Thứ bảy tuần 28 thường niên
Hãy tuyên xưng danh
Chúa
(Lc 12,8-125)
1. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục ghi lại những lời Chúa dạy
hôm qua là môn đệ của Chúa hãy mạnh dạn sống và rao giảng Tin mừng, đừng sợ vì
đã có Chúa quan phòng. Ngoài ra Chúa dạy thêm : đừng sợ vì ngày phán xét chính Chúa Giêsu sẽ tuyên bố
nhận kẻ can đảm làm chứng cho Ngài và hơn nữa, có Chúa Thánh Thần soi sáng cách ăn nói và ứng phó khi người môn đệ bị
đưa ra trước những nhà cầm quyền thế gian.
2. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu biết rằng các môn
đệ sẽ chịu nhiều thử thách, thế nên Người đã cảnh giác rằng các ông có thể sẽ mất
đi những hồng ân của Thiên Chúa và rơi vào tình trạng nghi ngờ hay từ bỏ đức
tin. Mặt khác, Người cũng bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần sẽ giúp sức cho chúng ta
trong những cuộc bách hại.
Đồng thời, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ nói phạm đến
Thánh Thần. Tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần là thái độ của những kẻ cứng lòng từ chối tình yêu và sự tha thứ của
Thiên Chúa mà không thực lòng muốn sám hối.
3. Thế nào là tội phạm
đến Chúa Thánh Thần ?
Chúa Giêsu nói :”Và hễ
kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm đến
Thánh Thần, thì sẽ không được tha”(Lc 12,10) . Đây là một vấn nạn rất khó giải thích. Chúa
Thánh Thần là nguồn của bảy ơn sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu
chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ
ơn thánh và khước từ ơn cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước
từ thì Chúa cũng chịu vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ
chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta
khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustinô từng dạy :”Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có
ta cộng tác”. Chúa Thánh Thần hoạt động
trong ta, mà ta xúc phạm đẩy Ngài ra để
chỗ cho tà thần, thì làm sao được ơn cứu độ (Hiền Lâm) ?
4. Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ, nhưng để hưởng ơn cứu
rỗi Chúa, con người phải cộng tác bằng việc sám hối ăn năn. Vì thế, bao lâu còn
sống ở trần gian mà có lòng thống hối, thì tội gì cũng được tha; còn khi cố chấp,
không hối cải, thì tội không thể được tha. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần chính
là tội cố chấp, ngoan cố ở trong tình trạng tội lỗi, khước từ mọi ân huệ của
Chúa, chắc chắn không được hưởng ơn tha thứ .
5. Tử đạo và chối đạo
ngày nay :”Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng nhìn lại cuộc sống. Ngày nay những
cuộc bách hại đạo công khai không còn, nhưng những khó khăn mọi mặt mà người
Kitô hữu đang trải qua cũng đủ để họ tuyên xưng đức tin đến mức tử đạo. Ngược lại,
khước từ sống theo những cam kết đức tin cũng là một hình thức chối đạo. Chối đạo
khi không có những hành động cụ thể, khi đóng khung đức tin vào những việc đạo
đức làm vì thói quen, khi không nhận ra tình yêu quan phòng của Thiên Chúa”(Mỗi
ngày một tin vui).
6. Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh, khi bị quân lính bắt bước
qua Thánh giá, đã mạnh dạn tuyên xưng :”Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu giẫm lên Thánh giá, vì
tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật”. Đức
Giêsu củng cố lòng trung thành của các môn đệ trước những biến cố sắp xẩy đến với
Người. Người đảm bảo phần thưởng cho các ông trên Quê Trời, nếu các ông mạnh mẽ
ra đi làm chứng cho Người, can đảm tuyên xưng niềm tin vào Người, và sẵn sàng
chịu vu khống cáo gian vì Người. Ngày hôm nay, Đức Giêsu vẫn không ngừng kêu gọi
chúng ta ra đi làm chứng và giới thiệu Chúa cho
những người khác.
7. Truyện :
Có, tôi tin chứ
Trong một tu viện đang bị quân
đội Xô Viết chiếm đóng, một cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Tu viện trưởng và một sĩ quan Sô Viết. Ông
này nói :
- Hiện giờ chỉ có hai chúng ta, không một ai chứng kiến, vậy
ông hãy nói sự thật, đừng sợ gì cả ! Hãy nói cho tôi biết là ông không tin vào
tất cả những chuyện Chúa bà, tôn giáo mà ông tuyên xưng đây
Vị Tu viện trưởng trả lời :
- Có,
tôi tin chứ !
Viên sĩ
quan liền rút súng lục ra, gí thẳng vào thái dương Cha và nói :
- Nếu
ông không nói là ông chẳng tin gì cả thì
tôi sẽ bắn! Và Tu viện trưởng lặp lại một lần nữa lời tuyên xưng của mình. Viên
sĩ quan hạ súng xuống và kêu lên vui vẻ :
- Đây
là điều mà tôi trông đợi, đây là người mà tôi tìm kiếm. Tôi cũng vậy, bây giờ tôi
tin vào Chúa Kitô.
Rồi cuộc đối thoại tiếp tục trong hướng tinh thần đó (Trích trong cuốn “Bưng biền của Thiên Chúa”
của cha Georges).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt