Thứ hai tuần 27 thường niên
Ai là người thân cận
của tôi
(Lc
10,25-37)
1. Người Do thái vẫn biết giới luật cao trọng hơn hết là “Mến Chúa hết
lòng và yêu người thân cận như chính mình”.
Mến Chúa thì dẽ hiểu, còn yêu tha nhân thì họ khó hiểu vì họ có cái nhìn thiển cận và hẹp
hòi về những người ngoài dân tộc Do thái. Chính vì vậy, một người thông luật đã
đến hỏi thử Chúa Giêsu xem ai là người thân cận của ông và ông xin Chúa cho một
câu định nghĩa. Nhưng thay vì lý thuyết xuông, Ngài đã đưa ra dụ ngôn người
Samaritanô nhân lành để cho ông một bài học.
2. Đối
với luật sĩ và biệt phái thì luật mến Chúa thì quá rõ, ai cũng biết vì nó có ở
trong kinh Schema mà người Do thái đọc hằng ngày; nhưng còn luật yêu người thì
họ còn mù mờ :”Thế nào là yêu người thân
cận như chính mình ? Người thân cận là ai”? Chính vì vậy mà một người thông
luật đến chất vấn Đức Giêsu xem người
thân cận là ai ? Đức Giêsu không trả lời bằng lý thuyết xuông có thể gây tranh
luận, Ngài dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để nói cho người thông luật biết rằng : người
thân cận không phải chỉ là người Do
thái, mà là bất cứ ai không phận biệt chủng tộc, giai cấp, mầu da hoặc tín ngưỡng
đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
3. Ngày nay chúng ta hay nói :”Tứ hải giai huynh đệ” : bốn bể là anh em, nhưng người Do thái không
chấp nhận qua niệm này. Luật của người Do thái đã giới hạn sự giao tiếp giữa
người Do thái với những người không phải là Do thái. Theo luật của họ, người thân
cận được định nghĩa là “những người con trai của xứ sở bạn”.
Do đấy, chỉ có những người Do thái mới là hàng xóm, là thân cận của mình.
Đức Giêsu chủ trương ngược lại : người anh em của tôi, người
thân cận của tôi là bất cứ ai tôi chọn để trở nên người anh em, người thân cận.
Như vậy, không biết ai là người anh em của mình nữa, mà điều quan trọng là tìm cách để trở nên người anh em, người gần
gũi với bất cứ ai đang cần sự giúp đỡ.
4. Có người nói tình yêu đích thực được thể hiện qua bốn phương diện : (1) sẵn
lòng giúp đỡ; (2) biết xót xa trước đau khổ và (3) biết vui mừng trước hạnh
phúc của người khác; cuối cùng (4) biết tha thứ. Chúa Giêsu đưa ra nhân vật Samaritanô như một
điển hình về tình yêu đích thực đó. “Chạnh lòng thương” trước tình cảnh khốn khổ
cấp bách của một người không quen biết, thay vì bỏ đi như thầy tư tế và thầy
Lêvi với những bận rộn của mình – mà ai lại không có những việc bận rộn cơ chứ
? – ông Samaritanô này sẵn sàng gác lại công việc của mình, và dốc toàn lực cứu chữa người bị nạn cách tận tình. Với nghệ
thuật kẻ chuyện tài tình, Chúa mô tả tỉ mỉ những việc làm bác ái của người
Samaritanô. Ngài dạy chúng ta yêu thương đích thực phải thể hiện bằng việc làm
cụ thể và Ngài kết luận cũng rất cụ thể :”Hãy
đi và làm như vậy”(5 phút Lời Chúa).
5. Nhà văn Mark Twain nói :”Từ ngữ ‘mưa’ sẽ chẳng nói
lên điều gì nếu như bạn chưa một lần đi
trong mưa hoặc tiếp xúc với nó ? ‘Tình yêu’ cũng chẳng là gì nếu như bạn chưa
bao giờ kinh nghiệm về nó”. Người thông luật biết rất rõ hai giới răn quan
trọng là Mến Chúa và yêu người. Nhưng theo Đức Giêsu, để được sự sống đời đời,
ông phải thực hành điều ông vừa nói. Ông sẽ không biết “mến Chúa yêu người” thực
sự, nếu không hiện thực hóa hai điều răn này trong suy nghĩ, lời nói và hành động
của ông. Ai cũng cần có tình yêu để được sống hạnh phúc. Thế nhưng, tình yêu
không phải là một khái niệm chỉ để nói suông. Tình yêu đòi hỏi chia sẻ, cảm
thông, hy sinh và gắn bó với một đối tượng cụ thể. Tình yêu mời gọi mỗi người
biết trao tặng một lời nói chân thành, một nụ cười khích lệ, hoặc một việc bác
ái (Học viện Đa Minh).
6. Một cách tổng quát, chúng ta có thể thực hiện lòng yêu Chúa
và tha nhân như sau :
a) Mến yêu Chúa : Muốn mến yêu Chúa, chúng ta có muôn vàn cách
để yêu mến Ngài nhưng những cách biểu lô ấy có tính cách chủ quan, mỗi người một
cách, nhưng theo Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu đã nhấn mạnh lại điều kiện
tiên quyết để biết ai là người mến Chúa, đó là “Thực thi Lời Chúa, sống theo giới
răn của Chúa”.
b) Yêu tha nhân : Muốn yêu tha nhân cho xứng đáng, hãy sống
theo khuôn vàng thước ngọc này:”Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho
mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy”(Mt 7,12). Hay
nói ngắn gọn hơn :”Ngươi hãy yêu thân cận
ngươi như chính mình”(Mc 12,30).
Yêu mình thế nào, thì phải yêu người như vậy. Tất nhiên mình luôn luôn muốn cho
mình được những điều tốt lành, hạnh phúc và lợi ích. Không ai muốn mình bị xấu
xa, khổ cực, tại họa; vậy yêu người cũng
phải làm cho người như vậy.
7. Truyện : Đi
tìm chén thánh.
Có một câu chuyện huyền thoại về “một người Samaritanô tốt
lành” có tên là Sir Launfal, một hiệp sĩ trẻ hào hùng. Một ngày nọ chàng hiệp
sĩ lên đường đi truy tìm chiếc chén thánh mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong bữa Tiệc
ly. Khi chàng bắt đầu rời khỏi thành phố ra đi thì gặp ngay một người cùi đang ngồi ăn xin
bên vệ đường. Chạnh lòng thương, chàng đã giúp cho người cùi một đồng, rồi ra
đi. Chàng tìm mãi chẳng thấy chén thánh đâu ! Thất bại, chàng hiệp sĩ bèn lên
ngựa quay trở về nhà. Lúc này chàng đã già hơn xưa sau cuộc hành trình tìm kiếm thật gian khổ. Còn người cùi vẫn ngồi ăn xin ở chỗ cũ. Chàng hiệp sĩ chẳng
còn tiền bạc gì nữa để cho, anh chia sẻ với người cùi mảnh bánh vụn còn lại
trong cuộc đời. Ăn xong, họ chẳng có gì để uống. Chàng hiệp sĩ bèn lấy cái tô của
người cùi đi tìm nước cho người cùi uống. Khi chàng bưng tô nước quay trở lại đưa cho người cùi thì người cùi đã biến thành Chúa Giêsu và tô nước hóa nên
chén thánh mà chàng đang đi tìm kiếm.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt