Thứ ba tuần 24 thường niên
Con trai bà góa ở
Naim sống lại
(Lc
7,11-17)
1. Vì tình yêu thương mà Đức Giêsu đem lại niềm an ủi cho bà góa thành Naim.
Ngài không đành lòng nhìn bà đau khổ nên đã cho con trai bà sống lại. Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin
Chúa giúp, Ngài ra tay cứu giúp chỉ vì Ngài động lòng thương. Ngài chạnh lòng
thương trước cảnh mẹ góa con côi, tre già khóc măng non. Phép lạ cho thấy Đức
Giêsu luôn quan tâm đến nỗi khổ của chúng ta. Ngài luôn hiện diện, nâng đỡ, ủi
an và cứu giúp chúng ta.
2. Bà góa trong Tin Mừng hôm nay đau khổ biết bao : một
đàng chồng đã chết rồi, đàng khác con trai duy nhất cũng chết theo. Xã hội thời
đó lại càng chất thêm nỗi khổ cho phụ nữ neo đơn như bà. Không có chồng, không
có con trai, pháp luật không cho bà bảo lãnh bản thân và tài sản, bà sống như
người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội.
Trong cảnh tang thương đó, bà đau buồn khóc lóc thảm thiết,
đến nỗi rất đông dân thành đã đi tiễn con của bà, thì Đức Giêsu cũng xuất hiện
đứng bên quan tài. Với quyền năng của Thiên Chúa đầy lòng thương xót những người
cùng khổ như bà góa này, và với con tim nhạy bén trước đau khổ của loài người,
Đức Giêsu đã chạnh lòng thương, khẽ an ủi bà :”Bà đừng khóc nữa”, rồi sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại.
Đức Giêsu nói :”Này người thanh niên, ta bảo
anh : Hãy chỗi dậy” ! Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu
trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh ngạc và tôn vinh Thiên Chúa.
3. “Bà góa” là một trong những thành phần được Đức Giêsu ưu
đãi và đặc biệt dành nhiều tình cảm nhất,
vì họ thuộc nhóm những người nghèo hèn, cùng khốn của xã hội. Họ là đối tượng
được Đức Giêsu quan tâm. Ở đây, trước nỗi đớn đau khốn cùng của bà góa thành
Naim về cái chết của đứa con duy nhất. Đức Giêsu đã chạnh lòng thương. Ngài
không trì hoãn. Ngài đã đến an ủi bà và
làm tan đi nỗi đau nơi bà bằng cách cho cậu con trai của bà sống lại. Không chỉ
con của bà được sống lại, tâm hồn của bà
và của mọi người chứng kiến sự sống lại này cũng được sống lại, niềm tin
của họ vào Thiên Chúa được nảy sinh. “Bà đừng khóc nữa”. Phải, rất cần một thái
độ cậy trông hơn là thái độ than vãn trong khi chờ lòng thương xót của Chúa (5
phút Lời Chúa).
4. Trong Tông thư gửi
những người sống đời tận hiến, Đức Thánh Cha Phanxicô mời họ ra khỏi chính mình và đi về những vùng biên của
cuộc đời, về phía những người đang mất hết hy vọng, những gia đình đang gặp khó
khăn, các bạn trẻ đang gặp ngõ cụt trước tương lai và những người già bệnh tật
đang bị loại trừ.
Đứng trước sự đau khổ của bà góa thành Naim, Đức Giêsu đã
chạnh lòng thương và ra tay làm phép lạ cho anh con trai duy nhất của bà sống lại.
Người đã đi bước trước để xoa dịu và cất đi sự đau khổ của bà.
Ngày hôm nay, xã hội tuy phát triển về kinh tế, thông
tin... nhưng con người càng ngày càng dửng dưng, vô cảm với nhau. Là Kitô hữu,
chúng ta được mời gọi sống cảm thương trước nỗi đau của người khác. Khởi đi từ
việc thương cảm, chúng ta thực thi những hành động bác ái cụ thể để nâng đỡ, ủi
an những người đau khổ đang cần sự giúp đỡ (Học viện Đa Minh).
5. Bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta phải biết thông cảm
với người khác. Đừng ai sống trơ trơ như một hòn đảo giữa đại dương (theo
Thomas Merton), một mình mình biết, một mình mình hay, nhưng hãy biết tìm đến với
nhau, biết chia vui sẻ buồn với nhau như lời thánh Phaolô đã khuyên bảo :”Hãy vui cùng kẻ vui, hãy khóc cùng kẻ
khóc”(Rm 12,15).
Con người không thể sống trơ trơ như đá. Con vật còn biết
thương nhau, chia sẻ với nhau, huống chi là con người. Người Việt nam chúng ta
đã có kinh nghiệm về vấn đề này nên đã nói :
Một con ngựa đau cả tầu chê cỏ (Tục ngữ)
Theo gương Đức Giêsu, chúng ta hãy tập cho mình biết đi ra
khỏi mình, đừng bao giờ co cụm lại nơi mình. Hãy biết đi đến với người khác.
Mang lấy cái tâm tình của người khác, nghĩa là hãy học biết thông cảm.
6. Truyện : Biết cảm thông và chia sẻ.
Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường đào tạo nghiệp
vụ y tá, giảng viên cho chúng tôi làm một việc kiểm tra về kiến thức phổ thông.
Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ nên dễ dàng trả lời mọi
câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối “Chị tạp vụ ở trường tên là gì”? Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui.
Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng
50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia chứ ? Tôi nộp
bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.
Trước khi tan học, một sinh viên đứng lên hỏi giảng viên về
cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa làm. Giảng viên bộ môn trả lời
:
- Tất nhiên là có tính điểm. Trong mọi ngành nghề, các anh chị phải luôn gặp
gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ
đáng được các anh chị quan tâm chú ý đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm
cho họ chỉ là một lời chào hỏi và một nụ cười.
Tôi đã không quên bài học đó trong suốt cuộc đời mình. Tôi cũng đã biết được tên chị tạp vụ
trong trường : Chị tên là Dorothy.
Vâng, chúng ta hãy tập cho mình một thói quen biết cảm
thông và chia sẻ. Một trái tim biết cảm thông và chia sẻ là trái tim của con
người.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt