Thứ tư tuần 20 thường niên
Dụ ngôn thợ làm vườn
nho
(Mt
20,1-16a)
1. Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm đi mướn người
làm vườn nho mình. Ông định cho họ mỗi ngày một quan tiền. Và họ làm việc. Đến
9 giờ và đến trưa ông thấy còn có người ở không, nên cũng gọi họ vào làm. Chiều
đến, ông phát lương cho họ : Mấy người vào làm sau hết được lãnh mỗi người một
quan tiền. Thấy vậy, những người vào làm trước hết tưởng mình sẽ được lãnh nhiều
hơn, nhưng rốt cuộc họ cũng chỉ lành được một quan tiền, nên họ phàn nàn trách
móc ông chủ bất công. Ông liền nói với họ : các anh đã đồng ý giá mỗi ngày một
quan tiền, tôi đã trả đủ cho các anh. Còn những người vào làm sau, tôi cũng cho
bằng các anh là tùy lòng tốt của tôi.
2. Ý nghĩa dụ ngôn.
Trước hết, dụ ngôn muốn nói lên lòng quảng đại của Thiên
Chúa (ông chủ) đối với dân ngoại, những kẻ được gọi vào Hội thánh (vườn nho)
vào giờ sau hết (17 giờ). Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho họ mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái, những
kẻ đã được gọi từ đầu (họ được thuê từ sáng).
Cách đối xử khoan dung và quảng đại này làm cho những người
Do thái bực bội vì họ tưởng bị thiệt thòi, thua kém dân ngoại. Được chọn trước
dân ngoại, người Do thái đã tưởng rằng Thiên Chúa phải mắc nợ họ. Những thái độ
của những người cằn nhằn ông chủ cũng giống
như thái độ của người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện.
Chuyện này còn ngụ ý rằng Thiên Chúa làm gì cho ai, cũng là
bởi tình thương mà thôi :”Tôi muốn cho người vào làm sau chót được bằng bạn...”,
và người ta phải tôn trọng trong cách xử sự của Người :”Chẳng lẽ tôi lại không
có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao” ? Kẻ không chấp nhận việc người tỏ tình thương như thế, kẻ ấy mắc
tội ghen tỵ. Khi người ta đặt nặng các ơn ban hơn là tình yêu ban ơn, cũng là
hơn chính Đấng thương yêu, thì người ta không yêu mến mà chỉ ích kỷ thôi ! (Trần
Hữu Thành).
3. Bao Công ngày xưa nổi tiếng là vị
quan xử án công bằng, “thiết diện vô tư”,
không kiêng nể người phạm tội là ai. Cho dù đó là hoàng thân quốc thích như phò
mã Trần Thế Mỹ hay cháu quan thái sư Bàng Đức... ông đều xử rất công bằng, đúng
người đúng tội, không thiên vị một ai. Đây là sự công bằng của con người.
Sự công bằng của Thiên Chúa thì khác. Dụ ngôn ông chủ và
người làm công cho thấy rõ điều này. Trong dụ ngôn, ông chủ ám chỉ Thiên Chúa,
còn những người làm công là chúng ta. Theo lối nhìn của người trần gian, những
người vào làm từ sáng sớm sẽ được nhiều tiền hơn những người vào làm việc từ lúc 17 giờ. Nhưng Thiên Chúa không nhìn theo lối nhìn này.
Đối với Chúa, mọi người cần được thương yêu, chăm sóc, đều
có những nhu cầu cần được đáp ứng. Vì thế, Người rộng ban cho chúng ta mọi ơn
lành theo như nhu cầu chúng ta cần, chứ
không theo như cộng trạng của chúng ta.
4. Qua dụ ngôn người làm vườn nho chúng ta thấy rằng Thiên
Chúa không chỉ công bằng, vì Ngài đã trả công đúng như đã thỏa thuận nhưng còn
rất giầu lòng yêu thương (1Ga 4,16). Ngài yêu thương và quan tầm đến con người,
đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn. Hay nói đúng hơn,
Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người đều làm việc trong vườn nho của Chúa, đề
được hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Phần chúng ta, chúng ta theo Chúa không phải vì sự thỏa thuận
hay được trả công nhiều hay ít. Nhưng theo Chúa là vào làm vườn nho cho Chúa,
là tin tưởng vào sự công bằng và tình thương của Ngài. Để rồi trong đời sống
chúng ta biết cố gắng hằng ngày làm việc cho vườn nho của Chúa.
5. Muốn nên giống Chúa Kitô, chúng ta phải sống theo tinh
thần Tân Ước, không chỉ chú ý đến công bằng mà nhất là chú ý đến Bác ái. Đối với
Chúa, đức công bằng chưa đủ vì như thế
chúng ta còn đang sống trong tinh thần Cựu Ước vì Cựu Ước chưa được hoàn
hảo. Chính vì vậy mà dụ ngôn hôm nay nhắc nhở chúng ta là phải chú trọng tới Tình yêu đối với Chúa
và đối với tha nhân. Từ nay chúng ta đừng phân bì với nhau mà hãy để cho Chúa
hành động theo ý Ngài.
6. Truyện :
Cha Sở và Cha Phó.
Tại một xứ đạo kia số dân khá đông, có cha Sở và Cha Phó. Một
số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc
nhau. Một nhóm quí Cha Sở, nhóm kia quí Cha Phó, vì ngài còn trẻ và năng nổ.
Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài :
- Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dày, đức cao, sao
cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ mình – bỏ đi công lao cha xây dựng ? Và
đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin
cha ngăn cản đi.
Cha Sở bình tĩnh trả lời :
- Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn ?
- Cha Phó.
Cha Sở chậm rải nói tiếp :
- Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều,
và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp ngài bằng
cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt
đẹp, sao các ông bà so bì với tôi – một người đáng lẽ đã về hưu ?
Nghe Cha Sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế :
- Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn cả
Cha Phó bây giờ.
Cha Sở nói tiếp :
- Và tôi cũng đã được người ta quí mến, ủng hộ. Và biết đâu
còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn
hạ thấp.
Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở “đức cao” và cảm thấy
tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá ! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều.
Lm
Giuse Đinh Lập LIễm
Đà
Lạt