Thứ tư tuần 27 thường niên
Chúa dạy các môn đệ
Kinh Lạy Cha
(Lc
11,1-4)
1. Thời Chúa Giêsu, mỗi nhóm tín ngưỡng có một bài kinh
riêng, đặc trưng của nhóm mình. Bài kinh mà Chúa Giêsu sắp dạy cũng là đặc trưng
của Kitô giáo. Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất được chính Chúa
Giêsu dạy cho chúng ta. Còn gì hạnh phúc bằng khi chúng ta được gọi Thiên Chúa
là Cha. Khi đã ở trong tương quan Cha – con, thì trước hết, chúng ta phải nghĩ
đến danh Cha và Nước Cha. Còn nhu cầu của chính chúng ta chắc chắn Cha chúng ta
sẽ lo liệu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải trình bày lên Cha sự thiếu thốn mọi mặt của chúng ta trong sự
khiêm tốn và phó thác.
2. Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của
đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công giáo là tâm tình con thảo với
Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và
phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa. Hôm nay, môn đệ xin với Thầy
Giêsu dạy cách cầu nguyện, và Người đã dạy các môn đệ một mẫu cầu nguyện tuyệt
hảo mà chúng ta gọi là Kinh Lạy Cha.
Cả hai thánh sử Matthêu và Luca đều ghi lại Kinh Lạy Cha,
nhưng kinh Lạy Cha của thánh Luca ngắn hơn và ít hơn hai điều. Nhưng cả hai đều
nhằm tới những điều căn bản
nhất về tâm tình cầu nguyện mà Chúa Giêsu dạy chúng ta.
3. Thánh Luca đặt kinh Lạy Cha sau lời xin của các môn đệ “xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện như Gioan
đã dạy môn đệ mình”. Như thế Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu đã nhằm
đáp ứng yêu cầu của các môn đệ có một bài kinh đặc biệt cho nhóm theo Chúa
Giêsu. Khởi đầu, Chúa Giêsu dạy ta xưng
Thiên Chúa là “Cha” rõ ràng đây là một nét khác biệt với các tôn giáo khác. Mỗi
khi chúng ta đọc hai tiếng “Lạy Cha”, chúng ta cảm thấy lòng đầy vui sướng, hạnh
phúc và hy vọng để cầu nguyện tâm sự với
Thiên Chúa của mình. Kinh Lạy Cha, mẫu gương của những lời cầu nguyện, chúng ta
phải ý thức rằng lời cầu nguyện đích thực cần phải được qui hướng về Thiên
Chúa. Cầu nguyện là thờ phượng, tôn vinh Thiên Chúa chứ không phải để xin ơn
này hay ơn kia cho bản thân (5 phút Lời
Chúa).
4. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ gọi Thiên
Chúa là Cha. Thực ra, quan niệm gọi Thiên Chúa là Cha không chỉ phổ thông trong
dân tộc Do thái : Trong Cựu ước, nhờ giáo huấn của các Tiên tri, người Do thái
gọi Thiên Chúa là Cha : Ngài là Cha của toàn dân; nhưng cả các dân tộc vùng Tiểu Á ngày xưa cũng
gọi các thần minh là Cha. Tuy nhiên, cách xưng hô Cha, tiếng Do thái là Abba,
mà Chúa Giêsu dạy các Tông đồ hoàn toàn khác hẳn với tiếng Cha của người Do
thái trong Cựu Ước. Đó là tiếng thông dụng thường ngày nơi miệng con trẻ gọi
cha mình. Như thế, tiếng Cha trong kinh Lạy Cha là nền tảng mạc khải của Chúa Giêsu và là lời tuyên tín của Công
đoàn Giáo hội do Chúa Giêsu thiết lập, kêu lên với Thiên Chúa (Mỗi ngày một tin
vui).
5. Trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, có rất nhiều
môn phái : Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang... Mỗi môn phái có những đặc trưng khác
nhau thể hiện qua cách suy nghĩ, chiêu thức tấn công, phòng thủ, phương pháp
luyện tập nội công... Các thành viên trong mỗi môn phái đều thực hành lối sống
và nét đặc trưng của môn phái mình. Nhìn lối sống của họ, người ngoài có thể nhận
ra họ thuộc môn phái nào.
Ông Gioan Tẩy Giả có các môn đệ của mình. Họ học theo cách
suy nghĩ, cầu nguyện, cư xử, hành động của ông. Nhìn lối sống của họ, người ngoài có thể nhận biết là môn đệ của
Gioan Tẩy Giả.
Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng có
nhiều môn đệ. Các ông cũng muốn học theo cách sống, lối suy nghĩ, hành động,
nói năng của Chúa Giêsu. Hôm nay, họ xin Người dạy họ cầu nguyện. Đáp lại mong
ước chính đáng và đúng đắn của họ, Chúa Giêsu đã dạy họ Kinh Lạy Cha.
6. Truyện : Lạy
Cha chúng con...
Có một Giám mục trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm một
bà lão. Người ta nói bà là tấm gương cho
cả làng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám mục hỏi :
- Bà thường đọc sách đạo đức nào nhất ?
- Thưa Đức Cha, con không biết đọc – bà cụ trả lời. Nghe thế
vị Giám mục hỏi :”Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà”? Thấy vị Giám mục muốn biết bí
quyết của mình, bà thật thà thưa :
- Thưa Đức Cha, con chỉ biết tràng hạt thôi : kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng và kinh
Tin kính. Mỗi ngày con khởi sự đọc tới 10 lần, nhưng thường thì con không đọc
xong.
- Tại sao thế ? – Bà cụ thưa :”Tại vì khi bắt đầu đọc : Lạy
Cha chúng con... con không hiểu tại sao Chúa có thể tốt lành đến mức cho phép một
bà già hèn mọn như con được gọi Ngài là Cha. Điều đó làm con bật khóc và rồi
con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được”. Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị
Giám mục khuyến khích :
- À , này bà cụ, đó là lời cầu nguyện giá trị bằng tất cả
những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục cầu nguyện theo câu đó nhé !
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt