Thứ tư tuần 23 thường niên

Các mối phúc thật

(Lc 6,20-26)

 

          1. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Luca nêu lên bốn mối phúc và bốn mối họa như một lời báo trước cuộc phán xét của Đức Giêsu trong ngày cánh chung. Bốn mối phúc như là  những đòi buộc của Chúa  đối với các môn đệ chân chính. Bốn mối họa không phải là lời nguyền rủa nhưng là lời khuyến cáo và tha thiết kêu gọi thống hối ăn năn. Chúng ta đã sống thế nào trước lời nhắn nhủ chân thành của Chúa ?

 

          2. Bài giảng được kể là HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI trong Tin Mừng Matthêu kể ra 8 cái phúc (Bát phúc), hôm nay đến lượt Tin Mừng Luca thu lại chỉ còn 4 cái phúc và  4 cái khốn. Theo Matthêu, đây là bài giảng trên núi, bao gồm 8 mối phúc thật, nhấn mạnh đến sự “nghèo khó tâm linh”, sự đói khát công lý, sự đau khổ nội tâm :”Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Còn Luca, đây là bài giảng ở chỗ đất bằng, trình bấy 4 lời chúc phúc kèm theo 4 cái khốn, như những phản đề đối chiếu  dành cho người nghèo và kẻ giầu, người đói khát và kẻ no đầy. Đó là hai thành phần xã hội, hai giai cấp đối chọi nhau mà Tin Mừng muốn mô tả và để cho người tín hữu lựa chọn.

 

          3. Khi tuyên bố :”Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng  phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dùng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố :”Phúc cho những kẻ khó nghèo”, Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người (Mỗi ngày một tin vui).

 

          4. “Phúc cho anh em là những người nghèo khó, vì Nước Trời là của anh em (Lc 6,20).

          Xóa đói giảm nghèo là mục tiêu chung của cả toàn cầu, đặc biệt với các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta. Nghèo đói thường đi với cực khổ và cũng thường gắn liền với tự ti mặc cảm.  Do đó, đối với nhiều người, coi nghèo khó là hạnh phúc như lời  Đức Giêsu  thật là điều nghịch lý ! Thật ra, Chúa không đề cao tình trạng khố rách áo ôm hay chạy ăn từng bữa,  nhưng cổ võ cho lối sống phó thác cậy trông nơi Thiên Chúa, trong tinh thần liên đới với người lân cận. Nghèo khó mà Đức Giêsu muốn dạy chúng ta là tinh thần nghèo khó, lấy Chúa làm nền tảng của mọi giá trị,  cùng đích cho cuộc đời mình, chứ không dựa vào của cải. Đức Giêsu đã sống triệt để mối phúc nghèo khó qua cuộc sống hoàn toàn phó thác nơi Cha :”Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”(5 phút Lời Chúa).

 

          5. Vậy hạnh phúc ở đâu ?

          “Ermann Coen được mệnh danh là thánh Augustinô của thời đại chúng ta. Ngài là một người Do thái rất giầu có. Thời trai trẻ, ngài chỉ biết ăn chơi và chạy theo thế gian. Sự nhàm chán  cứ đè nặng trên vai ngài. Ngày kia, ngài từ chối tất cả và xin vào tu viện. Trong bài giảng Mùa vọng tại Đền thờ Đức Bà ở Paris, ngài nói :

           Tôi đã đi khắp cả mặt đất. Tôi đã yêu thế gian. Tôi đã biết thế giới và tôi đã học được một điều

          không có hạnh phúc ở trên thế gian này. Tôi đã tìm nó ở những nơi tôi tưởng có nó : ở những nụ

          cười, ở những cuộc giải trí, ở những ngày lễ, ở vàng bạc, ở sắc đẹp... Ôi ! lạy Chúa , những điều

          con mơ ước ấy con đã tìm ở đâu ? Và con đã chỉ tìm được nó trong Chúa và tình yêu Chúa”.

 

 

          6. Truyện :  Hạnh phúc của dân làng Aman.

          Không có dấu hiệu bên ngoài nào chứng tỏ dân làng Aman giầu có. Nhưng niềm vui tươi nở trên mặt, chứng tỏ cái nghèo vật chất không cản họ sống hạnh phúc thực sự.

          Phải, tất cả mọi người trong làng đánh cá Aman này đều sống trong yên vui.

          Nhưng rồi một ngày kia, hai anh em đánh cá trong làng là Sôpôt và Sôpa lưới lên một thùng thật nặng. Khi thuyền về đến bờ, họ mở thùng ra và rất đỗi ngạc nhiên, khi thấy thùng chứa đầy những viên ngọc quí. Hai anh em không biết làm gì với kho tàng, bèn đem nhau đến hỏi ý kiến nhà hiền triết Akian sống gần bên. Sôpốt hỏi :

          - Thưa ngài, chúng tôi phải làm gì với những hạt ngọc này ? Số lượng đủ để phân phát  cho dân trong làng chúng tôi, mỗi người một hột và như thế mỗi người chúng tôi sẽ trở thành giầu có.

          Nghe thế, nhà hiền triết trả lời cách khô khan :

          - Hãy nên đổ lại xuống biển.

 

                                                                               Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                               Đà Lạt