Thứ tư tuần 25 thường niên
Đức Giêsu sai các
Tông đồ đi giảng
(Lc
9,1-6)
1. Đức Giêsu sai mười hai Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng để
các ông được tham gia vào sứ mạng của Ngài. Đức Giêsu đã ban cho các ông năng lực
làm phép lạ , chữa bệnh và quyền
phép để xua trừ ma quỉ. Ngài cũng căn dặn các ông nhiều điều trước khi lên đường.
Lời căn dặn của Đức Giêsu phải chăng muốn nói : khi rao giảng
phải bỏ hết những đồ dùng, kể cả lương thực ? Thưa không, Ngài chỉ muốn nhấn mạnh
rằng, với sứ mệnh loan báo Tin Mừng, đừng để vật chất, danh vọng, tình cảm làm
chủ mình. Nhưng, phải cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và của Tin Mừng thôi.
2. Thiên Chúa hằng chăm lo cho dân của Người. Vì thế, nhiều
lần, nhiều cách, Thiên Chúa đã ban cho dân các Tổ phụ, rồi sai các Tiên tri, và
thời sau cùng, Người trao ban chính Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã kiện toàn tất cả
những gì đã loan báo trước đó, đồng thời,
Ngài không ngừng mời gọi những môn sinh của mình tiến bước để cùng Ngài
ra đi và tiếp nối sứ mạng cao quý là loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Để củng cố lời rao giảng, Đức Giêsu còn trao ban cho các ông năng lực
của chính Ngài để thực hiện các phép là và ban quyền phép để xua trừ ma quỷ.
3. Trước khi đi rao giảng, Đức Giêsu dặn bảo các ông cần có
tinh thần siêu thoát :”Anh em đừng mang
gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”.
Theo đó, Đức Giêsu không bảo các ông phải vô sản, không chủ trương tìm sự
thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi
mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giầu có tinh thần. Đức Giêsu muốn nhấn
mạnh rằng, đừng để cho vật chất , danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình.
Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa
vào tiền bạc, hãy dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện
vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ
bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với
đầy dẫy những thứ cồng kềnh vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ,
bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giời cho Chúa (Hiền Lâm).
4. Lý do của việc
truyền giáo. Hội thánh luôn nhận lấy bổn phận và nhiệt tình truyền giáo từ
chính tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người :”Vì tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi”(2Cr 5,14). Quả thế, “Thiên Chúa luôn cho mọi người được ơn cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân
lý”(1Tm 2,4). Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được ơn cứu độ nhờ nhận biết chân lý. Trong chân lý có ơn cứu
độ. Những ai để cho Thần Chân Lý thúc đẩy thì đã ở trên đường cứu độ. Vì đã được
ủy thác chân lý, Hội thánh phải nắm bắt
khát vọng của con người để mang chân lý đến cho họ. Vì tin vào ý định cứu độ phổ
quát của Thiên Chúa, nên Hội thánh phải truyền giáo.
5. Loan báo Tin Mừng Nước Trời là sứ mệnh hàng đầu của Đức
Giêsu và của cả Giáo hội , Ngài đã đến trần gian và ở lại 33 năm là để thi hành
sứ mệnh này. Kế tiếp Ngài, các người được Ngài mời gọi, đi theo, ở với và rồi
được sai đi cũng mang trọng trách ấy cho đến “khi Chúa đến”. Trước tiên, loan báo Tin Mừng hệ tại việc “đi”: đi vào giữa lòng đời
và đi ra vùng ngoại biên. Loan báo còn là làm chứng, thực hiện những dấu chỉ,
trong đó có dấu chỉ chữa trị những vết thương tinh thần và cả thể lý của những
kẻ môn đệ Chúa Kitô được sai đến. Lời loan báo, giới thiệu Tin Mừng được đón nhận
dễ dàng hơn khi có các dấu chỉ yêu thương, hy sinh, quảng đại... kèm theo. Điều
này đòi hỏi các môn đệ phải nỗ lực thích nghi, sáng kiến trong sứ vụ. Nói cách
khác, để chu toàn sứ mệnh, người môn đệ không thể ở yên một chỗ, nhưng phải di
chuyển và đưa ra những kế hoạch cụ thể, thích hợp (5 phút Lời Chúa).
6. Chúng ta có thể rao giàng Lời Chúa bằng lời nói, chữ viết,
cử chỉ hay bất cứ phương tiện nào, nhưng phương tiện có tính thuyết phục nhất
là đời sống thực tế của chúng ta, chính con người chúng ta là dấu ấn của Thiên
Chúa để người ta trông thấy chúng ta thì
đồng thời cũng nhìn ra Chúa. Trong việc
phong thánh cho Linh mục Gioan Vianney, cha sở xứ Ars, một nhà điều tra phong
thánh có hỏi một người trong giáo xứ về đời sống của Ngài, thì người giáo dân ấy
chỉ trả lời vỏn vẹn bằng mấy chữ :”Tôi đã
trông thấy Thiên Chúa trong một con người”.
7. Truyện :
Chúa sai tôi đi.
Sau thế chiến thứ nhất, một linh mục trẻ người Pháp được
bài sai đi coi xứ. Tay xách vali, cha mạnh dạn ra đi truyền giáo. Đến nơi chỉ
thấy hầm với hố, tường thì đổ. Nhà thờ, nhà xứ, chỉ còn duy nhất một bức tường
xiêu vẹo.
Không một chút sờn lòng, cha cùng với các tín hữu tích cực
kiến thiết lại ngôi thánh đường đổ nát. Chẳng bao lâu sau, đền thờ vật chất đã
hoàn thành khang trang đẹp đẽ. Giờ đây, cha lại tiếp tục xây dựng đền thờ tâm hồn.
Nhờ đời sống gương mẫu, cha đã tu sửa lại
lòng đạo đức của cả đoàn chiên.
Tuổi cha chưa cao nhưng đã kiệt sức, giữa lúc tình cha con
đang mặn nồng, gắn bó. Dầu vậy, nằm trên giường bệnh, cha vẫn thản nhiên vui vẻ.
Giờ hấp hối đến, cha nhỏ nhẹ nói với những người chung quanh cha rằng :
- Giờ đây tôi vui mừng vì đã trung thành giữ lời nhủ bảo của
thân phụ tôi ngày tôi chịu
chức Linh mục :”Nay con đã là linh mục của Chúa, cha chỉ cầu mong con ba điều :
“Thứ nhất, lúc con chết đừng nợ ai xu nào. Thứ hai, khi qua đời con cũng chẳng
còn xu nào. Thứ ba, lúc lâm chung con đừng vướng một chút tội nào với Chúa”. Và
thế rồi ngài an bình ra đi về với Đấng mình đã trọn đời dâng hiến.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt