Thứ ba tuần 22 thường niên
Chúa chữa người bị
quỷ ám
(Lc 4,31-37)
1. Sau khi rời bỏ quê nhà Nazareth, Chúa Giêsu đi tới
Capharnaum , là thành phố nằm sát bờ biển hồ
Tibêria, hôm nay thánh Luca giới thiệu cho chúng ta sức thu hút và lời uy quyền
của Đức Giêsu. Trước lời giảng dạy của Đức Giêsu, dân chúng kinh ngạc, lạ lùng
về giáo huấn của Người. Cũng chính Lời Người có sức mạnh mà thần ô uế phải khuất
phục và ra khỏi bệnh nhân. Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa nên Lời của Người có sức
cảm hóa phi thường.
2. Tin Mừng hôm nay ghi lại phản ứng của dân thành
Capharnaum khi họ nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến việc Người xua trừ ma quỷ.
Trong khi các luật sĩ chỉ nói suông trên tòa và đặt gánh nặng lên vai người
khác, thì Chúa Giêsu cư xử hoàn toàn khác : Ngài vừa giảng dạy, vừa làm phép lạ,
vừa tỏ tình liên đới vừa chia sẻ với tất cả ưu ái, cảm thông. Sứ điệp của Ngài
không chỉ là lời tuyên bố từ tòa cao, mà là tất cả con người Ngài. Uy quyền của
Ngài phát xuất từ sự duy nhất giữa lời nói và hành động, và đó cũng chính là uy
quyền của Thiên Chúa. Ngay từ trang đầu Kinh Thánh, Thiên Chúa đã tự mạc khải
như Đấng phán một lời liền có trời đất muôn vật. Lời Thiên Chúa là lời hữu hiệu,
là lời đưa đến hành động (Mỗi ngày một tin vui).
3. Trong cách đánh giá thông thường, một người được xem là
có uy tín khi tài năng và đức độ của người đó được nhìn nhận. Lời nói của một
người có uy tín có sức thuyết phục người khác; việc làm của một người có uy tín
có thể tạo được niềm tin nơi người khác. Nói chung, nơi một người có uy tín, lời
nói và việc làm thường đi đôi với nhau,
hoặc việc làm và cuộc sống có giá trị thuyết phục và lôi kéo.
Chúa Giêsu giảng dạy
như Đấng có uy quyền là bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngải đã sống
và sống những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài lại được củng cố bởi cuộc sống
và những việc làm của Ngài. Đây chính là uy quyền mà Chúa Giêsu đã mặc cho Giáo
hội. Giáo hội chỉ thực sự thể hiện được uy quyền của Chúa Giêsu, khi Giáo hội sống
và rao giảng những gì Chúa Giêsu đã sống và rao giảng. Giáo hội chỉ thực sự thể
hiện được bộ mặt đích thực của mình, khi sống phục vụ. Càng thể hiện được bộ mặt
ấy, Giáo hội càng tỏ ra một sức mạnh có sức đạp đổ mọi thứ khí giới và xiềng
xích của sự dữ, và trở thành chỗ dựa cho mọi người.
4. Nhiều người thán phục
về những lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giêsu. Nhưng quyền uy đó không đến từ chiêu thức mị
dân của các nhà chính trị : tung tiền bạc, cho cơm bánh để mua chuộc sự ủng hộ.
Lời Chúa quả thật có sức mạnh xua đuổi
được ma quỉ. Lời Ngài phán ra bệnh nhân được chữa lành. Ngay cả khi Chúa cho
đám đông hàng nghìn người được ăn no nê từ năm chiếc bánh và hai con cá. Ngài
cũng đã rao giảng Lời Chúa cho họ, và Ngài còn cảnh báo họ đừng tìm kiếm Ngài để
chỉ có của ăn mau hư nát mà hãy đến với Ngài để lãnh nhận được Lời ban sự sống
đời đời. Quả thật, Ngài chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Lời đã sáng tạo vũ trụ
càn khôn, là Sự Thật và là Sự Sống dẫn đưa nhân loại đến với Chúa Cha là nguồn
mạch của sự sống đời đời (5 phút Lời Chúa).
5. Một lần nọ, khi đi ăn với vài người bạn ở nhà hàng, tôi
làm Dấu Thánh Giá theo thói quen. Hành động của tôi lọt vào mắt của họ. Ngay tức
khắc, họ xôn xao bàn tán và hỏi :”Bạn làm gì đó, vẽ bùa hả”? Tôi cười và đáp
:”Mình làm Dấu Thánh Giá”. Sau đó, tôi giải thích cặn kẽ ý nghĩa và giá trị cao quí của Dấu Thánh Giá.
Thế là họ hiểu ra và không bàn tán nữa. Từ đó, mỗi lần đi ăn với họ, khi tôi
làm Dấu Thánh Giá, họ im lặng tôn trọng.
Nhiều người tín hữu hôm nay xem nhẹ những kiểu tuyên xưng đức
tin đơn giản như thế. Có lẽ vì họ ngại ngùng trước cái nhìn soi mói của người
khác, hoặc sợ bị coi là lạc hậu, cổ hủ, hay mê tín, thậm chí, họ sợ bị “khen” là con chiên ngoan đạo nữa.
Tuy nhiên, với người yêu mến Thiên Chúa đích thực, việc
tuyên xưng danh Chúa lại là một niềm tự hào : Tự hào vì có Chúa trong mình, tự
hào vì là con cái Chúa (Học viện Đa Minh).
6. Truyện : Tìm người để phụng sự.
Truyền thuyết kể lại rằng : Christophe là một người có vóc
dáng cao lớn vạm vỡ. Vốn dĩ sinh ra trong một gia đình không Công giáo. Chàng
chỉ ấp ủ một hoài bão lạ lùng là tìm cho được một vị quân vương cao cả nhất để
tuyệt đối tuân lệnh và phụng sự suốt đời.
Thế rồi chàng tìm gặp được một vị vua có tiếng là oai phong lẫm liệt nhất trong vùng. Chàng
vui mừng vì ngỡ đã tìm được chủ theo ước
nguyện. Nhưng rồi không ngờ, một hôm, chàng đã vô tình bắt gặp nhà vua ấy đang
run rẩy quỳ lạy tại một đền miếu thờ quỷ
thần.
Chàng liền bỏ đi ngay
lập tức, với quyết tâm sẽ tìm được
một ma vương quỷ thần nào đó có đủ quyền phép để theo làm nô lệ. Tức khắc,
ma quỷ hiện ra và dẫn dụ chàng rảo bước khắp cánh đồng mênh mông rộng lớn.
Bất chợt, ma quỷ giáp mặt với một cây Thập Giá dựng lên sừng
sững ở một ngã tư đường ruộng theo phong
tục của người dân Công giáo vùng ấy. Ma quỷ hoảng sợ, lấm lét nhìn Thập Giá rồi
bỏ chạy mất dạng !
Chàng trai thấy vậy, liền dứt khoát từ bỏ không thèm theo
ma quỉ nữa, mà đứng lại trước Thập Giá, ngắm nhìn pho tượng Chúa Giêsu chịu
đóng đinh trên đó thật lâu, rồi chàng quyết tâm từ nay sẽ đi theo.
Tình cờ có một Linh mục quản xứ nhà quê đi qua, Ngài dừng lại,
cảm động trước lời thề nguyền ngây thơ và hồn nhiên của một chàng trai vạm vỡ
to cao như thế, cha bước lại gần và bắt chuyện hỏi han sự tình.
Sau một thời gian ngắn, chàng trai chất phác mộc mạc ấy đã
xin cha cho học đạo và chịu bí tích Thánh tẩy. Sau này, Christophe đã phụng sự
Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết trí khôn, để rồi khi cuộc bách hại đạo tràn đến,
chàng đã được phúc chết vì đạo để chứng minh cho mối tình thắm thiết và thủy
chung của mình với Thiên Chúa.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt