Thứ tư tuần 21 thường niên

Chúa vẫn than trách luật sĩ và biệt phái

(Mt 23,27-32)

 

          1. Chúa Giêsu tiếp tục lên án thói giả hình của luật sĩ và biệt phái trong việc xây cất mồ mả cho các tiên tri mà cha ông họ đã giết chết. Những lối đạo đức giả hình của các luật sĩ và biệt phái làm cho Đức Giêsu bực mình.  Người gọi đó là mồ mả tô vôi. Thật tội nghiệp khi họ cứ cố gắng tô trát cái vỏ bên ngoài để che giấu tâm địa bên trong. Càng che giấu họ càng bị Chúa phát hiện và lên án gắt gao.

 

          2. Những mồ mả tô vôi (cc 27-28).

          “Khốn... các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp nhưng bên trong thì đầy dẫy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế...” : Chúa Giêsu dùng hình ảnh những nấm mồ là do thói quen ở Giêrusalem hằng năm  khi đến gần đại lễ Vượt qua, người ta quét vôi các ngôi mộ cho khách hành hương thấy rõ mà tránh  kẻo đụng vào  mà bị ô uế cả tuần (x.Ds 19,16). Chúa Giêsu so sánh cách sống đạo hình thức với những nấm mồ tô vôi ấy. Sự thối nát của thói giả hình và sự thiếu trung tín với tinh thần luật đã bị họ che đậy bằng cái vỏ xinh đẹp là “công chính trước mặt thiên hạ (Carôlô).

 

          3. Xây mồ cho các tiên tri (cc 29-32).

          “Khốn... các ngươi xây mồ cho các tiên tri và tô mả cho những người công chính...” : Một mặt họ xây mồ cho các tiên tri để tỏ ra phản đối chuyện tổ tiên mình đã sát hại các vị ấy, nhưng mặt khác họ căm thù chính Chúa Giêsu là Đấng mà các tiên tri đã loan báo. Như thế,  chẳng những “cha nào con nấy”, mà họ còn tệ hơn tổ tiên họ nữa. Việc làm của họ “đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên” họ  vì tổ tiên họ  chỉ giết các tiên tri, còn họ thì sẽ giết chính Đấng Messia (CGKPV).

 

          4. Ca dao Việt nam có câu :

                                                Ngoài miệng thì nói nam mô

                                          Trong lòng thì chứa một bồ dao găm.

          Chúa Giêsu dùng hình ảnh nấm mồ tô vôi nhằm lên án những kẻ có lối sống đạo hình thức. Nơi những con người này, sự thối nát của thói giả hình và sự thiếu trung tín với lề luật đã lên đến đỉnh điểm. Họ che đậy sự xấu xa của mình và đánh lừa mọi người bằng một cái vỏ đạo đức xinh đẹp  để được gọi là người “công chính trước mặt thiên hạ”.

          Qua việc vạch trần sự giả hình của các luật sĩ và biệt phái thời đó, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở người Kitô hữu trong mọi thi đại phải tránh xa thói giả hình, đồng thời phải biết cảnh tỉnh và cải hóa tâm hồn. Nếu không, họ cũng sẽ phải lãnh nhận số phận bi thảm : sẽ bị chặt đi và ném vào lửa đời đời.

 

          5. Nhìn về kinh nghiệm sống của mình, chúng ta có thể cảm nghiệm được tầm mức của những lời kết án của Chúa Giêsu không phải như chuyện đã qua của thời quá khứ, nhưng có liên quan đến mỗi người chúng ta hôm nay, chúng ta có thể che giấu những tội lỗi tật xấu của mình bằng những tấm kịch cho qua lúc. Chỉ có phương thế duy nhất để tránh những lời kết án trên của Chúa là sự thật lòng ăn năn trở lại, là khiêm tốn và can đảm bỏ đi những mặt nạ mà chúng ta quen mang từ trước tới nay. Chúng ta đừng trở thành  những người chỉ có danh hiệu là Kitô hữu mà kỳ thực là những con người xa lìa Chúa. Chúng ta đừng sống theo ảo tưởng của những lời khen tặng của kẻ khác mà tưởng mình là kẻ chi chi,  nhưng hãy ý thức rõ về thân phận tội lỗi của mình và khiêm tốn xin Chúa thứ tha (R.Verritas)

 

          6. Truyện : Gương sống đạo thực sư.

          Giữa khu rừng âm u có tu sĩ nổi tiếng thánh thiện và có nhân đức hiền lành, dịu dàng lạ lùng.

          Một người ngạo ngược nghe nói tu sĩ hiền lành lạ lùng như vậy, y không tin và nói : tất cả những cái đó chỉ là giả tạo và tôi sẽ làm cho cái màn giả hình đó phải rơi xuống.

          Hôm sau, từ sáng sớm tinh sương, y đã lên đường đến chỗ ẩn sĩ ở. Nhà tu hành có nuôi một con chó để ban đêm, nếu có thú vật nào đến để phá hoại rau cỏ thì nó sủa đánh thức chủ dậy. Hôm đó, khi thấy người lạ đến, con chó con chạy ra sủa. Ẩn sĩ ở trong nhà bước ra chào và đón tiếp vị khách lạ. Nhưng như để chọc giận thánh nhân, người hung ngược kia nắm ngay lấy con chó mà quật chết. Thấy vậy,  ẩn sĩ quỳ xuống dưới chân  kẻ bạo tàn và nói :

          - Bạn ơi, chính tôi đã nuôi con chó này, và tôi rất tiếc  vì nó đã làm cho bạn nổi giận.

          Tức bực vì chưa đạt được tới mục đích của mình, kẻ bạo ngược trong thấy  trong vườn có những cây rau và hoa đẹp chính tay ẩn sĩ đã trồng, lại xông vào đập phá và quăng vất lung tung, nhưng ẩn sĩ vẫn thản nhiên nhìn xem  và không hề tỏ dấu gì tức giận.

          Thấy vẫn chưa được việc gì, y càng điên tiết, trèo lên nóc nhà, dỡ mái quăng rui mè và xô đổ cả tường vách, mãi cho đến khi mỏi tay mới thôi. Song nhà tu hành vẫn bình tĩnh và đưa con mắt yêu thương nhìn  y. Thấy y mệt nhọc, mồ hôi nhễ nhãi. Đoán rằng, y cần phải uống nước, tu sĩ xách lọ đi ra giếng , múc nước mát về mời y uống.

          Trước cử chỉ thánh thiện  và nét mặt điềm đạm lạ thường ấy, chàng hung bạo mà trái tim mãi đến nay  vẫn trơ như đá, bắt đầu cảm thấy hổ thẹn và hối tiếc. Y rất cảm phục nhân đức của người tu hành và đến xin lỗi :

          - Thưa cha, xin cha tha thứ  cho những việc điên rồ con vừa mới làm, bây giờ con nhìn thấy có Chúa ở trong cha, và con đây thật là một đứa con tội lỗi và bạo ngược. Cha đã lấy sự lành mà báo sự dữ : chỉ có Chúa mới khiến được lòng người ta ra như thế mà thôi.

          Từ đó, kẻ vô nhân đạo kia bắt đầu cải tà qui chính, rồi xin ở lại làm đầy tớ nhà tu hành để được sống gần tu sĩ cũng như để bắt chước nhân đức của ngài.

 

                                                                              Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                              Đà Lạt