Thứ hai tuần 24 thường niên
Tôi không đáng rước
Ngài
(Lc
7,1-10)
1. Nghe tin Chúa
Giêsu vào thành Capharnaum, một sĩ quan ngoại giáo liền cậy nhờ những
người làm lớn trong dân Do thái đế xin Chúa
chữa đầy tớ yêu quí của ông đang hấp hối. Và các ông đã đến trình cho Chúa biết lai lịch của viên sĩ quan này. Tuy ông
là người ngoại đạo, nhưng ông rất có thiện cảm với đạo giáo. Rồi các ông nài
xin Chúa đến cứu chữa đầy tớ của ông. Chúa nhận lời.
Người còn đi dọc đường thì viên sĩ quan nhờ bạn hữu đến thưa không dám rước Người về
nhà, chỉ xin Người phán một lời cho người bệnh được khỏi, như ông sai bảo binh
lính và đầy tớ làm gì là họ làm theo.
Chúa thấy viên sĩ quan này có đức tin mạnh mẽ và lòng khiêm nhường như
thế thì khen ngợi, và đã làm phép lạ cho đầy tớ ông được khỏi bệnh.
2. Trong Tin Mừng, ít khi chúng ta gặp thấy Chúa Giêsu
khen, nhất là khi lời khen dành riêng cho một ai đó. Hôm nay, Chúa Giêsu khen
ngợi niềm tin của một sĩ quan Rôma, lời khen thiết thực đến mức có sức chữa
lành một người tôi tớ của vị sĩ quan này.
Điều lạ ở đây là người được Chúa Giêsu
ca ngợi về niềm tin, không phải là một chức sắc tôn giáo Do thái, cũng
không phải là một đạo hữu Do thái mà là một kẻ ngoại đạo cầm quyền đô hộ dân
Người.
Với những gì thánh Luca tường thuật, chúng ta dễ nhận ra rằng,
Chúa Giêsu không quá phân biệt người có đạo hay kẻ ngoại, mà Chúa nhìn thấy tâm
hồn của mỗi người... Điều mà Chúa khen tặng và sẵn sàng chữa lành hôm nay,
chính là lòng tin, sự khiêm nhường cùng một số các đức tính khác mà chúng ta sẽ
triển khai dưới đây.
3. Niềm tin của vị sĩ
quan.
Lời của viên sĩ quan :”Vì
tôi chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi cùng có lính dưới quyền tôi,
tôi bảo người này đi, thì nó đi; tôi bảo nguòi khác lại, thì nó lại; và bảo đầy
tớ tôi làm cái này, thì nó làm”(Lc 7,8).
Đây là một lời tuyên xưng đức tin cao độ. Với cách so sánh,
ông tuy là quan nhỏ, nhưng cũng có cấp dưới và họ phải vâng lệnh ông, từ đó ông
tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, có quyền trên mọi quyền lực thần thiêng, có quyền
trên mọi bệnh tật và tất cả đều phải vâng lệnh Người (quan niệm của người Do
thái tin bệnh tật là do tà thần và sự sữ).
Điều đáng nói ở đây nữa là, một sĩ quan thường ỷ thế vào quyền lực và tiền bạc để lo lắng cho người
đầy tớ, nhưng không, ông tin Chúa Giêsu mới có thể chữa lành và niềm tin của
ông đã được đền đáp (Hiền Lâm).
4. Lòng thương người
của vị sĩ quan.
Ông thương bằng cách sẵn sàng chịu cực đủ thứ để mong cứu
nó. Theo luật pháp Rôma, một “nô lệ” được
định nghĩa một “đồ dùng”, không có quyền pháp định nào. Chủ nhân có quyền tự do
sinh sát đối với người nô lệ của mình. Một
văn sĩ Rôma chuyên về quản lý gia cư có lời khuyên những chủ trại mỗi năm nên
kiểm kê các vật dụng và cũng khuyên họ ném bỏ bớt những món gì cũ kỹ, bể nát,
“kể cả” những nô lệ già yếu không sử dụng được nữa. Có biết được như thế, chúng
ta mới thấy thái độ của viên sĩ quan Rôma này đối với nô lệ là quá phi thường.
5. Sự khiêm nhường của
vị sĩ quan.
Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan đến xin Chúa chữa bệnh
cho người tôi tớ hôm nay có quyền lực đại diện cho đế quốc Rôma để cai trị một
vùng của người Do thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt
chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giêsu truyền đạo.
Thế nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giêsu không đơn
thuần là một thầy dạy như các luật sĩ,
mà là một vị tiên tri của Thiên Chúa, nên ông cảm thấy bất xứng trước mặt Ngài.
Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã
khiêm tốn nói lên :”Lạy Thầy, không dám
phiền Thầy hơn nũa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi
nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ
tôi được lành mạnh” (Lc 7,7).
6. Truyện : Hạ
mình xuống sẽ được nâng lên.
Một hôm, Dương Chu sang nước Tống, vào ở trọ một nhà kia.
Người chủ nhà trọ có hai nàng hầu, một nàng đẹp, một nàng thì xấu. Để ý quan
sát, Dương Chu thấy trong nhà ai cũng
quí trọng người thiếp xấu mà khinh rẻ người thiếp đẹp. Lấy làm lạ, không hiểu nổi, Dương Chu mới hỏi thằng bé trong nhà trọ. Thằng
bé tiết lộ :
- Người thiếp đẹp, tự cho mình là đẹp nên mất đẹp. Chúng
tôi chẳng ai nhìn ra cái đẹp của nàng cả. Trái lại người thiếp xấu, tự biết
mình là xấu, mà quên xấu, không còn ai nhìn thấy cái xấu của nàng nữa.
Dương Chu liền gọi học trò đến, dặn :
- Các con nhớ ghi lấy : giỏi mà bỏ được cái thói tự cao
mình là giỏi, thì đi đâu mà chẳng được người yêu quí tôn trọng.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt