Thứ hai tuần 22 thường niên
Chúa Giêsu về thăm
quê hương
(Lc
4,16-30)
1. Đức Giêsu về thăm quê hương với tình cảm thân thiện,
chân thành; Người vào hội đường chia sẻ Kinh Thánh với anh em đồng hương của
Người. Qua đoạn sách tiên tri Isaia, Ngài thẳng thắn tuyên bố : lời sấm này đã ứng
nghiệm nơi Người. Dân thành Nazareth rất
thán phục ân sủng và sự khôn ngoan của Đức Giêsu với lời tuyên bố kia. Nhưng thực
tế họ khó chấp nhận vì thân thế Người quá bình thường, hơn nữa khó do điều khiển
được Người làm những điều họ mong muốn, họ đầy căm phẫn và định thủ tiêu Người.
2. Người đời vẫn nói : “Không
nơi nào đẹp bằng quê hương” hoặc “Ta
về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Khi nói những điều đó là người ta muốn chứng
minh rằng : bất cứ ai cũng yêu mến quê hương của mình, yêu nơi sinh trưởng, nơi
chôn nhau cắt rốn của mình. Đây là xét về tình cảm cá nhân mỗi người dành cho
quê hương.
Còn về chính quê hương, đối lại với cá nhân, tức là tình cảm
của người đồng hương dành cho cá nhân, thì phải chấp nhận chân lý bất hủ của
Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng :”Không một
tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Đây cũng là một quan niệm
cố hữu bình dân :”Bụt nhà không thiêng”. Chúa Giêsu đã tuyên bố chân lý
bất hủ này về chính bản thân Ngài, tại quê hương Nazareth của Ngài (Phạm Văn
Phượng).
3. Sau hơn một năm đi giảng dạy nhiều nơi, làm nhiều phép lạ,
danh tiếng Ngài đã vang đi khắp nơi và về tới cả quê hương mình, Chúa Giêsu trở
về thăm quê hương là Nazareth. Theo thói quen Ngài vào hội đường cầu nguyện và
nghe Sách Thánh. Ngài được mời đọc Sách Thánh và mở đúng đoạn sách tiên tri
Isaia nói về vai trò và sứ mạng của người Tôi tớ Thiên Chúa...
Ngài gấp sách lại và tuyên bố :”Hôm nay
đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
Theo câu nói đó, Chúa Giêsu muốn tự giới thiệu mình một
cách xa xa : Ngài là ai, là người được
Thiên Chúa sai đến, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế mà mọi người đang trông
đợi. Ngài hơn cả tiên tri Êlia và Elisê. Nghe Chúa nói vậy dân làng Nazareth hết
sức tức giận, kéo Ngài ra khỏi hội đường, đưa Ngài lên núi để xô Ngài xuống vực
thẳm cho chết đi, nhưng giờ Ngài chưa tới, nên họ không làm gì được Ngài.
4. Tuy tỏ ra tán
thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Đức Giêsu, nhưng người
Nazareth chỉ nhìn thấy một phương diện của Đức Giêsu là con ông Giuse, họ không
thể nhận ra nơi Người, vị tiên tri cuối cùng mà Is 61 đã ám chỉ, tức là họ
không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, bởi lẽ họ đã có thành kiến với Ngài.
Thánh Luca đã mô tả thái độ thành kiến của dân chúng bằng những lời lẽ như sau
:”Ông này không phải là con ông Giuse đó
sao”. Câu hỏi đó chứng tỏ bắt đầu họ
hoài nghi về Chúa Giêsu. Câu hỏi đó ngụ ý nói rằng : Tưởng ai chứ ông đó thì
chúng ta quá biết rồi, vì ông ấy ở cùng xóm với chúng ta, con ông Giuse hàng
xóm, chứ ai đâu mà lạ.
Hiểu rõ tâm trạng mù tối của dân nơi quê hương, Đức Giêsu
đã diễn tả tâm tình ấy bằng kiểu nói vấn nạn : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy
mình... Đòi hỏi này sẽ được lặp lại ở chân thánh giá rằng :”Nếu ông là Đấng
Messia thì hãy tự cứu mình đi”. Đáp lại yêu sách này, Đức Giêsu trả lời bằng một
câu tục ngữ :”Không một tiên tri nào được
chấp nhận nơi quê hương mình”. Ý tưởng này cũng đồng nghĩa :”Bụt nhà không thiêng”.
5. Thành kiến được định nghĩa là một
suy nghĩ, một cái nhìn khó thay đổi về việc gì đó. Khăng khăng bảo vệ quan điểm
của mình “như đúng rồi” lại còn úp lên đó cái khung cứng nhắc của cảm tính, người
thành kiến sẽ không thể nhìn người khác như họ là, mà trái lại sẽ đánh giá theo
kiểu :”Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét
nhau quả bồ hòn cũng méo”. Chẳng những
thế, người thành kiến lại thích đeo cặp kính đen để chỉ nhìn thấy phương diện xấu
xa, bi quan, tiêu cực của sự việc. Những người đồng hương đương thời với Đức
Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt thành kiến như thế. Đối vơi họ thì gà thì đẻ ra
gà chứ không thể đẻ ra công được. Với cái nhìn thành kiến, họ không thể nào nhận
ra Đức Giêsu mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được
(5 phút Lời Chúa).
6. Truyện :
Tránh thành kiến với người khác.
Một hôm cậu bé Tagore làm một bài thơ và đưa lên cho cha
xem. Ông thân sinh tỏ vẻ khinh và nói :”Dở lắm”.
Hôm sau, cậu bé lại đem cho cha một sáng tác mới. Ông thân
sinh cũng bỉu môi nói :”Thơ mày là thơ thẩn”.
Tagore mới nghĩ ra kế sách. Cậu đem bài thơ của mình mới
làm , chép lại thật kỹ và ghi xuất xứ là
trích trong cuốn thơ cổ. Cậu
ta lại quên đề tên của cuốn thơ cổ đó. Nhưng lần này ông thân sinh đọc xong, mắt sáng rực lên,
vỗ đùi khen :”Tuyệt ! Tuyệt” ! Rồi đem khoe tíu tít với con trai lớn của ông hiện đang làm chủ
nhiệm một tờ báo văn học :”Ba đã đọc rất nhiều thơ cổ, nhưng chưa thấy bài nào
hay như bài này”.
Ông con trai chủ nhiệm đọc xong, cũng hết mình đồng ý, xoa
tay khen ngợi là hay đáo để và muốn trích đăng lên mặt báo của ông... Bấy giờ ông
anh cũng như thân sinh đòi Tagore phải đem cuốn thơ cổ kia để đối chiếu chứng minh và cũng dễ bề ghi xuất xứ khi đăng
báo.
Đến đây cậu chuyện mới vỡ lẽ ra : Có ai ngờ trên đây là một
cách dàn cảnh bịa đặt của cậu
Tagore. Ông thân sinh giận
sôi máu lên. Nhưng rồi cũng phải nhìn con với ánh mắt thán phục và hối hận cho
thái độ thành kiến của mình.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt