Thứ hai tuần 28 thường niên
Cảnh cáo những kẻ cứng
lòng tin
(Lc
11,29-32)
1. Khi Đức Giêsu cứu chữa một người bị quỷ câm ám, thì dân
chúng chia làm ba nhóm khác nhau : nhóm tin, nhóm không tin, còn nhóm thứ ba cũng
không tin, nhưng đòi phải đưa ra một dấu chỉ “từ trời” để chứng minh Người là kẻ
được Thiên Chúa sai đến. Đức Giêsu từ chối vì biết họ chỉ có ý khiêu khích. Người
hứa cho họ xem một dấu lạ lớn lao, tuyệt hảo nơi bản thân Người khi dựa vào câu
chuyện ông Giona đã làm thời xuất hành để
hứa ban một dấu lạ nơi chính bản thân
Người là sự tử nạn và phục sinh của Người để kêu gọi mọi người sám hối.
2. Chắc mọi người chúng ta ít nhiều đều đã trải qua kinh
nghiệm gặp một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao
giờ có lòng khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi
lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý do để biện hộ, để tránh né vấn
đề , để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số những người Do thái nghe Chúa
Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ Ngài thực hiện cũng có những
người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách giải thích khác đi. Họ đòi Chúa
Giêsu phải làm một dấu lạ “từ trời” xuống thì họ mới tin. Nhưng Chúa không làm
theo ý họ.
3. Dấu lạ hay phép lạ chỉ hỗ trợ cho lời rao giảng và
góp phần nâng đỡ niềm tin. Bởi vì khi đã
thấy tỏ tường thì không còn là đức tin nữa, mà là một sự chấp nhận bất đắc dĩ không thể chối cãi. Nếu niềm tin chỉ dựa
vào phép lạ sẽ rất nông cạn nhất thời và gặp khi thử thách sẽ bỏ cuộc. Chúa
Giêsu và các Tông đồ chỉ làm phép lạ khi cần thiết và hợp ý Thiên Chúa, các
Ngài luôn từ chối thực hiện phép lạ theo đòi hỏi của con người. Bài Tin Mừng
hôm nay kể về việc người biệt phái đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ, nhưng Chúa
Giêsu đã từ chối và lên án sự cứng lòng của họ.
4. Ngày xưa, tiên tri Giona được Chúa sai đến thành Ninivê,
loan báo thành này sắp bị phá hủy. Dân Ninivê từ vua tới dân (thậm chí cả súc vật)
đã ăn chay, mặc vải thô, xức tro lên đầu và thống hối ăn năn, cuối cùng được
Chúa tha thứ. Ấy thế mà, hôm nay Đấng là Thiên Chúa (cao trọng khôn vời so với
Giona) đang kêu gọi :”Hãy ăn năn sám hối,
vì Nước Thiên Chúa đã gần”. Người Do thái đã không đón nhận và không chịu
sám hối, cải thiện đời sống mà trở về với Thiên Chúa.
Đó cũng là thái độ của nhiều
người trong chúng ta, vẫn thả mình buông theo tội lỗi và làm bao nhiêu việc sai
trái trong ‘bóng tối’. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai đang sống trong tội,
hãy mau ăn năn thống hối, bỏ đường tội lỗi, trở về với Chúa qua bí tích Hòa giải
và đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hầu cuộc đời chúng ta được đổi mới và nên
thánh hiện (Hiền Lâm).
5. Trước khi đi chợ, mẹ dặn hai cậu con trai ở nhà, không
được đi chơi xa kẻo kẻ trộm vào nhà. Hai đứa bé không tin vì nghĩ kẻ trộm không đến vào ban ngày. Cả hai cùng đi chơi.
Thế là trộm vào nhà. Hôm nay, dân Do
thái, đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ. Trước đó, Người đã làm nhiều phép lạ khi
còn ở giữa họ, sao họ còn đòi thêm một dấu lạ ? Chẳng lẽ họ đã quên phép lạ
Chúa đã làm cho con trai bà góa thành Nain sống lại, hay làm phép lạ hóa bánh
ra nhiều cho dân chúng ăn no nê rồi sao, hay vì họ muốn trốn tránh lời kêu gọi
sám hối của Chúa ?
Khi tiên tri Giona đến rao giảng và kêu gọi sám hối, dân
thành Ninivê tin lời ông và ăn năn hối cải. Dân Do thái đã thấy dấu lạ Chúa
Giêsu làm, nhưng vì không chịu tin Người là Con Thiên Chúa, nên họ đóng cánh cửa
lòng mình trước lời kêu gọi sám hối của Người.
6. Để tin nhận Chúa, cần phải thực hiện cuộc ăn năn hoán cải,
chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thánh Ninivê
khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giona ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu nói tiếp
:”Quả thực, ông Giona là một dấu lạ cho
dân thành Ninivê thế nào, thì con người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ
này như vậy”.
Sự ăn năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin Mừng của Chúa, không
có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng chính lời mời
gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra
khỏi những tật xấu và thái độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ
(R.Veritas).
7. Truyện : Đức
Kitô là một mầu nhiệm.
Một người đàn ông đến với vị linh mục và muốn thắc mắc các
cớ về đức tin, ông nói :
- Làm sao mà bánh, rượu biến thành Mình, Máu Chúa Kitô được
?
Linh mục trả lời :
- Có gì đâu. Bản thân ông cũng biến thức ăn thành máu thịt
ông đấy. Thế thì lẽ nào Chúa Kitô không
làm được như vậy ?
- Nhưng, làm sao mà Chúa Kitô toàn thể ở trong tấm bánh nhỏ
tí được ?
- Này, cả vùng trời bao la trước mặt còn nằm gọn trong mắt
ông, thì Chúa Kitô cũng vậy đấy.
- Vậy cùng một Chúa Kitô làm sao có thể hiện diện đồng thời
ở khắp các nhà thờ ?
Lúc bấy giờ linh mục cầm chiếc gương cho ông ấy soi mình
vào. Sau đó, ngài thả rơi chiếc gương xuống đất nó vỡ thành nhiều mảnh, rồi nói
với kẻ hoài nghi :
- Đấy chỉ có một mình ông thôi, vậy mà ông có thể thấy
gương mặt mình trên từng mảnh gương vỡ. Chúa Kitô cũng thế (Willi Hoffsuemmer).
Người đời thường
nói :”Mặt trời vẫn có đó nhưng chỉ có những
ai không dùng bàn tay che kín mắt mình lại, thì người ấy mới có thể thấy được
ánh sáng huy hoàng rực rỡ của nó”.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt