Thứ sáu tuần 22 thường niên
Tranh luận về việc
ăn chay
(Lc
5,33-39)
1. Đức Giêsu bị kêu trách vì môn đệ Người cứ ăn uống. Việc
ăn chay, cầu nguyện theo cái nhìn của biệt phái, chứng tỏ mình là con người
thánh thiện, đạo đức. Vì các môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay nên họ đã đặt vấn
đề với Người.
Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của việc ăn chay, cũng
không trách việc ăn uống. Ăn chay hay ăn uống đúng lúc thì mới hợp lý. Các môn
đệ của Chúa cũng sẽ ăn chay khi Người là chàng rể được cất đi. Còn bây giờ, Người
còn ở với họ, niềm vui đầy tràn sao bắt họ ăn chay ?
2. Theo luật của người Do thái thì buộc mọi người phải giữ
chay những ngày quốc tang và những ngày
sám hối, tuy vậy, những người Do thái đạo đức như các biệt phái và môn đệ của
Gioan, muốn noi gương đời sống khắc khổ của thầy mình, còn giữ chay một số ngày
khác. Nhóm biệt phái còn ăn chay ngày thứ 2 và thứ 5 mùa thu, nếu trời không
mưa. Những người sốt sắng cũng ăn chay vào các ngày đó quanh năm (Lc 18,22).
3. Lời Chúa hôm nay nói đến những người luật sĩ và biệt
phái chất vấn Chúa Giêsu về các môn đệ của Ngài không ăn chay và cầu nguyện.
Theo quan niệm Do thái thời đó, mục đích của việc ăn chay là để mong đợi Đấng Cứu
Thế đến. Thế nhưng, những người biệt phái và các môn đệ của Gioan chỉ biết ăn
chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Họ ăn chay là để lôi kéo sự
thán phục của thiên hạ. Đó là điều Chúa Giêsu đã khiển trách họ.
Chúa Giêsu đã dựa vào mục đích việc ăn chay của người Do
thái để nói đến việc miễn chuẩn ăn chay:”Chẳng
lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ”(Lc
5,34). Hay nói đúng hơn, Chúa Giêsu muốn cho mọi người nhận ra rằng : Ngài
chính là Đấng Cứu Thế và họ không cần mong đợi gì nữa. Giờ đây là thời của niềm
vui, nên con người không còn phải chay tịnh
với vẻ mặt ủ rũ héo tàn, nhưng phải vui mừng vì Chúa đã đến.
Và để giải thích cho điều Ngài dạy, Chúa Giêsu đã đưa hai dụ
ngôn sự hiện diện của chàng rể trong
đám cưới và dụ ngôn chiếc áo mới và bình rượu mới.
4. Trước hết, Ngài nói đến sự hiện diện của chàng rể : bao lâu chàng rể còn đó, thì việc chay
tịnh phải được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong
đợi Đấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi đó. Gioan Tẩy Giả đã
lấy chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và cũng như các môn đệ
của ông. Như vậy, khi miễn chuẩn cho các môn đệ của Ngài khỏi phải chay tịnh,
Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng, Ngài chính là chàng rể, là Đấng Cứu Thế
mà họ mong đợi, vì thế mà họ không cần phải chay tịnh để mong chờ nữa. Thời Cứu
Thế đã đến rồi. Con người không cần phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng
hoan hỉ vì những gì họ mong đợi bây giờ đã được toại nguyện rồi.
5. Tiếp theo là dụ ngôn về chiếc áo mới và bình rượu mới.
Khi nói dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn cắt nghĩa cho mọi người
hiểu, “lý do” tại sao Chúa không bắt các môn đệ của Ngài phải giữ
chay. Chúa muốn cho các môn đệ khi sống trong thời đại Cứu Thế thì phải sống
theo tinh thần mới. Chúa bảo :”Không nên
lấy áo cũ mà vá áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ” (Lc 5,37). Nói
thế Chúa không có ý nói cái mới thì
đương nhiên tốt hơn cái cũ. Ở đây rõ rệt Ngài không có ý so sánh mà chỉ có ý
nói rằng, lối sống với tinh thần mới và lối sống với tinh thần cũ không thể
tương hợp với nhau.
6. Truyện :
Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ.
“Những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng :”Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện,
môn đệ người biệt phái cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống” (Lc 5,33).
Cổ nhân chúng ta và các
nhà khôn ngoan thường dạy người ta cách cư xử ở đời là :”Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”: hãy trách mình trước, rồi trách người
sau. Hôm nay Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta cách cư xử với nhau như vậy :
Nếu cha giảng lâu quá 10 phút thì họ bảo cha chỉ thao thao
bất tuyệt.
Nếu cha nói về mầu nhiệm Thiên Chúa thì họ bảo cha nói trên
mây trên gió.
Nếu cha đề cập đến các vấn đề xã hội, cha sẽ bị kết án là
khuynh tả.
Nếu cha đi làm việc ở nhà máy, họ nghĩ ngay là vì cha không
có việc làm.
Nếu cha ở lại trong giáo xứ, có người sẽ nói cha xa rời quần chúng, cắt liên lạc với thế
gian.
Nếu cha hay mỉm cười : cha quá dễ dãi !
Nếu vì đãng trí hay bận tâm, cha không nhìn thấy, người nào
đó sẽ nói : cha khinh người !
Nếu cha còn trẻ : cha thiếu kinh nghiệm !
Nếu cha có tuổi : cha nên về hưu thì vừa !
Giêsu ơi ! Không thua gì các luật sĩ và biệt phái, con vẫn
thường nhìn anh em con bằng con mắt dò xét, khe khắt và hẹp hòi. Con luôn muốn
họ phải như con nghĩ chứ không được như họ là. Nếu con cảm thấy thật khó sống với
họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin cho con nhìn với
đôi mắt của Chúa : nhìn và yêu (Hosanna).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt