Thứ hai tuần 29 thường niên
Đừng ham mê của cải
vật chất
(Lc 12,13-21)
1. Trong lúc Đức Giêsu đang giảng, có một người trong đám
đông lên tiếng xin Người xử việc hai anh em ruột tranh nhau phần gia tài. Đức
Giêsu không xử vì điều đó không thuộc sứ mệnh của Người. Nhân dịp này, Đức
Giêsu đưa ra dụ ngôn người phú hộ giầu có lo tích trữ được rất nhiều của cải và
cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo
đảm. Người bảo họ là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho
cuộc đời mình. Người khôn phải dùng của cải
không bền ở đời này mà làm phúc để mua lấy của cải bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự
cho cuộc đời.
2. Tin Mừng hôm nay thuật lại sự việc hai anh em tranh chấp
gia tài, không thỏa đáng nên nhờ Đức Giêsu can thiệp. Nhân dịp này, Chúa dạy
dân chúng đừng ham mê của cải đời này quá đáng vì của cải không phải là nguồn mạch
sự sống mà Thiên Chúa mới là nguồn mạch sự sống. Hơn nữa, của cải vật chất có sức
lôi kéo mạnh mẽ làm cho con người ta dễ dàng đi tới chỗ ích kỷ và tìm hưởng thụ
để thỏa mãn mọi khoái lạc trần thế. Đức Giêsu không ngăn cấm chúng ta làm giầu,
vì của cải cần thiết cho đời sống, đồng thời khi nỗ lực làm giầu là chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo
của Thiên Chúa, làm cho trái đất sinh nhiều hoa lợi để phục vụ nhân loại. Nhưng
Chúa chỉ cảnh giác chúng ta phải biết sử dụng của cải vật chất để làm giầu cho
sự sống đời đời (5 phút Lời Chúa).
3. Giầu của cải không
đảm bảo cho sự sống đời đời.
Dụ ngôn Đức Giêsu kể về một người giầu có an thân thỏa mãn trên đống của cải trong kho
lẫm , rồi tự cho phép linh hồn mình được “nghỉ
ngơi”, nhưng nếu Chúa gọi bất thình lình, thì “tay trắng hư không” ra đi
vào cõi diệt vong. Thật vậy :
Khi chúng ta đi về
nơi an nghỉ
Những gì thu góp
chẳng còn chi
Sẽ mất hết những
gì ta xài phí
Chỉ còn lại những
gì đã cho đi.
Ham mê của cải như ông phú hộ trong dụ ngôn là chỉ lo làm
giầu trước mặt người đời, lo tích trữ của cải đời này mà không lo cho phần rỗi
đời sau. Của cải vật chất tự nó không xấu, siêng năng làm việc để có của cải luôn là điều tốt. Thế nhưng,
chúng ta không được phép dừng lại ở đó để hưởng thụ và an thân bám víu vào nó,
mà phải biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.
4. “Ta chỉ giầu có nhờ
những gì cho đi, và chỉ nghèo do những gì ta từ chối”(Triết gia Emerson) Trong từ điển của ông phú hộ trong câu chuyện
Tin Mừng không có từ “cho đi”. Ông từ
chối Chúa và người lân cận, vì lo chất thóc lúa cho đầy kho lẫm, cũng như đầy
“kho” ăn uống vui chơi, hưởng thụ cho mình. Không lạ gì ông trở nên nghèo nàn
trước mặt Chúa. Hẳn ông đã quên bài học cơ bản này : làm giầu trước mặt Chúa bằng
cách cho đi chứ không phải qua việc tích trữ; bằng cách hướng về Chúa và người
khác, chứ không phải chỉ qui về mình. Coi chừng giữ mình khỏi mọi thứ tham lam
là điều ai trong ta, giầu hay nghèo, phải ghi nhớ mỗi ngày.
5. Hãy biết chia sẻ.
Chúa dạy chúng ta:”Đừng
thu tích của cải trần gian cho mình mà hãy lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa”.
Cái làm cho chúng ta giầu có trước mặt Thiên Chúa không phải là chúng ta có gì hoặc
là làm gì, nhưng chúng ta là gi.
Antoine de Saint
Exupéry nói :”Khi giờ cuối cùng của bạn
giáng xuống, bạn chỉ nên dựa vào điều mà
bạn đã trở thành”.
Có hai cách xài của cải đưa đến hai kết quả khác nhau :
a) Xài một cách ích kỷ cho riêng mình, kết quả là không bảo
đảm cho sự sống đời đời.
b) Dùng tiền của để làm giầu trước mặt Thiên Chúa thì kết
quả là sự sống đời đời được bảo đảm.
Thực ra, khi người giầu chia sẻ của cải cho người nghèo,
cũng chỉ là bổn phận của người quản lý mà thôi.
Augier đã nói một
câu chí lý :”Trong dự tính của Thiên
Chúa, người giầu chỉ là viên thủ quỹ của người nghèo”. Vì thế, không ai “ê hề của cải, dư sài nhiều năm” mà “cứ nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi cho đã”(Lc
12,19) chính là những kẻ ăn cắp.
6 Truyện : Rồi
sao nữa ?
Ngày xưa, thánh Philipphê Nêri muốn thuyết phục Phanxicô
Spazzaro, một sinh viên Rôma, đã hoàn toàn tin tưởng ở sự hướng dẫn của ngài về
một chân lý ngàn năm. Một hôm Phanxicô Spazzaro hớn hở báo tin cho ngài biết
mình đã thành công rực rỡ trên đường khoa nghiệp. Thánh nhân trả lời :
- Khá lắm. Cha xin mừng với con. Nhưng rồi con sẽ làm gì ?
- Con sẽ làm trạng sư, sẽ biện hộ ở tòa án.
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ có nhiều tiền.
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ lập gia đình.
- Rồi sao nữa ?
- Con sẽ sống hạnh phúc.
- Rồi sao nữa ?
Chàng sinh viên suy nhĩ một lúc rồi trả lời :
- Rồi... rồi con cũng sẽ chết như bất cứ ai khác.
- Rồi sao nửa ?
Chàng sinh viên im lặng bỏ đi, trầm tư và u buồn. Tuy
nhiên, câu hỏi cứ nhắc đi nhắc lại mãi, chàng cứ bị ám ảnh hoài. Và để bảo đảm
cho cái “Rồi sao nữa” kia, cuối cùng, chàng từ giã đường trần khoác áo tu trì.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt.