Thứ năm tuần 27 thường niên

Dụ ngôn người bạn quấy rầy

(Lc 11,5-13)

 

          1. Sau khi dạy các môn đệ cầu nguyện theo kinh Lạy Chúa. Đức Giêsu còn đưa ra dụ ngôn “người bạn quấy rầy” để khuyên chúng ta hãy kiên tâm cầu nguyện. Theo dụ ngôn ấy,việc chủ nhà cuối cùng đã cho anh bạn vay bánh có thể vì một trong hai lý do : cho để khỏi bị quấy rầy hoặc cho vì tình bạn. Theo cách diễn tả của dụ ngôn thì người đó đã làm vì lý do thứ nhất. Nếu làm vì lý do thứ hai thì việc cho sẽ có ý nghĩa hơn. Nhưng dù sao thì cuối cùng anh bạn đứng ngoài đã đạt được điều mình xin và lý do là nhờ anh kiên trì.

 

          2. Một trong những đặc điểm của nền văn minh cổ xưa nhất chính là sự kiên trì cầu nguyện. Tất cả những lời cầu nguyện được tìm thấy trong nền văn minh đó, đều là những kinh cầu được lặp đi lặp lại. Lời cầu nguyện đối với người xưa là cả một công trình lâu dài. Khi người Ai cập thời cổ  tống táng người chết dọc theo bờ sông Nil, họ thường cho xây cất những đền thờ bên cạnh để đêm ngày cầu nguyện. Nếu người chết là một nhân vật quan trọng, sẽ có những tư tế ngày đêm túc trực trong đền thờ để cầu nguyện, có khi lời cầu nguyện này kéo dài hàng thế kỷ (R.Veritas).

 

          3. Chúa Giêsu dạy chúng ta kiên trì cầu nguyện, vì Thiên Chúa không là Đấng sợ bị quấy rầy, Ngài luôn lắng nghe chúng ta trong từng giây phút. Nơi Thiên Chúa không có tình trạng hồ sơ ứ đọng. Mỗi lần cầu xin, mỗi nhu cầu của chúng ta đều được Chúa lắng nghe với tất cả yêu thương trân trọng. Thật ra, trước khi chúng ta mở miệng kêu xin, Chúa đã biết rõ nhu cầu chúng ta và Ngài ban ơn trước khi chúng ta cầu xin. Chúng ta hãy cầu nguyện và cầu nguyện luôn bởi vì lời cầu nguyện gia tăng lòng tín thác và đó chính là sự đáp trả của Chúa, còn ân ban nào cao cả hơn. Cầu nguyện do đó cũng là xin ơn phó thác nơi Chúa.  Thiên Chúa có chương trình cho chúng ta, hãy cầu nguyện cho chương trình chúng ta, hãy cầu nguyện cho chương trình ấy được thực hiện để trong mọi sự Danh Chúa được cả sáng, ý Chúa được thể hiện (Mỗi ngày một tin vui).

 

          4. Kiên trì  là một đức tính quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống. Trong cầu nguyện cũng thế, cầu nguyện cũng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại để thể hiện  sự ý thức giá trị của điều mình xin. Nhưng trong thực tế, có những người vẫn cầu nguyện hoài mà sao không thấy Chúa nhận lời, phải chăng Chúa Giêsu đã dối gạt chúng ta. Nhưng sở dĩ, chúng ta cầu nguyện  mà chưa được là do hai nguyên nhân. Thực ra khi chúng ta cầu nguyện thì Thiên Chúa đã nhận lời, nhưng vì ích lợi chúng ta nên Ngài còn trì hoãn và chưa để nó thành sự. Hai là lòng chúng ta chưa đủ kiên trì trước sự trì hoãn của Chúa (5 phút mỗi ngày).

 

          5. Một ngày nọ, thánh Clément Hofbauer vào một quán ăn để xin tiền giúp trẻ mồ côi. Thấy vậy, có một người chửi bới  và nhổ vào mặt ngài. Ngài lặng lẽ lau mặt và nói:”Đấy là phần ông cho tôi, còn phần cho các em cô nhi đâu”? Cảm phục trước sự kiên trì của thánh nhân, ông xin lỗi và dốc hết túi tiền tặng ngài.

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi vì bị con cái quấy rầy bằng những lời van xin khẩn nguyện. Bởi vì, Ngài là Thiên Chúa yêu thương nhân từ. Thiên Chúa biết chúng ta cần gì là tốt cho chúng ta. Ngài luôn sẵn sàng ban những ơn cần thiết để nâng  đỡ và giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ. Vì vậy, chúng ta hãy chạy đến với Ngài, kiên trì cầu nguyện để xin Ngài cứu giúp. Nhờ đó, chúng ta có những ân sủng cần thiết để đi trọn hành trình theo Chúa và gắn bó mật thiết hơn với Ngài.

 

6. Có người thắc mắc : “Thiên Chúa đã biết tất cả mọi sự trước khi chúng ta cầu xin, tại sao Đức Giêsu còn nhắc bảo chúng ta : “Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ”? Ba động từ như ba lệnh truyền lặp đi lặp lại. Đành rằng Chúa thông biết mọi sự, cần gì phải xin, phải tìm, phải gõ ? Thánh Augustinô giải thích :”Hãy xin Ngài sẽ cho. Những điều Ngài cho, Ngài chưa cho ngay để càng làm tăng thêm ước muốn của chúng ta và làm tăng giá trị cho của Ngài ban cho”.

Chúng ta có thể thêm vào lời thánh Augustinô : Phải kiên trì khi cầu xin để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Ngài sẽ ban. Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không ích lợi cho linh hồn chúng ta; hoặc Ngài muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy lòng nhân ái.

 

7. Truyện :  Một em bé cầu nguyện.

          Một đứa bé nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia bị bệnh nặng phải vào nhà thương, các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc phẫu thuật. Trước khi cho thuốc tê mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc dài. Nghe nói đến ngủ, em bé đã xin quì gối cầu nguyện và kết thúc bằng lời :”Xin Chúa cho con chóng lành bệnh”. Sau đó em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành giải phẫu.

          Hôm sau thức dậy câu hỏi đầu tiên của em là :”Thưa bác sĩ, cháu có được lành bệnh không”? Bác sĩ nhìn em bé và cảm động nói :”Cháu hãy để Chúa liệu... điều bác tin chắc là  lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm , cháu đã cứu được một người là chính bác : từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa, nhưng hôm qua khi cháu cầu nguyện sốt sắng, Chúa đã đánh động bác; sáng nay, bác đã đến nhà thờ xưng tội, rước lễ, bác tin chắc Chúa đã nhận lời cháu, cháu đừng lo, hãy phó thác cho Chúa”.               

 

                                                                             Lm Giuse Đinh Lập Liễm

                                                                             Đà Lạt