Thứ sáu tuần 25 thường niên
Phêrô tuyên xưng Đức
Giêsu
(Lc
9,18-22)
1. Trong dân chúng có ba dư luận về Đức Giêsu : Ngài là
Gioan Tẩy Giả sống lại, là Êlia xuất hiện, hay một tiên trì thời xưa sống
lại. Đại khái họ coi Ngài không phải là
một người thường như mọi người, nhưng đặc biệt là người thuộc hàng tiên tri :
giảng dạy và có khả năng làm phép lạ. Riêng ông Phêrô được ơn trên soi sáng đã
tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Tuy thế, ông vẫn nghĩ về Đấng
Kitô theo cách thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng Cứu Thế
oai phong hiển hách. Bởi đó Đức Giêsu phải sửa lại cách nghĩ ấy : Ngài là Đấng
Kitô chịu nạn chịu chết và phục sinh.
2. Hôm nay, qua bài Tin Mừng, các môn đệ lâm vào cảnh khó
tin và rất bất ngờ. Bởi vì, sau những phép lạ Chúa làm, như phép lạ hóa bánh ra
nhiều cho 5000 người ăn, danh tiếng của Chúa lẫy lừng khắp nơi. Người ta còn muốn
tôn người làm vua nữa. Ai ngờ hôm nay, Ngài tuyên bố những điều thật khó hiểu,
làm mất hứng :”Con Người phải chịu nhiều
đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng
ngày thứ ba sẽ sống lại”.
Đức Giêsu là Đấng Messia như Phêrô đã đoán chính xác. Nhưng
Ngài không là Đấng Messia vinh quang như dân chúng đã mong chờ. Ngài phải là Đấng
Messia đau khổ. Ngài không thống trị, Ngài chỉ phục vụ. Đức Giêsu không quan
tâm chiếu rọi loại hình ảnh mà dân chúng muốn. Ngài biết Ngài có một số phận mà
Thiên Chúa đã định mà Ngài phải hoàn thành, không sai sót.
3. Tiếp theo đó, Đức Giêsu đưa ra lời mời gọi mọi người chứ
không riêng gì các môn đệ, là hãy theo Ngài :”Ai muốn theo Ta”. Đức Giêsu muốn khơi động lòng muốn cho những ai
theo Ngài. Điều đó chứng tỏ Chúa tôn trọng quyền tự do lựa chọn của con người,
theo hay không theo cũng được. Tiếng Latinh dùng chữ “Si quis” (nếu ai) càng rõ nghĩa hơn : chữ “nếu” nói lên sự tự do
hoàn toàn.
Nếu câu hỏi của Đức Giêsu chỉ có bấy nhiêu chữ “Nếu ai muốn theo Ta”, thì tất cả chúng
ta, những người đã được rửa tội, đều có thể đáp lại thật nhanh :”Con muốn...
Con muốn theo Chúa” . Nhưng nếu nghe trọn câu Ngài nói :”Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà
theo”, thì chắc hẳn số người nhanh chóng trả lời “Con muốn” sẽ giảm đi rất
nhiều.
4. Có một câu hỏi quan trọng trong cuộc đời cần được trả lời
:”Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” ? Đây không phải là bài thi trắc
nghiệm để biết kết quả đúng sai, cũng chẳng nhằm xem bao nhiêu phần trăm ủng hộ hay chống đối, mà
là một bước để tỏ bầy, để đi vào một tương quan mới. Từ câu hỏi thăm dò xa xa,
chung chung “Đám đông nói Thầy là ai”
? đến câu hỏi mang tương quan cá nhân, biệt vị “còn anh em”. Câu trả lời không có chỗ cho sự hời hợt, sự giả vờ, lấy
lệ, hay xã giao. Câu trả lời của ta xuất phát từ con tim, kinh nghiệm, sự hiểu
biết dựa trên nền tảng đức tin, cũng như từ sự kín đáo của ơn mạc khải :”Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”(5 phút
Lời Chúa).
Hôm nay Thầy Giêsu vẫn đặt câu hỏi ấy với bạn :”Đối với con, Thầy là ai” ? Bạn sẽ trả lời
thế nào ? Phải chăng là những gì được tuyên xưng trong kinh Tin Kính, hay được
“vay mượn” từ người khác ? “Nếu muốn trả
lời Người cách xa xa, ta sẽ khám phá ra một điều làm mình chắc chắn là sự sống
lại, nghĩa là sự sống phát xuất từ mầu nhiệm sự đóng đinh và sự chết... “Đối với con, Thầy là ai ? Con có liên kết số
mệnh con với số mệnh của Thầy không ? Con có nhận rằng Thầy cần sự đau khổ của
con để Thánh giá của Thầy có đầy đủ kích thước không ? Nếu có, con sẽ sống” (A.
Degeest).
5. Cùng với thánh Phêrô, chúng ta hãy tuyên xưng Chúa Giêsu
là Đức Kitô của Thiên Chúa. Tuyên xưng như thế cũng có nghĩa là tuyên xưng mầu
nhiệm Thập giá. Chúa Giêsu là Đức Kitô, bởi vì Ngài đã chấp nhận đi qua con đường
Thập giá để cứu rỗi con người. Tuyên xưng mầu nhiệm ấy cũng chính là để mầu nhiệp
Thập giá tỏ bày trong cuộc sống chúng ta. Chính trong mầu nhiệm Đức Kitô, con
người có thể hiểu chính mình. Do đó, để thực hiện ơn gọi Kitô hữu, chúng ta được
mời gọi đi lại con đường Thập giá mà Chúa đã đi qua (Mỗi ngày một tin vui).
6. Truyện vui :
Vác thập giá mình.
Vào chiều thứ Sáu Tuần Thánh, cha sở kêu gọi giáo dân : khi
quí vị đến nhà thờ đi chặng đàng Thánh giá để tưởng niệm sự chết và đau khổ của
Chúa Giêsu, mỗi người nên làm một cây thập giá bằng bất cứ vật liệu nào tượng
trưng cho sự đau khổ của mình trong cuộc sống đang phải chịu. Sau chặng đàng
Thánh giá yêu cầu quí vị mang lên bàn thờ cho tôi làm phép. Mọi người đều mang
lên đủ loại thập giá. Ông trùm bước lên tay không, cùng với bà vợ. Khi cha sở hỏi,
thập giá của ông đâu, ông chỉ ngay vào bà vợ và nói :”Thưa cha, đây là thập giá
của con”. Cha sở cũng làm phép, nhưng sau đó liền bảo ông rằng :”Bây giờ ông
hãy ôm lấy cây thập giá này và hôn lên cây thập giá của ông đi”.
Đây là câu chuyện vui cười ! Nhưng Thập giá Đức Giêsu đề cập
đến không phải chỉ là bà vợ hay ông chồng. Nó không đơn thuần chỉ là một đám cưới
không hạnh phúc, hay những trở ngại khó khăn đến với chúng ta ngoài ý muốn,
cũng không chỉ là những điều xui xẻo, không may xẩy đến như thi rớt, bệnh tật,
mất việc. Thập giá Đức Giêsu đề cập chính là
sự chọn lựa từ bỏ mình để dâng hiến hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa (Rm
6,13;12,1). Từ bỏ những ý kiến, suy nghĩ riêng tư, cả cái tôi kiêu căng, tự ái,
ích kỷ và lòng ham hố danh lợi (Pl 2,21). Đó là tự làm rỗng mình đi cho Thần
Khí của Thiên Chúa ngự trị, để làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Đó là với Đức
Tin Cậy Mến chúng ta biến đổi Thập giá thành Thánh giá, đau khổ trở nên giá cứu
chuộc linh hồn cho mình và cho nhân loại.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt