Thứ tư tuần 28 thường niên
Cần tránh thói giả
hinh
(Lc 11,42-46)
1. Sau khi Đức Giêsu lên tiếng khiển trách các biệt phái về
tội vụ luật, hình thức, bây giờ Người vạch ra tội giả hình của họ. Đọc bài Tin
Mừng hôm nay, chúng ta phải suy nghĩ : có lẽ chúng ta đang sống cách sổng của
người biệt phái xưa. Lối sống mà Đức Giêsu chê trách là chỉ giữ cặn kẽ những điều
luật dạy một cách giả hình mà không theo tinh thần của lề luật, đó là mến Chúa và yêu thương anh em. Đức Giêsu
không bác bỏ việc giữ luật, nhưng phải giữ với lòng yêu mến chứ đừng hình thức.
Người cũng lên án tính huênh hoang tự cao tự đại chỉ biết hưởng thụ, còn gánh nặng
và khó khăn thì trút tất cả cho người khác.
2. Đối với sự gian dối và bất lương của những người biệt
phái và các nhà thông luật Đức Giêsu đã không ngần ngại lên tiếng khiển trách họ.
Thái độ khoe khoang và cái bề ngoài công chính, giả tạo nhưng bên trong lòng
thì chứa đầy những gian xảo của những
người biệt phái hay như hành động chèn ép và áp bức của các nhà thông luật đối
với người dân bần cùng là cội rễ của các bất công xã hội. Đức Giêsu không có chủ ý kết án những người
biệt phái và những nhà thông luật, ngược lại Người chỉ muốn khiển trách để cảnh
tỉnh lương tâm của họ để họ lắng nghe lời Người là Con Thiên Chúa mà trở về con
đường ngay thẳng (R.Veritas).
3. Đức Giêsu vạch rõ thói giả hình của họ. Giống như mồ mả
tô vôi, các người biệt phái với áo vàng mũ miện đai nịt mầu mè, nhưng trong tâm
hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa.
Đó là lối sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người chung
quanh những việc làm của họ để được ca tụng.
Đó cũng là thái độ của không ít người
trong chúng ta, tìm cách che giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm
tốn nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của
mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề
ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hóa
đời sống để được đổi mới trong mọi sự.
4. Chúa phê bình người biệt phái như vậy mà họ vẫn không tự
ái, vẫn im lặng không lên tiếng. Trong lúc đó, có một người thông luật không chịu
nổi nữa nên đã phản ứng lại :
- Thưa Thầy, Thầy nói
như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa (Lc 11,45) !
Đang ngon trớn, với giọng phẫn nộ, Đức Giêsu phê bình luôn
cả những người thông luật :”Khốn cho các
ngươi nữa, hỡi các nhà thông luật. Các ngươi chất lên vai kẻ khác những gánh nặng
không thể gánh nổi, còn các ngươi thì, dù một ngón tay cũng không động vào”(Lc
11,46). Bắt người khác làm mà minh không làm... đó cũng là cách sống giả
hình, ích kỷ.
Thánh Giacôbê khẳng định :”Đức tin không có việc làm là Đức tin chết” (Gc 2,26).
Đức Giêsu không bao giờ rao giảng những gì mà Người đã không thực hiện
trước. Người dạy các môn đệ tránh xa thứ men giả hình của biệt phái, tránh thái
độ “ngôn hành bất nhất”, nói mà không
làm. Đã có lần Chúa tuyên bố :”Không phải
mọi kẻ nói với Thầy : Lạy Chúa, Lạy Chúa, là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ
làm theo ý Cha Thầy”(Mt 7,21).
5. Có người nói :”Trời cho những cái bên ngoài, để che những
cái sơ sài bên trong”. Những thứ bên ngoài lắm khi được chú ý một cách thật tỉ
mỉ nhưng thực chất chỉ nhằm che giấu thực
trạng tồi tàn trống rỗng nội tâm. Tình trạng đó xẩy ra trong đủ mọi lãnh vực từ
việc quan hệ giao tiếp giữa người với nhau cho đến việc thờ phượng Thiên
Chúa. Ngược lại có người phản ứng lại
thái độ đó bằng cách phủ nhận mọi hình thức biểu dương bên ngoài, họ cho rằng
chỉ cần giữ “đạo tại tâm” và không cần bất cứ hình thức thể hiện nào khác.
Đức Giêsu dạy chúng ta một đường lối trung dung :”Phải làm các điều này mà không được bỏ các
điều kia”. Hãy bắt đầu sống “công
bình và nhân ái” và rồi việc bên ngoài như “nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ” sẽ là một
trong những cách thể hiện “lẽ công bình
và lòng nhân ái” đó (5 phút Lời
Chúa).
6. Truyện : Người buôn cam ở Hàng Châu.
Ngày xưa ở Hàng Châu, có người chuyên đi buôn cam. Anh ta
có tài để dành cam lâu ngày mà không ung, không thối, để lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng, vẫn tốt, vẫn đẹp như cam mới
hái. Anh đem ra chợ bán. Thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy cũng ham
!
Nhưng rồi có một người tên Lưu Cơ cũng mua một quả.
Đem về nhà bóc ra thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát.
Lưu Cơ liền chạy ra chợ tìm gặp người bán cam và trách móc :
- Anh bán cam cho người ta để làm của cúng của lễ, đãi tân
khách hay là chỉ để làm choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ ? Tệ thật ! Anh
giả dối lắm !
Người buôn cam mỉm cười :
- Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi
bán thì người ta mua, chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên
hạ giả dối nhiều, chẳng riêng gì một mình tôi. Thật ông chẳng nghĩ cho đến nơi
đến chốn. Hãy thử xem, người đeo hộ phù, da hổ hùng dũng trông ra dáng quan võ
lắm. Kỳ thực họ có được như Ngô Khởi, Tôn Tẫn thuở xưa không ? Người đội mũ cao,
đóng đai vàng, trông ra dáng quan văn lắm.
Kỳ thực họ có được giỏi như Cao Dao, Y Doãn không ? Giặc nổi lên, không biết dẹp,
dân khổ, không biết kêu vào đâu. Quan lại thì tham nhũng, không biết trừng trị.
Pháp đồ hỏng không biết sửa đổi,
ngồi không, ăn lương chẳng biết xấu hổ... thế mà lúc ra ngồi công đường, đi xe
ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, hách dịch vô cùng !... Đó, bề ngoài họ chẳng
như vàng ngọc, mà bề trong chẳng hôi xác xơ như bông nát là gì ? Sao ông không
chịu xét những hạng người như thế mà lại đi xét quả cam tôi ?
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt