Thứ năm tuần 29 thường niên
Những thử thách của
việc trung thành
(Lc 12,49-53)
1. Chúng ta nghĩ thế nào khi nghe Đức Giêsu nói :”Thầy đến để gây chia rẽ”(Lc 12,51)). Một
câu nói xem ra nghịch lý, khó chấp nhận. Nhưng nếu phân tích sâu xa thì câu nói
đó lại là một chân lý tuyệt vời. Hòa bình đích thực chỉ có sau khi đã quyết liệt
chiến đấu để chọn lựa. Hòa bình chỉ có khi đã phân rẽ sự ác khỏi điều thiện,
bóng tối ra khỏi ánh sáng... Nhờ ngọn lửa thanh tẩy, bợn nhơ được loại bỏ để chỉ
còn lại sự tinh tuyền trọn hảo.
2. Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói :”Các con tưởng Thầy đến đem sự bình an đến thế
gian ư ? Không phải thế đâu, Thầy đến để đem sự chia rẽ” (Lc 12,51). Với tư
cách là một người hiền lành và khiêm nhường trong lòng, làm sao Đức Giêsu đã đến
trần gian để gây chia rẽ và xáo trộn ? Tuy nhiên, nhiều khi vì Ngài mà xáo trộn
và chia rẽ xẩy ra.
Chúng ta cần hiểu rằng : bằng hai chữ hòa bình và chia
rẽ, Đức Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài
: Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (x.Is 9,5), Đức
Giêsu xác nhận là đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình. Nhưng
Ngài cần thấy phải giải thích thêm : chữ “Hòa bình” có nhiều nghĩa : hòa bình
kiểu thế gian và hòa bình của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói rằng Ngài đến thế gian
không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ
hòa bình của Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau
khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin Mừng của Ngài.
Thực tế cho thấy là sứ vụ của Đức Giêsu đã gặp chống đối,
và Lời rao giảng của Ngài đã gây chia rẽ giữa những người tin và những người
không tin, chia rẽ xẩy ra ngay trong lòng gia đình.
3. Cuộc sống của người Kitô hữu là một cuộc chiến đấu không
ngừng. Trận chiến mà chúng ta tham dự là trận chiến chống lại sức mạnh của ác
thần. Vương quốc Chúa Giêsu thiết lập là một vương quốc luôn trong tình trạng
chiến tranh, Giáo hội của Ngài luôn trong tình trạng thánh chiến. Thánh chiến ở
đây không có nghĩa là chiếm lại Thánh địa, các nơi thánh hay bất cứ lãnh thổ trần
gian nào, nhưng là chống lại sức mạnh của tối tăm, hận thù, tội lỗi và chết
chóc.
4. Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng gây nên chết chóc đau
thương. Hòa bình mà nhân loại đạt được lắm khi là giá của rất nhiều mạng người.
Người Kitô hữu cũng đeo đuổi một cuộc thánh chiến, nhưng là để đạt được bình an
trong tâm hồn. Sự bình an ấy, chúng ta chỉ có thể đạt được bằng giá của một cuộc
chiến đấu liên lỉ chống lại tội lỗi và
khuynh hướng xấu trong chính bản thân. Vì thế, người Tây phương có câu ngạn ngữ
:”Si vis pacem, para bellum” : nếu muốn
có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Nếu muốn có bình an trong tâm hồn, hãy
chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của ác thần luôn bủa vây lôi
kéo chúng ta đến tội lỗi (R.Veritas).
5. “Thầy đã đến ném lửa
vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.
Một đạo sĩ Ấn độ dạy các đệ tử:”Đêm tàn và ngày xuất hiện, ánh sáng tới và bóng tối lui là khi nhìn vào
mặt nhau, người ta nhận ra nhau là anh em”. Ánh sáng mặt trời, mặt
trăng giúp ta thấy rõ sự vật, nhưng
không thể biến một người xa lạ thành người anh em của chúng ta. Vậy thứ ánh
sáng kỳ diệu ấy từ đâu? Ánh sáng ấy phát xuất từ trái tim. Thứ ánh sáng ấy tỏa
ra từ khắp các trang sách Tin Mừng. Khi người xứ Samaria nhân hậu cúi xuống
băng bó vết thương cho người bị nạn, ánh sáng ấy đã bừng lên. Ánh sáng đó khiến
hai người xa lạ nhìn vào mặt nhau và nhận ra nhau là anh em. Ta hãy khơi cho ngọn
lửa yêu thương bừng cháy, đẩy lui bóng tối hận thù, ích kỷ; mở rộng tâm hồn đón
nhận và trao tặng yêu thương, để mọi người
nhìn nhận nhau như là anh em đích thực. Bấy giờ, đêm sẽ tàn, ngày mới sẽ bắt đầu,
bóng tối nhường chỗ cho ánh sáng, và ánh sáng tỏa rạng từ các trái tim chan hòa
yêu thương.
6. Truyện :
Ozanam, ngọn lửa nhiệt tình.
Năm 1843, thành phố Paris đang bị xáo trộn, Đạo Công giáo bị
đe dọa, các cơ sở tôn giáo bị phá phách. Tại Lyon, bọn thợ thuyền cũng kéo cờ đỏ,
hát những bài phạm đến Chúa và phản đạo. Năm ấy Ozanam học luật ở Paris. Dầu
còn thanh niên, cậu đã dùng ngòi bút và việc bác ái để phản công. Cậu siêng
năng đọc Phúc âm, rước lễ. Cậu thụ giáo với giáo sư Ampère về học thức và đạo đức.
Và cậu mạnh bạo bênh vực Giáo hội. Với Ozanam các sinh viên, trước đây rụt rè
lo sợ, bây giờ mạnh bạo. Các giáo sư đại học cũng phải kiêng nể Công giáo. Cậu
tổ chức các buổi diễn thuyết làm sống lại Đạo Công giáo. Về phía dân chúng, cậu
đã cùng 6 anh em khác lập Hội Bác Ái Vinh Sơn giúp đỡ các người nghèo khổ. Hồi
18 tuổi, cậu đã thề :”Nhất định hy sinh đến thí mạng cho dân nghèo”. Đồng thời
với Ozanam, Montalembert tranh đấu cho tự do giáo dục của Giáo hội, tại nghị
trường. Dù là giáo sư đại học, Ozanam vẫn hàng tuần đi các khu nghèo khó để dạy giáo lý cho những công nhân nghèo khổ.
Ngày nay, Giáo
hội cũng cần nhiều tâm hồn có lửa nhiệt tình như Ozanam.
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Đà
Lạt