Thứ bảy tuần 24 thường niên
Dụ ngôn người gieo
giống
(Lc
8,4-15)
1. Khi đi truyền giáo, Đức Giêsu đi rao giảng về Nước Thiên
Chúa hay Nước Trời. Đây là những ý tưởng quá trừu tượng mà thính giả phần lớn
là dân quê, ít học, ngay các Tông đồ nồng cốt cũng ở trong tình trạng đó. Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo lúa để
nói về hạt giống Lời Chúa. Theo đó, Lời Chúa như hạt giống được gieo vào lòng mọi
người để có thể phát triển và sinh hoa kết quả tùy theo thái độ đón nhận của từng
người : có người không chấp nhận, có người chấp nhận với thái độ ơ hờ lạnh nhạt,
có người đón nhận với lòng thành để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào gấp
30, 60 hay 100 lần.
2. Để dễ hiểu dụ ngôn này,
chúng ta cần biết phương pháp gieo giống của người Do thái thời Đức Giêsu.Theo
kỹ thuật canh tác thông thường, người nông dân cầy xới đất trước, rồi mới gieo
vãi hạt giống. Nhưng vào thời Đức Giêsu, người nông dân Palestina xem ra đảo
ngược phương pháp canh tác ấy khi họ gieo vãi rồi mới cầy xới. Với kỹ thuật
canh tác này dĩ nhiên người nông dân xem
ra không nhọc công nhưng lại phí phạm rất nhiều hạt giống.
Vì vậy, người nông dân không tính toán, không loại trừ. Cả
mảnh đất mầu mỡ lẫn mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến
lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người đi gieo không bỏ rơi
mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Ông luôn muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp
mọi nơi.
3. Hôm nay Đức Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống và mạc khải
cho biết : người gieo giống là Thiên Chúa. Hạt giống là Lời của Người qua các tổ
phụ, tiên tri và sau hết là chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, thân phận hạt giống thì
khác nhau, vì thế, có hạt bị quên lãng, bỏ ngoài tai và vô tâm, chỉ ¼ là được
đón nhận. Lý do thân phận của hạt giống bị hư hoại nhiều là vì sự chai cứng
trên lối mòn hay bởi gai góc, đá sỏi cằn khô. Chỉ ¼ số hạt gieo vãi được may mắn rơi vào đất tốt, đủ điều kiện để
hạt giống nảy mầm, đơm bông kết trái.
Hình ảnh này cho thấy thực trạng của xã hội chúng ta hôm nay cũng đang bị
đủ thứ gai góc, sỏi đá và lối mòn đe dọa đến hạt giống của Lời Chúa (Ngọc Biển).
4. Tâm hồn mỗi người là một thửa ruộng, và không có thửa ruộng
nào vô ích. Thiên Chúa sẽ gieo hạt giống Lời Chúa vào mỗi tâm hồn không loại trừ.
Việc gieo Lời Chúa lúc nào cũng dồi dào phong phú, còn phía chúng ta, chúng ta
sẽ đón nhận Lời Chúa với thái độ nào ? Theo bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã phân
chia thành 4 loại đất mà người nông phu gieo hạt giống. Bốn loại đất ấy tiêu biểu
cho 4 thái độ của con người trước Lời Thiên Chúa :
* Đất vệ đường : những kẻ chẳng tha
thiết gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị quỷ dữ cướp đi.
* Đất lẫn sỏi đá : những người mau mắn
đón nhận Lời Chúa nhưng không quí chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó là bỏ
cuộc.
* Đất có nhiều gai : những người cũng
đón nhận Lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải...
Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa bị chết nghẹt.
* Đất tốt : những người sốt sắng đón
nghe Lời Chúa, ghi sâu vào trong tâm hồn và quảng đại đem ra thi hành trong cuộc
sống.
5. Hạt giống nào cũng ẩn chứa những hy vọng; bông hoa nào
cũng mang đến những niềm vui. Dẫu biết rằng có những hạt giống bị hư hao do các
loại tâm hồn vệ đường, đá sỏi, bụi gai, nhưng người gieo giống – hình tượng của
Thiên Chúa – vẫn lạc quan, vì hy vọng sẽ có những hạt rơi vào tâm hồn đất tốt,
để rồi sinh hoa kết hạt bội thu. Có vẻ
như thất bại của các hạt giống càng lúc càng gia tăng : hạt giống chưa kịp nảy
mầm bị chim trời ăn mất, hạt giống đã nảy mầm nhưng bị chết héo, hạt giống đã
thành cây con nhưng bị chết ngạt. Thế nhưng, chỉ cần vài hạt giống rơi vào đất tốt, hạt gấp trăm, chẳng những bù
đắp những hư hao, và còn dư dật phong phú. Dụ ngôn cho ta cái nhìn lạc quan về
Nước Trời, về việc nên thánh của người con cái Chúa (5 phút Lời Chúa).
6. Truyện : Hạt
giống bông lau.
Trong số những vị anh hùng xây dựng Hợp Chúng Quốc, phải kể
đến Bejamin Franklin, tạ thế năm 1790. Ông là một văn sĩ, nhà ấn loát và xuất bản;
lại còn là một nhà phát minh, một khoa học gia, thương gia và nhà ngoại giao. Một
hôm, ông nhận được món quà từ Ấn độ. Đó là một cây chổi bông lau. Nhìn cây chổi,
ông thấy có vài hạt còn dính lại ở đó, ông đã nhặt ra và lấy đem gieo, thế là hạt
giống nảy mầm, sinh hoa kết hạt. Tới mùa
gặt, ông lại lấy những hạt giống đó đem phân phát cho các bạn bè xóm ngõ. Tất cả
đều đem gieo, và chẳng bao lâu, Hoa kỳ đã có một kỹ nghệ làm chổi bông lau phát
đạt rải rác khắp nơi trong quốc gia. Đó cũng là nhờ Benjamin đã có sáng kiến,
biết lợi dụng vài hạt giống nhỏ mọn.
Chúng ta có thể rút ra được bài học qua kinh nghiệm này :
sau khi đã tìm hiểu Lời Chúa, chúng ta phải quyết tâm lắng nghe, thực hành và
phổ biến Lời Chúa cho người khác. Muốn cho cuộc đời chúng ta sinh hoa kết quả,
muốn cho bản thân thành đạt trên đường đời, hãy kiểm tra ruộng lúa tâm hồn thường
xuyên và kỹ lưỡng như người nông phu luôn biết săn sóc ruộng sạ của mình. Càng
vất vả cầy bừa, diệt cỏ, càng can đảm diệt tính hư nết xấu, Lời Chúa gieo xuống,
càng đem lợi ích cho cuộc đời chúng ta.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt