn phải ngạc nhiên về giáo huấn của Chúa Giêsu. Đối với họ, điều quan trọng là tuân giữ lề luật,  chứ không phải sống theo tinh thần của lề luật là tình thương: họ sẵn sàng loại bỏ và khước từ tình thương đối với tha nhân để trung thành với lề luật, cụ thể là giữ ngày Hưu lễ. Chúa Giêsu gọi giáo huấn của Ngài là một điều răn mới : mới vì Ngài đặt tình thương vào trọng tâm của lề luật, mới vì Ngài xem tình yêu đối với tha nhân như một thể hiện của lòng mến Chúa (Mỗi ngày một tin vui).

 

          5. Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi của Đạo. Đi Đạo, sống Đạo, giữ Đạo, xét cho cùng chính là yêu thương, không yêu thương thì con người chỉ còn là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm tắt tất cả thành một công thức :”Thiên Chúa là tình yêu”, và ngài dẫn giải :”Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Đấng nó không thấy”.

 

          6. Trong thực hành, chúng ta không muốn đưa ra những câu định nghĩa trừu tượng về tình yêu Chúa và tha nhân mà chỉ muốn đi vào thực hành trong cuộc sống.

          Chúng ta có thể nhận định về câu nói của Đức cha Arthur Tonne :”Yêu Chúa là gì ? Yêu mến Chúa  là “ao ước làm vui lòng Chúa”. Lệnh truyền của Chúa Kitô có thể đọc là :”Con hãy ao ước làm vui lòng Chúa”.

          Yêu tha nhân có nghĩa là “ao ước làm điều thiện hảo cho họ”. Chúng ta không thể “làm điều thiện hảo cho Chúa, nhưng chúng ta có thể ao ước làm vui lòng Ngài. Chúng ta có thể  và phải làm điều thiện hảo cho tha nhân.  Một trong những cách tốt nhất để làm vui lòng Chúa là làm điều thiện hảo cho tha nhân. Đã có những lần Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng ai yêu mến Chúa thì tuân giữ giới răn của Ngài. Cách đây vài Chúa nhật, chúng ta đã thấy rằng giới răn của Chúa là bằng chứng tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Tuân giữ điều răn Chúa là bằng chứng tình yêu của chúng ta  đối với Ngài (Gm Arthtur Tonne, Bài giảng Tin Mừng, năm A, tr 130).

 

          7. Truyện : Đi tìm chén thánh.

          Có một câu chuyện huyền thoại về “người Samaritanô tốt lành” có tên là Sir Launfal, một hiệp sĩ trẻ hào hùng. Một ngày nọ chàng hiệp sĩ lên đường đi truy tìm chiếc chén thánh mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong bữa Tiệc ly.  Khi chàng bắt đầu rời khỏi thành phố ra đi  thì gặp ngay một người cùi đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Chạnh lòng thương, chàng đã giúp cho người cùi một đồng, rồi ra đi. Chàng tìm mãi chẳng thấy chén thánh đâu ! Thất bại, chàng hiệp sĩ bèn lên ngựa quay trở về nhà. Lúc này chàng đã già hơn xưa sau cuộc hành trình  tìm kiếm thật gian khổ.

          Còn người cùi vẫn ngồi ăn xin ở chỗ cũ. Chàng hiệp sĩ chẳng còn tiền bạc gì nữa để cho, anh chia sẻ với người cùi mảnh bánh vụn còn lại trong cuộc đời. Ăn xong, họ chẳng có gì để uống. Chàng hiệp sĩ bèn lấy cái tô của người cùi  đi tìm nước cho người cùi uống. Khi chàng bưng tô nước quay trở lại đưa cho người cùi thì người cùi đã biến thành Chúa Giêsu và tô nước hóa nên chén thánh mà chàng đang đi tìm kiếm.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt