Thứ ba tuần 28 thường niên
Chúa khuyên đừng vụ
hình thức
(Lc
11,37-41)
1. Các người biệt phái vẫn chống đối Đức Giêsu, tuy nhiên
không phải tất cả, vì một số người có thiện cảm với Chúa và mời Người tới dự bữa
cơm gia đình. Nhân dịp này, Đức Giêsu đưa ra một bài học về những cái bên ngoài
và bên trong : bên ngoài là việc tuân thủ những qui định về hình thức; bên trong là lòng đạo thật.
Nhóm biệt phái chỉ chú trong đến cái bên
ngoài và bỏ quên cái bên trong.
2. Theo thói thường, việc rửa tay trươc khi ăn là một thói
quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như một nét văn hóa được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều
nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí
như là một điều buộc phải làm để giữ vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các biệt phái
thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo để
đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.
3. Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu nhận lời mời của
một trong nhóm biệt phái đến dùng bữa tại nhà mình và những người này đã không
thích gì Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài, mặc dầu cho nhiều người chống đối xầm
xì. Nhưng điều đáng nói ở đây là sự bất
mãn của một số biệt phái đối với Đức Giêsu khi Ngài không rửa tay trước khi
dùng bữa. Thấy vậy, Đức Giêsu đã lật tẩy thói đạo đức vụ hình thức của họ khi
nói :”Này các ông, những người biệt phái,
các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa,
nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng
tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo
thành cả cái bên trong sao”? Đồng thời, Ngài cũng mời gọi họ hãy hoán cải để
đẹp lòng Thiên Chúa và được Ngài tha thứ bằng việc thực thi bác ái với tha
nhân.
4. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng
ta bài học về sự trong sạch đúng nghĩa.
Nhóm biệt phái bắt bẻ Đức Giêsu và các môn đệ Ngài không rửa tay trước bữa ăn,
họ cho rằng đó là lề luật. Đức Giêsu sửa lại những quan điểm sai lầm đó là lối
sống vụ luật, hình thức. Việc rửa tay trước khi ăn là đều tốt bên ngoài nhằm bảo
vệ sức khỏe. Nhưng chúng ta không dừng lại ở việc thanh tẩy bên ngoài mà phải
thanh tẩy bên trong tâm hồn trong sạch bằng lối sống công chính trong suy nghĩ
và đối xử với tha nhân. Chính lòng quảng đại tha thứ đối với tha nhân có giá trị
tẩy rửa tâm hồn và nâng cao giá trị tâm linh cho con người (5 phút Lời Chúa).
5. Lời Chúa nói với người biệt phái cũng là lời cảnh tỉnh
cho con người thuộc mọi thời đại. Bên ngoài người ta có thể là những người rất đạo
mạo, lịch sự, danh giá, chức quyền, sang trọng, nhưng bên trong lại chất chứa đầy
sự tham lam độc ác”đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”. Bên ngoài đẹp như hàng
“gin” của Tây Âu, nhưng bên trong thì là linh kiện rởm của những kẻ bắt chước. Nhiều người chúng ta tô điểm cho vẻ bề ngoài
của mình để được nổi trội, kể cả việc làm phúc bố thi, nhưng bên trong đầy những
mưu mô ngầm ý về danh tiếng và danh vọng.
6. Quan niệm và tâm thức của những người biệt phái thời Đức
Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên
Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng
khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu
như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức
này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Đức Giêsu hướng con
người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của
lương tâm và tâm hồn (Mỗi ngày một tin vui).
7. Tục ngữ Việt Nam có câu :”Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hay “Cái
nết đánh chết cái đẹp” để khẳng định rằng giá trị bên trong cao quí hơn những
gì người ta thấy bên ngoài. Trước những người biệt phái quá chú trọng về hình
thức và luôn tự coi mình là công chính, Đức Giêsu nhắc nhở họ hãy nhìn lại bên
trong con người mình. Qua lời nhắc nhở
này, Đức Giêsu cũng muốn nói với chúng ta hôm
nay : Đừng chỉ lo cho bề ngoài tươm tất, thơm tho mà quên mất phần tô đểm cho vẻ
đẹp tâm hồn, bằng cách “bố thí” những gì tốt đẹp bên trong. Đó là cách để chúng
ta được nên trong sạch.
8. Truyện : Cần thanh tẩy cõi lòng.
Có hai
vị thiền sư trên đường về tu viện sau một cơn mưa, tình cờ họ gặp một cô thiếu
nữ xinh đẹp đang đứng trước vũng sình to
lớn chắn lối đi. Thấy vậy, một trong hai vị liền cõng cô trên vai rồi lội qua
vũng sình để qua bên kia bờ. Vị tu sĩ cùng đi chung thấy cảnh tượng đó lấy làm
khó chịu và cho đó là một gương mù gương xấu.
Suốt hai tiếng đồng hồ ông ta trách mắng vị tu sĩ đã cõng
người con gái qua vũng sình bùn, vì làm như thế là đã phá giới của đạo rồi. Ông
nói với vị tu sĩ kia rằng :”Thầy không biết mình là người tu sĩ sao? Tại sao thầy
dám đụng đến một người phụ nữ. Hơn nữa, khi thầy cõng cô ta qua vũng sình lầy như vậy dân chúng thấy sẽ
suy nghĩ như thế nào ? Họ còn tin vào đạo nữa không”? Vị tu sĩ bị mắng vẫn kiên
trì lắng nghe, cuối cùng ông ta đáp lại rằng:”Thưa thầy, tôi đã để cô gái ở lại
bên bờ kia rồi, còn thầy mới chính là kẻ cõng cô gái đó trong lòng mình”.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt